Nhà báo Christiane Amanpour: Trong công việc tôi như đàn ông

Người phụ nữ này đã mang đến danh tiếng và uy tín cho hãng thông tấn nổi tiếng CNN, khi có mặt kịp thời ở hầu hết các vùng chiến sự đổ lửa của thế giới: Iraq, Afghanistan, Bắc Hàn, Palestine... trong 3 thập niên qua

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà báo Christiane Amanpour trả lời: “Tôi không nghĩ mọi người quan tâm xem tôi mặc gì, kiểu tóc của tôi ra sao hay tôi dùng nữ trang gì. Khán giả chỉ mong đợi xem tôi mang tin tức đến cho họ như thế nào”. Thật vậy, Christiane Amanpour, 58 năm tuổi đời, 34 năm tuổi nghề, là một trong những phóng viên chiến trường kỳ cựu, nổi tiếng thế giới. Bà đồng thời cũng là phóng viên quốc tế được trả lương cao nhất thế giới.

Nhà báo Christiane Amanpour sinh ra tại London năm 1958. Cha bà là người Iran theo đạo Hồi, mẹ là người Anh theo đạo Công Giáo. Christiane trải qua những năm tháng tuổi thơ ở thủ đô Tehran, Iran. Đến năm 1979, khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, gia đình bà trở lại Anh Quốc. Môi trường sống đa văn hóa, chứng kiến nhiều cảnh đẫm máu đã giúp nuôi dưỡng trong bà nhiệt huyết, sự can trường và tinh thần dấn thân. Bà mong muốn có cơ hội để kể lại những gì mình chứng kiến để giúp mọi người hiểu hơn về những khó khăn, nỗi đau nơi vùng chiến sự.

nha bao Christiane Amanpour hinh anh 2

Bà đến CNN nhậm chức trên chiếc xe đạp, chở theo 1 va-li đồ phía sau và vỏn vẹn 100 đô-la Mỹ trong túi

Lý tưởng này đã thôi thúc Christiane Amanpour dấn thân vào nghiệp báo và phóng viên chính trị. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Rhode Island, ngành báo chí, bà làm việc như một nhà thiết kế đồ họa điện tử. Sau đó, bà trở thành phóng viên Đài phát thành và nhà sản xuất cho WBRU năm 1981. Bước ngoặt cuộc đời tạo nên tên tuổi cho Christiane Amanpour chính là khi bà gia nhập hãng thông tấn CNN năm 1983.

Một phóng viên quả cảm

Từ khi đầu quân cho CNN, tài năng của nhà báo Christiane Amanpour bắt đầu phát tiết. Bà có những bước tiến đáng kể khi làm các bài phóng sự về cuộc chiến Iran–Iraq, cuộc chiến vùng vịnh Ba Tư, chiến tranh Bosnia và cuộc bao vây Sarajevo. Christiane Amanpour là người thực hiện rất nhiều các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới.

Sau vụ khủng bố ngày 11–9–2001 rúng động toàn cầu, bà là nhà báo đầu tiên thực hiện phỏng vấn thủ tướng Anh Tony Blair, tổng thống Pháp Jacques Chirac. Bà cũng là người đầu tiên phỏng vấn vua Jordan Abdullah hay thực hiện thành công cuộc phỏng vấn độc quyền với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Muammar Gaddafi trong suốt cao trào cách mạng tại Bắc Phi và Trung Đông mang tên Mùa Xuân Ả Rập… Những cuộc phỏng vấn này đã trở thành các “cú nổ Big Bang” trong truyền thông quốc tế.

nha bao Christiane Amanpour hinh anh 2

Dù phỏng vấn hay đặt chân vào vùng chiến sự để đưa tin thì tất cả đều có những “mối hiểm nguy” riêng, Christiane Amanpour thừa nhận. Công việc làm báo với Amanpour là vô cùng “nguy hiểm”, vì phải làm sao để giữ được sự công tâm và đưa tin xác thực nhất. Trong một cuộc phỏng vấn, nữ phóng viên huyền thoại của CNN khẳng định: “Tính cách của mọi phóng viên quốc tế chính là sự tận tụy và lòng đam mê nghề nghiệp, sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả tính mạng. Tuy nhiên, vai trò của nhà báo không phải là để bênh vực hay thay đổi bất kỳ vị trí chính trị nào…

Tôi không phải là người viết tốc ký, khi viết bài, tôi phải đặt sự việc vào bối cảnh, hiểu rõ những lằn ranh của đạo đức. Dù vậy, tôi cũng không thể hoàn toàn trung lập, vẽ ra hẳn một đường ranh giữa nạn nhân và kẻ xâm lược. Khi bạn trung lập, bạn chỉ là một món phụ kiện kém giá trị”.

Một người mẹ giữa đời thường 

Khi được hỏi “Liệu có ai có thể khiến bà lo lắng trong suốt sự nghiệp?”, ngay lập tức, Christiane Amanpour trả lời: “Tôi luôn luôn lo lắng. Chẳng hạn khi phỏng vấn Malala (cô gái hoạt động nhân quyền người Pakistan và là người đoạt giải Nobel hòa bình trẻ tuổi nhất thế giới), tôi rất căng thẳng. Nó như một liều adrenalin kéo dài cho tới khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Cho tới khi tôi nghĩ: “Ok, tôi đã bắt đầu”. Nhưng sự lo lắng, căng thẳng ở đây là vì tôi luôn muốn làm sao cho tốt nhất. Tôi không bao giờ tự mãn hay cảm thấy mình chẳng có gì để chứng minh nữa khi làm nghề.

“Tôi không thể biết được cô gái 11 tuổi, rời Tehran trong cuộc cách mạng 1979 và được học tập trường Công giáo ở Buckinghamsire rồi sẽ kiên quyết và nghiêm túc như tôi của bây giờ. Chắc chắn, việc trải qua sự hỗn loạn của một đất nước ở độ tuổi quá nhỏ như vậy đã để lại cho tôi một nền tảng kiến thức và những suy nghĩ sâu sắc. Chính những sự kiện bạn gặp phải và trải qua đã làm thay đổi con người bạn. Nó khiến tôi muốn kể ra những câu chuyện đó và tìm cách làm sao cho mọi người có thể hiểu được”, bà tâm sự.

Sau khi hoàn thành khóa học tại Fleet Street và ngành báo chí tại Đại học Rhode Island, Hoa Kỳ, Amanpour trải qua ba thập kỷ đi đi về về giữa Mỹ và Anh. Sau đó, bà cùng chồng, cựu trợ lý ngoại trưởng James Rubin định cư tại London. Bây giờ với bà, London là nhà.

Một lý do khác để Amanpour muốn yên ổn là vì cậu con trai Darius. Từ khi làm mẹ, nữ phóng viên chiến trường kỳ cựu cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với  chính tính mạng của mình. Bà sợ nếu có gì bất trắc, mình sẽ không thể gặp con nữa. Mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc là thế, nhưng ở một khía cạnh khác, Christiane Amanpour là một người mẹ, một người vợ, một người phụ nữ bình thường như bao con người khác.

nha bao Christiane Amanpour hinh anh 4

Christiane Amanpour trong một cuộc phỏng vấn với tổng thống Pháp (phải).

Một nhà báo hết lòng vì phụ nữ  

Christiane Amanpour cho biết: “Rất nhiều nam giới vẫn không cảm thấy thoải mái với khái niệm bình đẳng giới, và thực tế là đã có rất nhiều phụ nữ trở nên nổi trội hoặc trở thành trụ cột kinh tế của gia đình… Phụ nữ sẽ có những lợi thế mà nam giới không có. Ví dụ, trong các cuộc nội chiến, tại một số nơi, họ không cho phóng viên hay quay phim và nam giới vào nhưng lại cấp phép cho phụ nữ”.

Trong cuộc đời là phóng viên chiến trường của mình, Amanpour vẫn luôn khao khát mang đến sự bình đẳng cho phụ nữ, góp phần giải phóng họ khỏi những gông xiềng, hủ tục; đặc biệt là phụ nữ Hồi giáo ở những vùng chiến sự bà đi qua.  “Tôi cho rằng, phụ nữ có những tiêu chuẩn cao hơn nam giới. Công việc của chúng ta là phải duy trì tiêu chuẩn đó để tiếp tục tìm kiếm sự bình đẳng. Bởi vì không có ngành nghề nào có sự thống trị của giới tính cả. Hãy nhìn xem, trong các công ty, trường học, bệnh viện… sự góp mặt của nữ giới sẽ làm cho toàn bộ tổ chức trở nên mạnh hơn”.

Rõ ràng, việc Christiane Amanpour thường xuyên góp mặt trong danh sách những phụ nữ có sức ảnh hưởng trên thế giới không có gì lạ. Bởi ngoài những thành tựu trong truyền thông, Amanpour còn mang đến những điều tốt hơn cho phụ nữ, như lời bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey từng nhận xét về người đồng nghiệp mình cảm phục: “Christiane là người tự tin và không bao giờ biết sợ hãi”.

NHÀ BÁO CHRISTIANE AMANPOUR VÀ NHỮNG KỶ LỤC 

– Tính đến đầu năm 2015, Christiane Amanpour giành đến 9 giải thưởng Emmy danh giá cho sự nghiệp làm báo của mình, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong truyền thông quốc tế.

– Nữ phóng viên CNN còn nhận được các giải thưởng Peabodys và Edward R. Murrow Award (giải thưởng báo chí uy tín ra đời từ năm 1971).

– Tháng 3–2010, bà rời CNN sang ABC News sau 27 năm gắn bó. Nhưng chỉ một năm sau, bà trở về CNN và tiếp tục công việc là phóng viên thời sự quốc tế.

– Ngoài CNN, Amanpour còn là phóng viên của chương trình 60 Minutes từng đoạt giải thưởng của đài CBS News.

Bài: UYÊN HỒ; Ảnh: AFP

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua