Khi bé Linh hơn 6 tháng tuổi, bé bị sốt siêu vi. Kết quả xét nghiệm máu không chỉ phát hiện bé nhiễm siêu vi mà còn cho thấy bé bị thiếu máu. “Nghe đến hai chữ “thiếu máu”, đầu tôi bắt đầu lùng bùng, lo sợ. Tôi nghĩ đến cô bé hàng xóm bị bệnh thiếu máu huyết tán; tháng nào cũng phải vào viện truyền máu. Tôi sợ chuyện không may đó ập đến với con mình”; mẹ bé Linh nhớ lại.
Thật may, khi xem xét sự phát triển bình thường của bé Linh cùng độ tuổi trùng hợp với giai đoạn thiếu máu sinh lý ở trẻ em; bác sĩ Trần Nguyên Khôi, Chuyên khoa cấp 1 Nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM, cho biết. Có thể, bé chỉ bị thiếu máu sinh lý, cần theo dõi thêm.
Tại sao trẻ nhỏ lại thiếu máu sinh lý?
Bác sĩ Trần Nguyên Khôi cho rằng, nghe đến “thiếu máu sinh lý ở trẻ em”, bạn đừng vội hốt hoảng. Bạn cũng đừng đổ lỗi do mình ăn uống không đủ chất khiến sữa mẹ nghèo dinh dưỡng hay day dứt vì chăm con ăn dặm chưa kỹ càng. Nguyên nhân không hoàn toàn do bạn mà có thể nằm ở hai chữ “sinh lý”; nghĩa là ở sự phát triển tự nhiên của cơ thể bé.
Theo bác sĩ Khôi, hầu hết trẻ dưới 1 tuổi đều có thể gặp phải tình trạng thiếu máu sinh lý. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy số lượng hồng cầu ở trẻ thấp.
Thiếu máu sinh lý ở trẻ em; nguyên nhân thứ nhất có thể do sự thay đổi của cơ quan tạo máu
Trong thời kỳ bào thai, gan lách là cơ quan tạo máu chủ yếu. Chúng sẽ được thay thế bằng tủy xương khi trẻ chào đời. Tủy xương có chứa các tế bào chuyên biệt tạo ra các tế bào máu. Tuy nhiên, trong giai đoạn lúc mới sinh đến khi bé 3–4 tuần tuổi; tủy xương chỉ có thể sản xuất được rất ít tế bào hồng cầu mới. Điều này khiến số lượng hồng cầu trong máu của bé thấp trong 2 đến 3 tháng đầu đời.
Nguyên nhân thứ hai của thiếu máu sinh lý ở trẻ em là do sự chuyển đổi của thức ăn
Nếu xét nghiệm máu ở giai đoạn bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể liên quan đến quá trình chuyển đổi thức ăn. Từ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm với đa dạng thực phẩm thuộc 4 nhóm đạm, béo, bột, rau. Tuy nhiên, do khả năng tiêu hóa; hấp thu các chất dinh dưỡng chưa hoàn chỉnh nên bé có thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc tạo máu. Điển hình như sắt, vitamin C, axít folic.
Nếu loại trừ hai nguyên nhân sinh lý trên; việc thiếu máu sinh lý ở trẻ em cũng có thể do bạn chưa cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn dặm của bé. Nếu bữa ăn dặm của bé không đủ các thực phẩm giàu sắt; vitamin C (cần cho việc hấp thu sắt) cũng có thể gây thiếu máu.
Thiếu máu sinh lý ở trẻ em có đáng lo không?
Điều đáng mừng là thiếu máu sinh lý ở trẻ em không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Con vẫn ăn, ngủ tốt, vui chơi, phát triển cân nặng; chiều cao bình thường. Nếu được cân bằng dinh dưỡng, tích cực bổ sung dinh dưỡng tốt cho việc tạo máu, tình trạng thiếu máu này sẽ hết khi bé khoảng 2 tuổi. Vậy, dinh dưỡng thế nào sẽ tốt cho trẻ thiếu máu sinh lý?
3 lời khuyên từ bác sĩ Trần Nguyên Khôi là:
– Ưu tiên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như gan, trứng, thịt đỏ, đậu, đỗ, khoai lang và các loại rau xanh đậm. Mẹ nên tự nấu để đảm bảo đủ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên lạm dụng cháo, bột dinh dưỡng bán sẵn.
– Cho trẻ ăn hoặc uống nước ép của các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, đu đủ, chuối, để bổ sung vitamin C, hỗ trợ hấp thu chất sắt.
– Tích cực cho trẻ bú mẹ nhiều hơn. Nếu không bú mẹ, hãy chọn cho con sản phẩm sữa công thức có bổ sung chất sắt.
Nếu việc thay đổi dinh dưỡng không có kết quả, bác sĩ có thể cho trẻ uống các chế phẩm có bổ sung chất sắt. Ngoài ra, trẻ cũng cần được theo dõi chặt chẽ để loại trừ thiếu máu bệnh lý, điển hình như thiếu máu huyết tán. Thiếu máu sinh lý ở trẻ em không đáng lo ngại như bạn nghĩ.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình