Nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng sau 10 năm chịu án oan

Ông Nguyễn Thanh Chấn chịu án oan 10 năm và đã đồng ý nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng. Đây là tiền bồi thường oan sai cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay

Ảnh: Giáo Dục Việt Nam

HÀNH TRÌNH 10 NĂM

Ông Nguyễn Thanh Chấn, 53 tuổi, quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bị kết án oan với tội danh “giết người” vào ngày 26–3–2004 và thụ án tù chung thân cho đến ngày 4–11–2013 mới được minh oan, ra tù trước thời hạn.

Hung thủ thực sự trong vụ án oan này là Lý Nguyễn Chung, nhưng sau khi gây án vào chiều tối 15–8–2003, Chung đã trốn vào Đắk Lắk lập gia đình và sinh sống.

Ngày 25–10–2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú trước Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan, 31 tuổi, quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, chiều tối 15–8–2003, Chung đến quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan để mua dầu gội đầu. Khi phát hiện thấy trong tủ kính bán hàng tạp hóa có chiếc hộp đựng tiền, Chung nảy sinh ý định giết chị Hoan.

Do vào thời điểm gây án, bị cáo Chung mới 14 tuổi 7 tháng 25 ngày, chưa đủ 15 tuổi, mặt khác lời khai của bị cáo và nhân chứng trùng khớp thời điểm nên bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Chung chưa có tiền án, tiền sự, đã ra đầu thú, thời điểm phạm tội chưa đủ 15 tuổi nên bị tuyên án 12 năm tù về tội giết người, 2–3 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp mức hình phạt là 12 năm tù. Đây là mức án cao nhất dành cho người phạm tội dưới 15 tuổi.

Liên quan trách nhiệm trong vụ án oan này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố, tạm giam ông Trần Nhật Luật, nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang, và ông Đặng Thế Vinh, nguyên trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang, để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ông Phạm Tuấn Chiêm, 65 tuổi, cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn, cũng bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ban đầu, ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu tòa bồi thường hơn 9,3 tỷ đồng cho 10 năm ngồi tù oan và yêu cầu được trả lại toàn bộ số tài sản đã bị tịch thu khi ông bị bắt gồm một xe đạp thống nhất cũ, mội đôi thùng nhựa đựng nước, một bộ quần áo cộc…

Tòa án Nhân dân Tối cao đã xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn và ông đã đồng ý nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng.

TIỀN BỒI THƯỜNG LẤY TỪ ĐÂU?

Theo quy định của pháp luật, tất cả kinh phí bồi thường ở trung ương đều do Bộ Tài chính quản lý. Sau khi cơ quan bồi thường thương lượng thành công với ông Chấn, tòa án sẽ ra quyết định giải quyết bồi thường và chuyển giao quyết định cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

15 ngày sau khi nhận được quyết định, nếu ông Chấn không khiếu nại, khởi kiện thì quyết định sẽ có hiệu lực pháp luật.

Sau đó, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội lập hồ sơ và đề nghị cấp kinh phí để chuyển qua Vụ Kế hoạch tài chính Tòa án Nhân dân Tối cao.

Sau khi thẩm định hồ sơ, nếu thấy thủ tục bồi thường đã đầy đủ, đúng trình tự thủ tục, Vụ Kế hoạch tài chính sẽ chuyển hồ sơ qua Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính. Vụ Hành chính sự nghiệp lại tiếp tục thẩm định.

Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong 15 ngày, Bộ Tài Chính sẽ cấp phát kinh phí qua tài khoản của Tòa án Nhân dân Tối cao. Trong vòng năm ngày kể từ khi nhận tiền, tòa án sẽ phải chi trả tiền bồi thường cho ông Chấn.

Nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng sau 10 năm chịu án oan Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua