Nhà chùa chỉ có lễ cầu an để giúp cái tâm của mọi người được yên ổn
“Đêm ba mươi, đạp thằng Bần ra cửa, Sáng mồng một, bồng ông Phúc vào nhà”. Năm mới đến thay vì “bồng ông Phúc vào nhà”, nhiều gia đình lại rủ nhau đi cầu an giải hạn đầu năm để xoa dịu nỗi lo “sao xấu chiếu mệnh”.
MỖI NGƯỜI MỘT KIỂU
Từ quê lên Hà Nội vào ngày mùng 3 Tết, chị Nguyễn Thị Minh (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) lập tức tìm đến chùa để đăng ký xin dâng sao giải hạn. Giải hạn ở chùa và mời thầy cúng về nhà, tất cả hết ngót nghét 5 triệu đồng. “Năm nay vợ chồng tôi đều có sao chiếu mạng xấu. Tôi sao Thái Bạch “mất sạch cửa nhà”. Còn chồng thì sao Kế Đô, không chỉ giải hạn ở chùa mà ở nhà cũng phải cúng lễ, làm hình nhân thế mạng. Thầy phán sao xấu, vợ chồng tôi lo nơm nớp nên đầu năm phải tiến hành dâng sao giải hạn ngay”, chị Minh giải thích.
Cũng chung suy nghĩ ấy, cứ rằm tháng Giêng là chị Bùi Minh Lý (Q. Hà Đông, Hà Nội) đến đền, chùa trong làng để làm lễ dâng sao giải hạn. Năm nào “sao đẹp”, làm lễ ở đền chỉ hết khoảng 500.000 đồng, năm nào “sao xấu”, phải làm hình nhân thế mạng thì chi phí lên tới tiền triệu. Tuy nhiên, bản thân chị Lý cũng không chắc làm lễ vậy có hóa giải được hết vận hạn hay không. “Thú thực tôi không rõ lắm bản chất của giải hạn, thấy mọi người đi chùa, đi đền để giải hạn thì mình cũng đi thôi. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, đi giải hạn cho yên tâm”, chị Lý nói.
Có ba cách cầu an giải hạn đầu năm được nhiều người áp dụng. Thứ nhất là giải hạn tại nhà, gia chủ mời thầy cúng đến, giá cả tùy vào độ “tiếng tăm” của thầy. Thứ hai là giải hạn tại đền và mỗi nhà đền có một mức giá khác nhau. Phổ biến hơn cả là cầu an, giải hạn tại chùa, giá tùy từng chùa.
Không ít gia đình dùng cả tháng giêng để đi khắp nơi cầu an, giải hạn với mong muốn “cả năm yên ổn”. Hầu hết các ngôi chùa trong dịp đầu xuân đều rất đông người dân đến làm lễ dâng sao giải hạn. Tại những nơi làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn có tiếng, rất dễ xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp lên nhau để cướp lộc…
PHẬT KHÔNG DẠY DÂNG SAO GIẢI HẠN
“Đạo Phật không có dâng sao giải hạn mà chỉ có cầu an. Nhà chùa chỉ có lễ cầu an để cái tâm được yên ổn, cho gia đình, người thân bình an, mạnh khỏe. Còn dâng sao giải hạn xuất phát từ Đạo giáo đời Đường ở Trung Quốc. Nghi thức này chỉ diễn ra ở các đền, phủ. Theo thời gian, bởi nhu cầu của người dân quá lớn nên các ngôi chùa buộc phải tổ chức lễ dâng sao giải hạn đầu năm”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, khẳng định.
Theo quan niệm của Đạo giáo, trên trời có 9 ngôi sao luân phiên chiếu mệnh mỗi năm, trong đó có sao tốt và sao xấu, “nặng” nhất là La Hầu, Kế Đô. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng. Năm nào gặp sao tốt phải cúng đón các vị gọi là “dâng sao”, nếu gặp sao xấu phải “giải hạn”.
Thượng tọa Thích Thanh Tuấn phân tích: “Theo quan niệm của đạo Phật, trên đời này không có ngôi sao nào chiếu vào con người ta mà mang đến phúc hay họa. Đạo Phật chỉ có luật nhân quả, nghiệp báo luân hồi. Hạn hay không hạn là do bản thân có tự tạo nghiệp ác hay không. Nếu ai làm điều ác thì sẽ gặp tai họa. Nếu ai làm điều thiện, sống thiện, tu nhân tích đức thì sẽ được phúc báo. Chính vì không hiểu thấu đáo bản chất của nghiệp báo luân hồi nên người dân nảy sinh nhu cầu dâng sao giải hạn, dùng hình nhân thế mạng, dùng dịch vụ khấn thuê, lễ thuê, vung rất nhiều tiền, thậm chí cả trăm triệu đồng để xoa dịu nỗi hoang mang, bất an mơ hồ trong lòng.
Thực ra, dâng sao giải hạn chỉ giải quyết về mặt tâm lý. Theo tôi, việc này không cần thiết và cũng không có tác dụng giải nghiệp. Đi chùa đầu năm ta có thể cầu an, cầu sức khỏe, cầu tài cầu lộc… nhưng điều ta cầu có thành hay không còn do ta có thành tâm và quan trọng là nghiệp ác có còn đeo bám ta không. Nếu làm điều ác, có muốn tránh hạn cũng không được. Cầu bất đắc khổ, cầu hết chỗ nọ đến chỗ kia mà không được thành ra tâm sẽ rất khổ. Ngược lại, tâm thành, nghiệp hết ắt sẽ cầu được như ý nguyện.
Đi lễ là việc nên làm, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đầu năm làm một cái lễ, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, gia đình ấm yên. Có điều, đừng cuồng tín với những điều mà mình không biết rõ để rồi tự mua dây buộc bụng. Cách tốt nhất để cầu an giải hạn đầu năm là sống thiện, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là người tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo khó bằng cái tâm của mình. Gieo nhân nào thì gặp quả đó”.
Tiền cầu an nên dùng làm từ thiện
“Có lần làm lễ phát động quyên góp từ thiện tại chùa Quán Sứ, tôi không thể quên hình ảnh bà cụ rưng rưng nước mắt, cầm tờ 10.000 đồng đặt lên bàn và nói “Con nghèo quá! Con chỉ có 10.000 đồng cháu vừa cho, thầy cho con được cùng làm từ thiện với nhà chùa”. Tôi nhận tiền từ tay bà cụ, trong lòng xúc động vô vàn. Bà làm từ thiện bằng cả tấm lòng, cái tâm của bà chắc chắn đã được Đức Phật chứng giám. Đi đến các vùng sâu vùng xa, chứng kiến cuộc sống khốn khó của bà con, tôi chỉ ước giá như thay vì vung tiền làm lễ giải hạn đầu năm, người ta dùng số tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn thì hữu ích biết mấy”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn chia sẻ.
Đi lễ cốt ở cái tâm
Theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, điều quan trọng nhất khi đi lễ là ở sự thành tâm. “Đức Phật không chê giàu nghèo. Thành tâm một nén hương thấu đến tận cửu trùng chứ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. Tránh suy nghĩ lệch lạc khi hành lễ với quan niệm lễ càng nhiều, Phật phù hộ càng nhiều. Quan niệm trên hoàn toàn sai và lệch lạc, làm mất đi nét đẹp trong tôn giáo Việt Nam”, Thượng tọa nói. Khi đi lễ chùa, bạn cần chú ý những điều sau:
• Trang phục nghiêm chỉnh, lịch sự, màu sắc hài hòa.
• Lễ vật khi đến chùa chỉ sắm lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Chỉ khi đi lễ ở đền thờ thánh, người dân mới có thể sửa lễ mặn như thịt gà, giò, chả…
• Khi vào chùa, bạn đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chính giữa chỉ dành cho bậc cao tăng.
• Tiền giọt dầu: Lễ xong, nếu muốn đặt tiền giọt dầu, bạn hãy đặt vào hòm công đức, không đặt trên ban. Như vậy, phúc mới được trọn vẹn. “Vì đồng tiền rất bẩn, đi khắp nơi. Nếu Phật tử đặt tiền lên ban không chỉ làm uế tạp nơi cửa Phật mà còn khiến kẻ gian nảy sinh lòng tham”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn lý giải.
Mục Câu chuyện con người / Tiếp Thị Gia Đình