Buổi ra mắt dự án phim Nghe bằng mắt tối 2–4 vừa qua diễn ra thật lạ lùng. Chẳng có tiếng trò chuyện rôm rả, huyên náo giống như nhiều buổi lễ ra mắt phim khác. Bởi ở đó, mọi người trò chuyện với nhau bằng đôi bàn tay. 10 bộ phim tài liệu và hai phim truyện ngắn đều do các đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, thiết kế mỹ thuật, diễn viên…là những người điếc thực hiện. Hãy cùng lắng nghe nhà làm phim trẻ Thu Hiền tâm sự về những cơ duyên “không thể ngờ tới” để đến với nghề làm phim và nguồn cảm hứng “không lời” mà cô đã được truyền từ những người điếc vô cùng đặc biệt này.
SỐNG TRONG THẾ GIỚI KHÔNG LỜI
Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ: “Quái lạ! Con bé này nó bảo ai là người điếc?”. Người ta vẫn thường gọi những người mất khả năng nghe là người khiếm thính. Thế nhưng, những người trong cuộc lại tự gọi bản thân họ là người điếc, bởi lẽ họ không có khiếm khuyết nào cả. Tôi bén duyên với người điếc cách đây 5 năm, khi còn là sinh viên năm nhất của trường Điện ảnh. Lúc bấy giờ, bạn tôi rủ tôi đi học ngôn ngữ ký hiệu. Tưởng đâu sẽ “chán như con gián”, nào ngờ một tuần hai buổi tối lại vui tưng bừng. Từ lớp học này, tôi và những người điếc đã trở thành bạn.
Chơi với họ, tôi mới hiểu và khâm phục điều các bạn tâm niệm: “Cái gì mình không có tức là không cần thiết trong đời mình! Đừng lo!”. Hóa ra họ đang sống tích cực giữa những cay nghiệt về họ cứ diễn ra hàng ngày.
Người điếc đã cho tôi cảm hứng sống, là nguồn đề tài và nỗi trăn trở lớn. Tôi yêu thích làm phim. Năm 2012, tôi bắt tay vào làm Nghe bằng mắt – phim tài liệu về người điếc. Mất nhiều công sức nhưng tôi có cảm giác mình chỉ lướt qua bề nổi, chứ chưa hoàn toàn hiểu sâu sắc về họ. Mỗi năm làm thêm một chút, đến 2015, khi ra trường, tôi mới tập trung làm một kênh YouTube chuyên về người điếc.
KHI NGƯỜI ĐIẾC LÀM PHIM
Thật may mắn, tôi bắt gặp chương trình Charlotte Peace Designer 2015 (do UN- Habitat, Chương trình định cư con người của Liên Hiệp Quốc tổ chức) mang thông điệp “Hòa bình và phát triển”, kéo dài từ đầu tháng 12–2015 đến 3–2016. Họ đã đồng ý tài trợ 3.500 USD để tôi thực hiện dự án Nghe bằng mắt một cách bài bản.
Ở dự án này, phim tài liệu là cầu nối giúp người điếc và những người thân xung quanh hiểu nhau hơn. Phim do chính người điếc thực hiện. Thông qua phụ đề, người nghe sẽ hiểu hơn về thế giới không lời. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng ánh mắt, bằng ngôn ngữ ký hiệu, mất hai tháng ròng rã để thực hiện xong hai phim truyện ngắn và 10 phim tài liệu. Mỗi phim là mỗi câu chuyện, số phận. Tuy không trau chuốt mỹ miều như phim chuyên nghiệp, nhưng điều đáng quý là sự “lột xác” của người trong cuộc và khả năng chạm vào trái tim người nghe. Sắp tới, tôi sẽ theo học một khóa ngắn hạn tại Mỹ về phim ảnh. Ước mơ của tôi là xây dựng thành công một kênh truyền thông dành cho người điếc, để họ có cơ hội phát huy giá trị bản thân và khoảng cách giữa người điếc và người nghe sẽ gần lại.
THÔNG TIN THÊM
• Nhà làm phim trẻ Thu Hiền sinh năm 1992 là người sáng lập dự án phim Nghe bằng mắt.
• Thu Hiền là thành viên của Hội phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, giảng viên của trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Hanoi Arena
• Những người có nhu cầu theo học ngôn ngữ ký hiệu có thể đăng ký tại Trung tâm đào tạo Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội: 31A Cát Linh, Q. Đống Đa. Hotline: 093 321 0291; Câu lạc bộ văn hóa người Điếc TP. HCM: 108 Lý Chính Thắng, P. 7, Q. 3.
• Website: www.deafcchcmc.org.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình