Nguyên nhân và cách điều trị bệnh tiểu đêm

Giấc ngủ ban đêm của bạn bị “băm nát” vì phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu? Làm sao để điều trị bệnh tiểu đêm?

Việc gián đoạn giấc ngủ do tiểu đêm có thể khiến bạn mệt mỏi nghiêm trọng, dẫn đến các vấn đề khác như khó chịu, giảm tương tác xã hội, mất tập trung trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, nếu muốn thoát khỏi tình trạng này, bạn hãy nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh tiểu đêm.

ĐI TÌM THỦ PHẠM?

Tiểu đêm xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Phụ nữ tiểu đêm thường là kết quả của việc mang thai, sinh con, mãn kinh, tuổi tác và sa tạng vùng chậu. Ngoài ra, chứng tiểu đêm còn do các yếu tố sau đây:

• Dùng thuốc có tác dụng phụ gây lợi tiểu.

• Tác động của việc uống cà-phê, rượu, thức uống có gas, thức uống chứa caffeine vào buổi tối.

• Uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ cũng khiến bạn đi tiểu đêm.

• Bàng quang co nhỏ hoặc có u tại bàng quang hoặc u xung quanh bàng quang chèn vào.

• Tiểu đêm cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh tiềm ẩn khác trong cơ thể. Đó là các bệnh như đái tháo đường, đái tháo nhạt, huyết áp cao, bệnh khối u vùng chậu hông, u đại trực tràng, u tuyến tiền liệt, bệnh tim hay suy tim sung huyết.

BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC 

1. Thay đổi lối sống:

Bạn có thể tự mình điều trị bệnh tiểu đêm bằng cách:

• Hạn chế uống nước vào buổi tối có thể cải thiện tình trạng tiểu đêm, đặc biệt là hạn chế uống nước hai giờ trước khi đi ngủ.
• Không nên ngủ trưa quá nhiều hoặc ngủ vào buổi chiều muộn.
• Tập các bài tập kegel để tăng cường kiểm soát đối với các cơ bàng quang, cải thiện tình trạng tiểu đêm.
• Không uống cà-phê, trà, rượu hai giờ trước khi đi ngủ vì chúng có thể kích thích sản xuất nước tiểu.

2. Điều trị y khoa:

Nếu áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống mà không có kết quả, bạn cần phải điều trị bệnh tiểu đêm bằng y khoa. Khi đó, để giúp bác sỹ nhanh tìm ra bệnh, bạn cần để ý đến các yếu tố quan trọng sau: số lần đi tiểu đêm từ khi ngủ, lượng nước tiểu nhiều hay ít, lượng nước đã uống vào tối, loại nước sử dụng vào buổi tối, thuốc đang điều trị. Các triệu chứng khác đi kèm nếu có.

Tùy từng bệnh, bác sỹ sẽ điều trị khác nhau. Nếu là bệnh u hoặc xác định rõ căn nguyên, bác sỹ sẽ cho phẫu thuật hoặc dùng thuốc điều trị bệnh gốc. Thế nhưng, không phải trường hợp nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân. Trong một ít số ít trường hợp (dưới 5%), người ta không thể tìm ra nguyên nhân thích đáng. Khi đó, bác sỹ sẽ kê cho bạn một số thuốc điều trị triệu chứng.

Những thuốc này tác động vào thần kinh. Chúng có thể là một trong các thuốc sau: Darifenacin (thuốc làm co cơ bàng quang), Oxybutynin, Tolterodine, Trospium Chloride, Solifenacin (thuốc chống co thắt đường tiết niệu); Desmopressin, Furosemide, Bumetanid (thuốc chống lợi niệu).

Chú ý, các thuốc này có tác dụng phụ rất nghiêm trọng hoặc bị chống chỉ định trong một số trường hợp.

THÔNG TIN THÊM

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu New England tại Massachusetts (Mỹ):

• Những người đi tiểu hai hoặc nhiều hơn hai lần một đêm có nguy cơ tử vong cao hơn 100% so với những người tiểu đêm dưới hai lần.

• Người trẻ mắc chứng tiểu đêm có nguy cơ tử vong gấp hai lần so với người bình thường.

Bài: An Đông

Mục Sức khoẻ / Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua