Nguyên tắc cơ bản để lắp đặt ánh sáng trong nhà

Tùy theo từng không gian và mục đích sử dụng mà bạn lắp đặt ánh sáng nội thất thích hợp. Chỉ cần bỏ túi vài nguyên tắc cơ bản sau

Khi lắp đặt nguồn sáng, nếu chỉ dựa hoàn toàn vào xếp đặt của kiến trúc sư thì có thể không theo ý muốn của bạn, chỉ nhất nhất làm theo ý mình thì kết quả có thể chưa hợp lý. Sau đây là một số bí quyết mà Họa sỹ thiết kế nội thất Bùi Anh Phong, Công ty Todecor, tư vấn giúp bạn:

KIỂU ÁNH SÁNG

Phòng làm việc cần ánh sáng rực rỡ để làm bừng sáng cảnh vật cũng như đủ chiếu sáng để bạn làm việc. Ánh sáng dành cho phòng khách lại chuộng các loại đèn tập trung làm rõ vật trang trí. Cho phòng ăn, ánh sáng lại được dùng tạo không khí và quang cảnh để thưởng thức món ăn và có những trải nghiệm đặc biệt.

MÀU SẮC

Bạn chỉ cần phân biệt ánh sáng trắng và ánh sáng vàng. Ánh sáng trắng phù hợp cho phòng làm việc, thường là loại đèn compact fluorescent. Ánh sáng vàng ấm áp thích hợp với không gian cần sự thư giãn như phòng ngủ. Rõ ràng, để ánh sáng trắng lạnh lẽo trong phòng ngủ, bạn sẽ khó có giấc ngủ thoải mái; để đèn vàng trong phòng làm việc, chẳng khác nào bạn mời chào cho tâm trí đi lang thang.

GÓC CHIẾU SÁNG

Góc chiếu sáng quan trọng vì chúng ta luôn cố giảm thiểu độ phủ bóng. Tùy mục đích sử dụng mà bạn chọn loại đèn và góc chiếu sáng thích hợp. Ví dụ, bạn muốn bóng đèn nhỏ để chiếu thẳng và làm nổi bật bức tranh trang trí hay bạn muốn luồng sáng lớn để tạo không gian cho cả căn phòng.

Những bóng đèn LED thường có góc từ 24 đến 36 độ nên thường được dùng cho phòng ăn hoặc tạo hiệu ứng chiếu sáng để làm nổi bật những khu vực chính. Đèn chiếu sáng thông thường thì dùng cho những khu vực rộng hơn. Để làm dịu bớt ánh sáng, có thể dùng những vật để tán ánh sáng như chụp đèn, các khối trang trí xung quanh đèn (ví dụ như cho đèn ẩn trong tường, đèn ẩn trong vòm trang trí trần) để phát tán hoặc hạn chế hướng chiếu sáng.

QUY TẮC ĐƠN GIẢN CHO TỪNG PHÒNG TRONG NHÀ

Bạn nên kết hợp nhiều nguồn sáng ở nhiều tầng để tạo ánh sáng cộng hưởng và chọn nguồn sáng cho từng không gian như để đọc sách, nấu ăn, trang điểm.

PHÒNG KHÁCH: Nên lấy ánh sáng từ ba hay bốn góc, tập trung một nguồn sáng vào vật bạn muốn làm điểm nhấn: như vật trang trí, chậu cây, chiếc ghế. Có thể kết hợp với đèn bàn, đèn dưới sàn, một số đèn chiếu sáng hướng xuống với một số hướng lên. Đừng quên có những chỗ đủ sáng để đọc. Nếu bạn treo đèn chùm hay loạt đèn trang trí phía trên cao, nhớ dùng chụp đèn hay vật tản sáng

PHÒNG NGỦ: Để tạo cảm giác ấm cúng, bạn nên chiếu sáng từng cụm: đặt đèn đọc sách hoặc đính các đèn nhỏ trên tường. Nếu bạn có các tủ nhỏ, hãy đặt đèn dưới thấp và hướng ánh sáng ra khỏi giường, hướng về khu vực thay quần áo (nếu có). Trên bàn/tủ thấp, bạn chọn đèn nhỏ với ánh sáng nhẹ để giả ánh nến.

20150523_khonggiansong_anhsang_4_4714

PHÒNG TẮM: Để tiện trang điểm, bạn lắp đèn ở hai bên gương. Ngoài ra, cần một nguồn sáng trên cao giúp loại bỏ bóng trên mặt đồng thời chiếu sáng cho cả căn phòng để dễ lau chùi.

20150523_khonggiansong_anhsang_2_4714

PHÒNG ĂN: Tập trung vào chiếc bàn để thu hút mọi người. Dùng đèn chùm hay dãy đèn trang trí trên bàn, hạn chế nguồn sáng dưới 100watt. Những vị trí khác, bạn dùng đèn chiếu sáng gián tiếp để tạo cảm giác thư giãn.

20150523_khonggiansong_anhsang_3_4714

PHÒNG BẾP: Nên tập trung vào ánh sáng từ trên trần với độ sáng đủ cho bạn khi nấu ăn, đồng thời lắp thêm các nguồn sáng thấp khác. Hiện nay, phong cách mới là dùng dây đèn LED để làm nổi bật khu vực bồn rửa, dưới tủ bếp treo tường.

20150523_khonggiansong_anhsang_4714

ĐỊA CHỈ TƯ VẤN CHO BẠN:

• HÀ NỘI: Công ty cổ phần Xây dựng và Trang trí Nội thất Konia: 6 Hồ Giám, Q. Đống Đa.

TP. HCM: Công ty Todecor: 35 Bis Phùng Khắc Khoan, Q. 1.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua