Mưa sao băng Geminids là một hiện tượng thường xuất hiện hàng năm từ khoảng mùng 4 đến 17−12. Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), cực điểm của trận mưa sao băng năm nay diễn ra khoảng 18 giờ UTC ngày 14−12, tức 1 giờ sáng 15−12 theo giờ Việt Nam.
Anh Đặng Tuấn Duy thuộc câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP. HCM cho biết: “Thời điểm quan sát mưa sao băng tốt nhất ở Việt Nam là vào đêm 14, rạng sáng 15−12 với tần suất từ 50 đến 100 vệt mỗi giờ. Trong điều kiện quan sát lý tưởng có thể lên đến 120 vệt mỗi giờ”.
Tâm điểm của trận mưa sao băng là chòm Song Tử − Gemini. Chòm sao này mọc dần từ hướng đông vào khoảng 20 giờ và lên cao dần khi đến gần sáng.
Theo anh Duy, người xem có thể bắt đầu quan sát mưa sao băng từ khoảng 22 giờ khi tâm điểm đã lên khá cao cho tới rạng sáng. Chỉ cần bằng mắt thường là người xem có thể quan sát được sao băng. Tuy nhiên, người xem cần lưu ý thời tiết, sương mù, nên chọn vị trí trống trải, tránh các tòa nhà cao tầng, tránh xa ánh sáng từ thành phố. Ngoài ra cần chuẩn bị đồ giữ ấm khi thức đêm ngắm sao băng và nên để mắt thích nghi với bóng tối trước khi quan sát khoảng 20 phút.
Geminids luôn đứng đầu các trận mưa sao băng của năm bởi độ rực rỡ cũng như tần suất. Nó có nguồn gốc từ vật thể 3.200 Phaethon. Các nhà khoa học tin rằng vật thể này chính là phần nhân của một sao chổi nào đó còn sót lại sau những cuộc hành trình và bị gió mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài. 3.200 Phaethon trong quá khứ di chuyển cắt ngang qua quỹ đạo của trái đất và để lại một dải đá bụi.
Tiếp Thị Gia Đình