Nguyên nhân nào phá tan giấc mộng đẹp của bạn lúc nửa đêm?

Nắm được nguyên nhân khiến bạn thức giấc lúc nửa đêm sẽ giúp cho việc điều trị triệu chứng này trở nên dễ dàng hơn

Ngủ không sâu giấc là nguyên nhân khiến bạn giật mình thức giấc lúc nửa đêm. Ảnh: Shutterstock

Giấc ngủ chập chờn khiến bạn thường xuyên bị giật mình tỉnh giấc. Điều này không chỉ làm cho chất lượng giấc ngủ đi xuống, mà về lâu về dài còn khiến cơ thể suy nhược. May mắn là ta hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này. Bằng cách tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến bạn thức giấc lúc nửa đêm. Từ đó đưa ra biện pháp khắc phục và hướng điều trị phù hợp.

Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến được liệt kê bởi Shelby Harris – Tiến sĩ tâm lý học, tác giả cuốn sách “Hướng dẫn vượt qua chứng mất ngủ ở phụ nữ”.

Tiếng ngáy ngủ

Đó có thể là tiếng ngáy của chính bạn, hoặc phát ra từ ai đó chung phòng. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ngáy ngủ là mối lo về sức khoẻ. Nó không chỉ gây phiền toái với những người xung quanh mà còn cảnh báo rằng cơ thể đang gặp vấn đề về hô hấp. Tốt nhất là bạn nên gặp bác sĩ về giấc ngủ để điều trị chứng ngáy, trước khi chuyển sang các bước tiếp theo nhằm khắc phục tình trạng thức giấc lúc nửa đêm.

Cơn buồn đi vệ sinh

Cảm giác buồn đi vệ sinh đủ sức kéo một người đang say giấc nồng về với thực tại. Mặc dù quá trình Hydrat hoá hiệu quả giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Nhưng nó cũng là “con giao hai lưỡi” khiến bạn phải lê đôi chân vào phòng tắm lúc 3h sáng. Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh xa chất lỏng khoảng 3 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Từ đó khắc phục tình trạng tỉnh giấc chỉ vì muốn giải quyết nhu cầu đi vệ sinh.

Tư thế nằm ngủ không thoải mái

Tư thế nằm không thoải mái là một trong những nguyên nhân khiến bạn thức giấc lúc nửa đêm. Nếu buộc phải giữ tư thế không thoải mái này quá lâu, xương khớp trên người bạn có nguy cơ đau nhức vào sáng hôm sau.

Để cải thiện tình trạng này, hãy đầu tư một chiếc nệm “đáng đồng tiền bát gạo”. Nó sẽ giúp bạn nằm một cách thoải mái hơn, rút ngắn thời gian chìm vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn. Hoặc bạn cũng có thể thay đổi từ những thứ nhỏ nhặt trước như là chăn, gối. Cố gắng nằm ngửa, giữ cho tay và chân được duỗi ra một cách thoải mái mỗi khi bắt đầu đi ngủ.

>> Xem thêm: Phương pháp giúp bạn chìm vào giấc ngủ chỉ sau 2 phút

Nhiệt độ phòng

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến khích bạn nên để mức nhiệt từ 23-25 độ C. Đây là mức nhiệt giúp phòng ngủ mát mẻ và thoải mái, tạo điều kiện để bạn ngủ sâu hơn. Việc đổ mồ hôi vì nóng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn thức giấc lúc nửa đêm.

Nếu không quen ngủ trong nền nhiệt này, bạn hãy sử dụng các loại đệm, chăn gối làm mát. Khoả thân khi đi ngủ cũng là một ý tưởng không tồi. Song bạn phải cân nhắc tới điều kiện hoàn cảnh nhé!

Lo lắng hoặc suy nghĩ quá nhiều

Bạn khó có thể ngủ sâu giấc nếu như luôn cảm thấy bồn chồn lo lắng. Hoặc đơn giản là cứ mãi suy nghĩ về điều gì đó. Thông thường, bạn sẽ thiếp đi trong vài giờ. Sau đó thức giấc với suy nghĩ về một điều bất kì. Nó thậm chí còn khiến bạn trở nên tỉnh táo hơn ngay giữa đêm. Bí quyết để khắc phục tình trạng này là thử viết nhật kí trước khi đi ngủ. Ghi lại điều khiến bạn khó chịu trong những ngày qua và gửi lại nỗi lo lắng trên trang giấy. Cố gắng để đầu óc được thư giãn hết mức có thể trước khi chìm vào giấc ngủ.

Hy vọng bạn sẽ có một giấc mộng đẹp mà không bị gián đoạn vì những lý do kể trên!

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua