Nên tiêm phòng bệnh đầy đủ để tránh dịch bệnh tai xanh – Ảnh: ABC News
Đến thời điểm này, dịch bệnh tai xanh đã lan rộng ra ba huyện, thành phố của tỉnh Sóc Trăng, với số lợn mắc bệnh hơn 600 con; trong đó đã tiêu hủy gần 400 con.
Riêng tỉnh Bạc Liêu, tuy chưa công bố có dịch, nhưng những ngày qua xuất hiện lợn bệnh, chết rải rác trong các hộ chăn nuôi. Điều người dân lo lắng là nhiều lợn chết ở tỉnh này không được tiêu hủy, chôn xác đúng quy trình mà lại vứt xác xuống sông rạch, trong khi nhiều tuyến kênh ở các tỉnh trên cùng chung dòng nước, mầm bệnh tiềm ẩn theo nguồn nước lây lan sang đàn lợn là khó tránh khỏi. Bởi phần lớn người chăn nuôi nơi đây thường xây dựng chuồng trại gần hoặc trên kênh rạch, dùng nguồn nước sông tắm rửa, vệ ăn uống cho gia súc, song phân thải gia súc lại tuồng thẳng ra ao, hồ.
Một nguyên nhân đáng lo ngại khác, đó là Hậu Giang được coi là trung tâm giao thoa giao thông đường bộ với các tỉnh, thành trong khu vực. Do đó, phần lớn gia súc xuất, nhập cảnh ở các địa phương trong vùng được vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong khi đó, công tác tuần tra kiểm soát, kiểm dịch ở địa phương còn khá lỏng lẻo, đang là kẽ hở để lợn không rõ nguồn gốc đưa vào tiêu thụ trên địa bàn.
Hơn nữa, hiện người chăn nuôi trong tỉnh còn chủ quan với dịch bệnh. Đàn lợn nuôi mới không được tiêm phòng đầy đủ, mua con giống không rõ nguồn gốc, né tránh khai báo, tiêm phòng, khi phát hiện lợn bệnh không rõ nguyên nhân nhưng lại không khai báo, lén lút giết mổ bán ra thị trường.
Đặc biệt gần đây, khi giá lợn hơi trên thị trường đứng giá cao, nhiều người chăn nuôi ồ ạt tái đàn, trong khi đó nguồn con giống nội địa cung thiếu cầu, để có con giống người chăn nuôi bất chấp khuyến cáo, mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…
Trước tình hình dịch bệnh tai xanh tái phát và lây lan nhanh ở các tỉnh thành trong khu vực, tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo ngành chăn nuôi tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
– Trước mắt, chỉ đạo ngành thú y, các huyện, thành phố củng cố lại ban chỉ đạo, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh;
– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm;
– Khi nuôi mới, tăng đàn phải khai báo, tiêm phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt nên chọn mua con giống sạch bệnh;
– Khi phát hiện lợn nghi nhiễm bệnh phải phối hợp với cơ quan chuyên môn, tổ chức tiêu hủy đúng quy trình để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Nguồn TTXVN / Tiếp Thị Gia Đình