Nguyên nhân và cách chữa bệnh khàn tiếng

Khàn tiếng có nhiều nguyên nhân, riêng ở những người do nghề nghiệp phải nói nhiều có thể do ba nguyên nhân là viêm thanh quản mạn, hạt xơ và polyp dây thanh

Ông cha ta có câu: “Sinh nghề tử nghiệp”. Có những nghề liên quan đến một số bệnh tật nào đó. Công nhân ở lò xi-măng, lò vôi hay bị nhiễm bệnh bụi phổi silic. Người sửa chữa, sản xuất bình ắc quy có nguy cơ nhiễm độc chì. Nghề cao quý như dạy học cũng không tránh khỏi bệnh tật. Một chứng bệnh hay gặp ở thầy cô giáo sau nhiều năm gắn bó với giảng đường là khàn tiếng hay khản tiếng.

Trong lòng thanh quản có một cấu trúc gọi là dây thanh. Không khí được hít vào, thở ra khi đi ngang qua đây làm rung động dây thanh tạo nên âm thanh. Nói nhiều, nói to, la hét, nói lâu dễ làm tổn thương dây thanh. Những người thường tổn thương dây thanh là thầy cô giáo, diễn viên kịch, người bán hàng, hướng dẫn viên và dẫn chương trình.

Khi dùng dụng cụ nội soi dây thanh sẽ thấy các dạng thương tổn khác nhau trên dây thanh như dây thanh dày và cứng, rung động kém (trong viêm thanh quản mạn), trên dây thanh có hạt xơ (trong hạt xơ dây thanh) hay có một “cục thịt thừa” trên dây thanh (còn gọi là polyp dây thanh). Các tổn thương như hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng phương pháp, sai sót trong phẫu thuật sẽ làm dây thanh bị “lõm” (lúc này, bệnh nhân sẽ bị giọng mái, tức là nam nói giọng nữ và ngược lại).

VIÊM THANH QUẢN MẠN

20151118-chua-benh-khan-tieng-hinh-anh-02

Nói nhiều trong thời gian dài gây viêm mạn tính lớp niêm mạc thanh quản khiến khàn tiếng, đôi khi mất tiếng hay tiếng nói “khao khao”. Rất dễ nhận thấy bệnh này khi nội soi thanh quản. Một khi bị bệnh, nên tuân thủ các cách chữa bệnh khàn tiếng sau:

• Nghỉ ngơi, hạn chế nói nhiều, to.

• Uống nhiều nước, đặc biệt là nước trà ấm. Bổ sung vitamin B, C, hoa quả tươi như cam, chanh, bưởi.

• Thường xuyên vệ sinh mũi họng. Điều trị dứt điểm các bệnh như viêm họng, viêm xoang hay viêm amidan.

• Chườm nóng trước cổ: Lấy một khăn mặt nhúng vào nước ấm, đặt trước cổ vào buổi tối, sau ăn, trong thời gian từ 15 – 30 phút (3 phút thay khăn một lần).

• Ngậm mật ong chanh: Cắt chanh thành lát, ngâm vào bát mật ong, ngậm lát chanh sáng, tối 15 phút/lần.

• Tránh lạnh, khói bụi, thuốc lá bằng cách đeo khẩu trang, quàng khăn ấm khi đi ra ngoài.

• Không nên uống nước đá, khạc nhổ ảnh hưởng tới thanh quản.

• Xông hơi với các loại lá thơm có kháng sinh thực vật bay hơi như lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, sả…

• Xông khí dung, chấm thuốc, bơm thuốc thanh quản hàng ngày tại bệnh viện tai mũi họng.

HẠT XƠ DÂY THANH

Trên hai dây thanh có hạt xơ khiến hai dây thanh không khép kín hoặc rung không đều. Điều này làm cho phát âm nặng nề, tình trạng giọng nói ngày càng khàn hay hụt hơi, gắng sức khi nói. Mức độ khàn phụ thuộc kích thước hạt xơ. Khàn giọng tăng nặng lên khi bị cảm lạnh, bị viêm họng hay khi la hét, hát hò nhiều. Cần tuân thủ các nguyên tắc chữa bệnh khàn tiếng sau:

Tạm ngưng nói là bước điều trị đầu tiên. Điều này giúp cải thiện chất giọng do giảm phù nề, teo bớt hạt xơ, nhưng triệu chứng khàn không hết hẳn. Triệu chứng khàn có thể tăng dần, ngoại trừ điều chỉnh tần suất và tần số giọng nói cho phù hợp (tức là thay đổi thói quen nói lớn, nói nhiều).

Dùng thuốc kháng viêm để giảm phù nề, qua đó có giảm bớt khàn, nhưng không giải quyết tận gốc chứng khàn tiếng.

•  Luyện âm: Mục đích của luyện âm là giúp bệnh nhân nhận ra tình hình và những thói quen xấu của giọng nói sẽ sinh ra hạt xơ dây thanh, từ đó giúp bệnh nhân tìm ra phương pháp cho giọng nói để giảm bớt tác động lên dây thanh. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm và cần nhiều thời gian lẫn công sức. Luyện âm giúp dây thanh mềm mại, uyển chuyển hơn nhằm cải thiện chất lượng giọng nói.

Thủ thuật cắt hạt xơ: Với đa số trường hợp, khi hạt xơ đã xuất hiện trong một thời gian dài, các phương pháp điều trị trên đã được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không cải thiện được khàn giọng thì phương pháp cắt hạt xơ sẽ giải quyết tận gốc chứng khàn giọng.

POLYP DÂY THANH

Ngoài triệu chứng khàn tiếng, bệnh nhân bị polyp dây thanh còn cảm thấy như có vật gì vướng mắc trong cổ họng, phải khạc nhổ thường xuyên. Phương pháp chữa bệnh khàn tiếng triệt để do bị polyp dây thanh là cắt polyp qua nội soi. Sau khi cắt, nếu mẫu bệnh phẩm được xác định đúng là polyp dây thanh thì bác sỹ sẽ cho bệnh nhân uống kháng sinh, kháng viêm, loãng đờm trong một tuần.

ĐỊA CHỈ KHÁM CHỮA BỆNH KHÀN TIẾNG

Khi bị khàn tiếng lâu ngày, dùng các biện pháp tự nhiên không khỏi, bạn có thể đến các địa chỉ sau để khám bệnh:

Hà Nội: Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, 78 Giải Phóng, P. Phương Mai, Q. Đống Đa.

Đà Nẵng: Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, 124 Hải Phòng, P. Thạch Thang, Q. Hải Châu.

TP. HCM: Bệnh viện Tai Mũi Họng, 155B Trần Quốc Thảo, P. 9, Q. 3.

Bí quyết giữ giọng cho giáo viên

20151118-chua-benh-khan-tieng-hinh-anh-03♦ Phòng tránh đau họng

Vệ sinh răng miệng để tránh viêm nhiễm vùng hầu họng, thanh quản bằng cách súc họng với nước muối ấm, ngậm nước ấm mật ong với chanh và luôn giữ ấm vùng cổ.

• Vì sao lại dùng nước muối ấm?

Nước muối ấm pha loãng (1 thìa cà-phê muối pha với 250ml nước ấm ở nhiệt độ từ 26 — 30°C, khò khoảng 30 giây/lần, 2 — 3 lần/ngày. Súc họng vào mỗi buổi sáng thức dậy và trước khi ngủ.

Nước muối ấm có tác dụng giãn cơ giảm đau, giãn mạch làm lượng bạch cầu đến nhiều giúp hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn nơi đó. Ngoài ra, nó làm loãng đờm và bong các tế bào chết tích tụ cũng như sát khuẩn nhẹ làm cho môi trường tại chỗ (hầu họng) trong sạch hơn. Bạn cũng có thể khò bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

• Vì sao dùng hỗn hợp nước chanh ấm cùng mật ong?

Chanh có thành phần là a-xít citric, vitamin B và C, chất khoáng giúp trung hòa a-xít sau khi chuyển hóa nên nó có tính sát khuẩn. Mật ong có hoạt tính kháng khuẩn như kháng sinh tự nhiên giúp hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm đau, giảm ngứa ở họng. Mật ong còn chứa glucose, fructose, a-xít amin và nhiều khoáng chất. Vitamin C trong chanh và mật ong giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống đỡ các tác nhân gây bệnh. Lưu ý, không nên uống nước chanh khi bụng đói vì sẽ làm tăng a-xít trong dạ dày. Nên uống chanh, mật ong với nước ấm vào buổi sáng sau khi ăn.

Vì sao phải giữ ấm cổ? Hầu họng là cửa ngỏ để các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Khi nơi ấy bị lạnh, các mạch máu sẽ co lại, lượng máu đến vùng mô bị giảm nên giảm số bạch cầu. Vì vậy, vùng này sẽ giảm khả năng chống chọi với vi khuẩn gây bệnh. Giữ ấm vùng cổ, mũi, họng là rất cần thiết cho vùng hầu họng, thanh quản cũng như cơ thể nhất là khi thời tiết trở lạnh.

♦ Xử lý khi bị khàn tiếng thông thường

20151118-chua-benh-khan-tieng-hinh-anh-01

• Trong những ngày đầu bị khàn tiếng, bạn nên uống nước giá luộc, dùng các món ăn giải độc thanh nhiệt như rau má, rau dền, mã đề, bí đao… Vi khuẩn khu trú trong cơ thể tiết ra các độc tố có hại, việc dùng các thực phẩm thanh nhiệt giúp gan tăng cường giải độc.

• Không nên ăn các chất chua cay, rán xào và tránh rượu bia, thuốc lá.

• Nên uống mật ong hòa với nước ấm, 2 — 3 lần/ngày hay uống nước chanh mật ong.

• Dùng thêm cam thảo 2 — 3 lần/ngày vì cam thảo có công dụng giải độc và kháng viêm, chữa trị các viêm nhiễm, vết loét hầu họng.

• Nếu không thể hạn chế nói nhiều hay nói to, bạn hãy dùng micro hỗ trợ trong việc giảng dạy. Nếu dùng micro của nhà trường, bạn cần chú ý lau sạch micro trước khi dùng để hạn chế lây lan vi khuẩn. Bạn cũng có thể tự trang bị cho mình máy trợ giảng gồm có loa phát xách tay không dây và micro với giá từ 1.500.000 — 2.300.000 đồng/bộ tại Công ty TNHH Thương mại giải trí Mcrio, 132 Chùa Láng, Q. Đống Đa, Hà Nội; Megabuy, 46 Trần Tống, P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng; Thiết bị âm thanh Đại Thiên Ân, 011 Lô N, cư xá Thanh Đa, P. 27, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.

• Khi khàn tiếng kéo dài 2 — 3 tuần, bạn nên đến bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng để có biện pháp xử lý kịp thời. Tùy theo từng trường hợp mà bác sỹ sẽ điều trị nội hay phẫu thuật.

Tư vấn chuyên môn: BS. Nguyễn Quốc Trung, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn

Bài: Hoa Giấy

Mục Sức khoẻ / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua