Trong nghiên cứu về hành vi tiêu dùng quý IV năm ngoái vừa được công bố, hãng nghiên cứu Nielsen đã chứng minh người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới. So sánh với các nước châu Á, người tiêu dùng Việt đạt tỷ lệ tiết kiệm 79%, cao hơn hẳn so với con số 60% của Thái Lan hay 64% của Singapore. Còn so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ 36-45% rõ ràng không thể sánh được với người Việt Nam.
Nghiên cứu này cho biết, ngoài việc tiết kiệm, 44% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát dùng tiền nhàn rỗi vào việc đi du lịch và mua sắm quần áo, 38% dành cho các sản phẩm công nghệ mới, 40% dùng vào trang trí nhà cửa và chi tiêu cho các hoạt động giải trí đứng thấp nhất ở 37%, trái ngược hẳn với hành vi phổ biến ở người dân nhiều nước là để trả nợ hoặc mang đi đầu tư.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng nhanh, khuynh hướng thay đổi thói quen chi tiêu dẫn đến kết quả người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới là hoàn toàn dễ hiểu. Cũng theo khảo sát, cứ 10 người thì đến 8 người đã điều chỉnh thói quen trong 12 tháng qua để hạn chế các khoản chi tiêu cá nhân. Nền kinh tế bất ổn được xem là một trong những mối lo lớn nhất, bên cạnh vấn đề chi phí chăm sóc sức khỏe, việc làm và sinh hoạt phí tăng.
Tổng giám đốc Vaughan của hãng nghiên cứu Nielsen khẳng định rằng: “Không chỉ lo lắng đến bữa ăn hàng ngày, người tiêu dùng Việt hiện nay đã biết quan tâm đến một cuộc sống tốt đẹp và toàn diện hơn. Hầu hết đều khao khát có nhà riêng hoặc được đi du lịch trong một khoảng thời gian dài, do đó chuyện người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới là dĩ nhiên”. Các phương pháp được áp dụng đa phần là hạn chế mua sắm, tiết kiệm tiền gas và điện, hoãn thay thế các sản phẩm gia dụng. Bên cạnh đó, nhiều người chọn cách cắt giảm chi phí thực phẩm, phí điện thoại, hoạt động giải trí.
Dù vậy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt cuối quý IV-2015 vẫn tăng 3 điểm, đạt mốc 108 điểm so với quý III-2015. Với chỉ số này, Việt Nam xếp thứ 6 toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng.
Bài: Vân Anh
Tiếp Thị Gia Đình