Nhà có trẻ tự kỷ: Không phải dấu chấm hết!

Trẻ tự kỷ như cánh cửa đóng chặt, có thể đẩy phụ huynh đến chỗ bế tắc. Song, nếu gia đình sớm “gõ cửa” và không ngừng nỗ lực tìm kiếm những biện pháp điều trị phù hợp thì sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng

Mỗi trẻ tự kỷ đều có năng khiếu riêng cần được phát hiện và bồi dưỡng

Hôm ấy tôi đi ăn cưới với ý định sẽ nhờ một anh bạn làm bố đỡ đầu cho con tôi. Anh chàng ấy là một cây văn nghệ, hát hay, đàn giỏi và yêu đời. Song, tôi khựng lại ngay khi nhìn thấy nét mặt anh ấy buồn rười rượi, dáng vẻ thiểu não.  Chị bạn ngồi cạnh rỉ tai tôi: “Con cậu ấy có dấu hiệu tự kỷ, vừa cho đi khám, đã đến ngày hẹn lấy kết quả nhưng cậu ấy chưa dám đi”.

Có lẽ đó là tâm lý chung của những người làm cha mẹ. Họ đang háo hức chuẩn bị điều kiện sống tốt nhất cho con thì căn bệnh tự kỷ xuất hiện như một án phạt khủng khiếp cho cả nhà.

NỖI ĐAU TỰ KỶ

Có lần tôi đến gia đình người quen tên Ngân. Chị có cậu con trai bị tự kỷ. Tôi đang ngồi trò chuyện với mẹ cậu thì thấy cậu cầm chiếc xe hơi đồ chơi đi ra. Cậu leo qua người tôi để đi đến chỗ mẹ tựa như tôi là một vật thể trong suốt.

Cậu ngồi bên cạnh mẹ, xoay đi xoay lại cái bánh xe và nhìn bánh xe quay mãi mà không biết chán. Nhà bên cạnh đang sửa nhà, tiếng đập phá bấtchợt vang lên ầm ầm. Cậu bé giật mình, dùng hai tay che kín tai rồi bất ngờ nổi cơn tam bành. Cậu khóc lóc, giãy giụa, đập đầu mình vào đầu mẹ rồi tự cắn tay mình đến rớm máu. Chị Ngân vội vỗ về, đưa  con vào phòng riêng, mở bản nhạc mà con thích nghe và ngồi với con thật lâu, cậu bé mới dần dần bình tĩnh trở lại.

Quay về cuộc trò chuyện với tôi, chị Ngân bảo: “Hoảng sợ lắm phải không em? Chị đã quen với những cơn tam bành bất ngờ như thế của con nhiều năm rồi. Bây giờ, nhờ đi học với cô giáo, cháu đã tiến bộ nhiều lắm rồi đấy, biết đòi ăn khi đói, uống khi khát, tự đi tiểu tiện…

Đã nhiều đêm, chị giật mình dậy thì thấy cháu ngồi ở ghế, bật ti-vi to hết cỡ. Đi ăn bên ngoài, mấy lần con nhào tới giật đồ ăn của người khác. Thỉnh thoảng, khi nhà có khách, cháu bỗng cởi hết quần áo chạy loanh quanh trong nhà… Thời gian đó, chị bẳn tính, chán nản và suốt ngày than thân, trách phận. Đến khi con thứ hai, thứ ba chào đời khỏe mạnh bình thường, chị mới có nguồn động viên và nghị lực để lạc quan hơn”.

Anh Huy (đã đổi tên), một bác sỹ phụ sản, không được may mắn như chị Ngân. Cả hai cậu con trai của anh đều bị tự kỷ. Chán nản và tuyệt vọng, vợ anh ngoại tình để tìm quên. Bản thân anh cũng vùi lấp nỗi đau trong bia rượu. Anh nhậu nhiều đến nỗi các sản phụ biết tiếng và không ai dám nhờ anh đỡ đẻ. Với gia đình vị bác sỹ này, bệnh tự kỷ của con đã khoét nên cả một vực sâu bi kịch.

NẾU GÕ THÌ CỬA SẼ MỞ

20150731-tre-tu-ky-01

Hiện đã có nhiều trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ

Bạn có tin một đứa trẻ tự kỷ qua quá trình điều trị giờ có thể thông thạo hai ngôn ngữ Việt, Anh và đang làm phóng viên ảnh cho một công ty truyền thông? Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật.

Mẹ của chàng trai đã chiến thắng tự kỷ đó chia sẻ: “Tôi phát hiện ra bệnh của con khi cháu được 13 tháng tuổi và vô cùng hoang mang, suy sụp. Đến khi gặp được các chuyên gia trị liệu bên Mỹ, tôi mới đủ tinh thần vực mình dậy và quyết tâm lên kế hoạch dắt con bước ra khỏi thế giới của mình. Vất vả nhất là lúc phải vượt qua sự tự ti mặc cảm vì có con tự kỷ và học cách dắt con đi. Nhiều năm liền, tôi bỏ việc, đi học theo con.

Dạo đó, cháu có rất nhiều đồ chơi nhưng chỉ thích chiếc máy ảnh. Thế là tôi mua cho con một máy chụp ảnh, hướng dẫn con cách sử dụng và đưa con đi khắp nơi để chụp ảnh. Mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có năng khiếu riêng và nếu phát hiện ra, bồi dưỡng thêm, con bạn sẽ hòa nhập xã hội cũng như tự làm việc nuôi sống mình”.

Bác sỹ Lâm Hiếu Minh, phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM và cũng là đồng tác giả quyển Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ, khẳng định: “Tự kỷ là căn bệnh mãn tính nhưng nếu can thiệp và điều trị đúng, mọi trường hợp đều có tiến bộ. Với sự kiên nhẫn hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô, nhiều trẻ tự kỷ đến tuổi vị thành niên có tiến bộ về ngôn ngữ cũng như giao tiếp. Có nhiều trẻ lớn lên có thể làm những việc không đòi hỏi giao tiếp nhiều như vẽ, đánh đàn hoặc làm các nghề thủ công mỹ nghệ. Dù vẫn cần cha mẹ hỗ trợ nhưng các em có thể phần nào tự lập”.

Bác sỹ Hiếu Minh kể về một bệnh nhân ở Vũng Tàu: “Cha mẹ bé đưa con đến với tôi lúc bé khoảng ba tuổi với những dấu hiệu chính xác của bệnh tự kỷ. Sau ba năm can thiệp, bé đã có thể về lại Vũng Tàu học ở lớp bình thường”.

Chìa khóa để giúp trẻ tự kỷ tiến bộ là phải can thiệp càng sớm càng tốt. Bác sỹ Hiếu Minh giải thích: “Bệnh tự kỷ có mầm mống ngay từ khi trẻ mới sinh ra, nhưng ít nhất đến tháng thứ sáu mới phát hiện được vài dấu hiệu nơi trẻ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như nét mặt đờ đẫn, không có nụ cười bình thường; khi bế lên, bé không bấu víu vào người bạn… bạn nên cho con đi khám tự kỷ.

Tôi chưa từng gặp hai trẻ có cùng các biểu hiện tự kỷ giống nhau, vì vậy mỗi cháu cần được can thiệp theo một phác đồ phù hợp. Đó là lý do tôi luôn khuyên phụ huynh phải giữ bình tĩnh, đưa con đến khám ở chuyên khoa tâm thần trẻ em. Khi biết rõ tình trạng bệnh, bác sỹ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị kết hợp nhiều yếu tố như trị liệu hành vi, uống thuốc, trị liệu tâm lý, can thiệp giáo dục chuyên biệt…

Tự kỷ không phải là dấu chấm hết. Nó là dấu ba chấm và kết quả điền vào chỗ trống đó như thế nào phụ thuộc vào nỗ lực của phụ huynh”.

20150801_tieu-diem-tre-tu-ky

Bấm vào ảnh để xem to hơn

CẨM NANG TẶNG PHỤ HUYNH CÓ CON TỰ KỶ

20150801_Sach-thau-hieu-va-ho-tro-tre-tu-kyNuôi dạy trẻ tự kỷ vô cùng khó khăn và cần rất nhiều tình yêu thương, sự kiên nhẫn, cùng kiến thức của phụ huynh.

First News dành tặng 5 quyển Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ của TS. Phạm Toàn – BS. Lâm Hiếu Minh cho 5 bạn đọc của TTGĐ đầu tiên đăng ký qua email: contact.tiepthigiadinh@sunflowermedia.vn.

Nội dung sách gồm 5 phần chính: Phần 1: Tổng quan về bệnh tự kỷ; Phần 2: Chẩn đoán và phân loại bệnh tự kỷ; Phần 3: Giải mã để thấu hiểu trẻ tự kỷ; Phần 4: Các quan niệm và kỹ thuật điều trị bệnh tự kỷ và Phần 5: Thực hành điều trị bệnh tự kỷ chính là phần mà phụ huynh có con tự kỷ mong đợi nhất.

Sách có bán tại các nhà sách trên toàn quốc.

NƠI KHÁM VÀ TRƯỜNG DÀNH CHO TRẺ TỰ KỶ

Nơi khám: ♦ Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội ♦ Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 TP. HCM.

Trường học: ♦ Hà Nội: • Trường mầm non đặc biệt Myoky, NV2-8, 173 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, điện thoại 098 744 9223 • Trung tâm Sao Mai, số 6, ngõ 9, Hoàng Đạo Thúy,  Q. Thanh Xuân, điện thoại (04) 3557 8135.

♦ TP. HCM: • Trường mầm non chuyên biệt Tuổi Ngọc, 625/2 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh, điện thoại (08) 3899 8862 • Trường chuyên biệt Khai Trí, 214/25F đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, điện thoại (08) 3518 0184

♦ Đà Nẵng: • Trung tâm Hướng Dương, 14 Đống Đa, Thuận Phước, Q. Hải Châu, điện thoại (511) 650 2418.

Mục Câu chuyện và con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua