Ung thư vú từng được cho là do thiếu…quan hệ tình dục

Bác sĩ Bernadino Ramazzini từng cho rằng việc thiếu hoạt động tình dục sẽ dẫn tới bệnh ung thư vú, đặc biệt là ở các nữ tu sĩ

nguyên nhân gây ra ung thư vú

(Ảnh: Shutterstock)

Bệnh ung thư vú đã được phát hiện từ thời xa xưa. Trải qua nhiều thế kỷ, các nhà khoa học, bác sĩ đã đặt ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ra căn bệnh này, cũng như đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu, chữa trị.

Các giả thuyết thú vị về nguyên nhân gây ra ung thư vú

Kể từ thế kỷ 17, các giả thuyết của Galen bị bác bỏ. Các danh y bắt đầu đặt ra những thuyết khác về nguyên nhân gây ra ung thư vú:

– Bác sĩ người Pháp Francois de la Boe Sylvius đặt giả thuyết ung thư vú là do quá trình bạch huyết chuyển đổi từ dạng axit (chua) sang dạng acrid (chát).

– Claude-Deshais Gendron nghĩ rằng đó là do các mô thần kinh và mô tuyến trộn lẫn với các mạch bạch huyết.

– Bác sĩ Bernadino Ramazzini lại đặt ra giả thuyết rằng tỷ lệ mắc ung thư vú cao ở các nữ tu sĩ là bởi họ thiếu quan hệ tình dục. Hoạt động tình dục nếu không diễn ra đều sẽ khiến các bộ phận liên quan đến sinh sản, bao gồm vú, bị thoái hóa và dẫn đến ung thư.

– Trái ngược với Ramazzini, Frieddrich Hoffman cho rằng phụ nữ quan hệ tình dục quá nhiều, hoặc quá… thô bạo sẽ khiến các mạch bạch huyết bị tắc nghẽn, từ đó gây ra bệnh ung thư vú.

– Những giả thuyết khác về nguyên nhân gây ra ung thư vú bao gồm: sữa bị vón cục trong ống dẫn, viêm nhiễm do bị thương ở vú, rối loạn tâm lý, trầm cảm, không sinh con, ít vận động.

Nguyên nhân gây ra ung thư vú thật sự

Nhưng ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra được nguyên nhân gây ra ung thư vú. Đó là do các đột biến gien làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. 5 – 7% trường hợp đột biến gien do di truyền. Còn lại hơn 90% do yếu tố môi trường và lối sống.

– Di truyền: Các đột biến gien BRCA1/2 di truyền, ở cả nữ giới và nam giới, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú; ung thư buồng trứng và một số ung thư khác. Những đột biến di truyền này có từ ngay khi sinh ra, và chúng ta không thay đổi được nó. Ngoài gien BRCA1/2, một số đột biến gien khác như p53, PTEN… cũng tác động vào quá trình hình thành khối u.

– Môi trường: Tia tử ngoại, tia X, hóa chất, khói bụi, vi sinh vật… làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Chúng còn làm cho các gien dễ bị đứt gãy trong quá trình sao chép. Đây chính là điều kiện để các đột biến gien xuất hiện.

– Lối sống: Tình trạng thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, ít vận động… khiến cơ thể phơi nhiễm với estrogen nhiều hơn. Những yếu tố này sẽ kích thích tế bào tuyến vú tăng sinh. Đây chính là điều kiện để các đột biến sinh ung thư xuất hiện. Thừa cân và ít vận động còn tăng nguy cơ tái phát ở những người đã từng mắc bệnh.

– Khả năng miễn dịch: Một khối u ác tính chỉ có thể được hình thành nếu nó vượt qua được hết các chặng kiểm soát của hệ miễn dịch. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng các đột biến gien xảy ra. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nếu chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú sẽ thấp hơn.

Những thành tựu chữa trị nổi bật

thành tựu chữa trị ung thư vú

(Ảnh: Shutterstock)

Việc chữa trị bệnh ung thư vú thời hiện đại chỉ đạt được các bước tiến mới khi các nhà khoa học bắt đầu tìm ra được mối quan hệ giữa ung thư vú và gien. Đồng thời họ xem đây là căn bệnh cục bộ (chỉ xảy ra ở một bộ phận). Khối u có thể được cắt bỏ trước khi lan rộng.

Phương pháp phẫu thuật triệt để

Khoảng những năm 1750, nhiều bác sĩ phẫu thuật; bao gồm Jean Louis Petit, Henri Le Dran, Claude-Nicolas Le Cat và Benjamin Bell bắt đầu thực hiện những ca phẫu thuật ung thư vú bằng cách cắt bỏ hạch bạch huyết và những phần cơ bên dưới cùng với mô ngực. Trong đó, Hendri Le Dran là người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp cắt bỏ khối u; cũng như hạch bạch huyết bên dưới vùng nách.

Đến năm 1882, William Halsted thực hiện ca giải phẫu vú triệt để (radical mastectomy). Halsted có kiến thức sinh học nhiều hơn và hiểu rõ về tế bào. Ông cũng có lợi thế hơn những bác sĩ trước đó nhờ sự tiến bộ của y học. Đó là nhờ kỹ thuật gây tê, khử trùng và truyền máu. Ông đồng ý với giả thuyết về việc cắt bỏ ngực và phần cơ bên dưới. Nhưng ông lo ngại về việc các tế bào ung thư có thể lan rộng hơn. Do đó, ông đã thực hiện phương pháp giải phẫu vú triệt để. Ông loại bỏ cả hai ngực, hạch bạch huyết và phần cơ bên dưới trong một lần.

Thành tựu chữa trị ở thời hiện đại

Từ thế kỷ 19, phương pháp phẫu thuật triệt để trở thành tiêu chuẩn để chữa trị ung thư vú. Cho đến khi phương pháp chỉ cắt bỏ khối u bắt đầu phát triển vào những năm 1950.

Giải phẫu vú triệt để có thể kéo dài thời gian sống của các bệnh nhân. Đặc biệt là khi bệnh được phát hiện kịp thời. Nhưng nhiều người không chọn phương pháp này. Bởi nó khiến cơ thể họ biến dạng; hoặc đau đớn, sưng vùng nách do hạch bạch huyết bị cắt bỏ.

Đến thế kỷ 21, với sự phát triển của y học hiện đại, phẫu thuật không còn
là cách chữa trị duy nhất nữa. Thay vào đó, việc chữa trị ung thư vú đã được cá thể hóa. Ung thư vú giờ đây là căn bệnh có những tác động khác nhau đối với từng thể trạng. Khả năng cô lập một vài gien nhất định và xác định loại ung thư vú là bước đầu trong việc xác định phương thức chữa trị  phù hợp với từng người. Ngoài phương pháp phẫu thuật, ngày nay y học có những phương pháp khác. Bao gồm xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, thuốc điều trị nhắm đích và liệu pháp miễn dịch.

Y học cá thể hoá là bước tiến lớn trong điều trị ung thư vú

Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng phòng khám vú Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, y học cá thể hóa là bước tiến lớn trong việc điều trị ung thư vú. Y học cá thể hóa liên quan đến việc xác định di truyền, thông tin di truyền và các biểu hiện lâm sàng. Phương pháp này cho phép dự đoán chính xác về tính nhạy cảm của người sẽ phát triển bệnh; quá trình của bệnh và đáp ứng của người bệnh khi điều trị. Ung thư vú chủ yếu do gien và yếu tố di truyền. Do đó, việc cá thể hóa sẽ kiểm soát bệnh tình tốt và hiệu quả hơn.

Một vài kỹ thuật xét nghiệm cũng có thể cho bác sĩ hiểu rõ hơn về ung thư vú. Ví dụ, xét nghiệm Oncotype DX có thể kiểm tra một phần của khối u để tìm ra những gien nào hoạt động trong đó. Bác sĩ có thể dùng thông tin về nhóm gien này để dự đoán cơ thể của bệnh nhân sẽ phản ứng với các phương thức điều trị khác nhau như thế nào; từ đó chọn ra phương thức điều trị phù hợp với bệnh nhân đó nhất.

Bài: Duyên Trần

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: 5 BIỆN PHÁP BẢO VỆ BẢN THÂN KHỎI UNG THƯ VÚ KHÔNG CẦN PHẪU THUẬT

Đừng bỏ qua