Những ngày này, chủ đề được chị em bàn tán sôi nổi nhất là kinh nghiệm gói bánh chưng thế nào cho đẹp, muối hành cho ngon, Tết cổ truyền cần có những gì… Món ăn phổ biến mà các bà nội trợ rủ nhau nấu nướng chung là bánh chưng, giò chả ăn Tết. Cùng chung tay sắm sanh, nấu nướng, việc chuẩn bị đón Tết trở nên nhẹ nhàng và rộn ràng hơn.
GÓP GẠO GÓI BÁNH CHƯNG
Thay vì chạy đôn chạy đáo tìm chỗ đặt bánh chưng ngon, hai năm nay, chị Nguyễn Thị Xuân, ngụ tại P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Hà Nội, đều rủ ba nhà hàng xóm khác cùng gói bánh chưng dịp Tết. Từ ngày 27 Tết, nhà nhận rửa lá, nhà vo đỗ, còn chị Xuân khéo tay sẽ dành một buổi gói bánh. Củi đun thì xin được từ một xưởng mộc, nồi to thuê ở một nhà chuyên nấu cỗ, mỗi nhà góp thêm đôi trăm nghìn mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong là yên tâm có nồi bánh ngon. Tại khu dân cư này, việc nhiều nhà rủ nhau chuẩn bị đón Tết, cùng gói bánh chưng, làm giò chả ăn Tết rất phổ biến.
Tương tự, mấy anh chị em gia đình chị Minh Anh, ở phố Đội Cấn, Q. Ba Đình, Hà Nội, cũng chung nhau mua nguyên liệu và tập trung gói bánh chưng tại nhà người anh cả. Mỗi nhà 10 chiếc, tổng cộng cả đợt gói khoảng 50 chiếc bánh. Số lượng lớn nhưng không ai thấy mệt vì công việc đã phân chia rõ ràng. Lợn đặt mua nguyên con ở quê, lạt tự chẻ từ mấy tuần trước rồi ngâm nước cho dai, đậu xanh, gạo nếp ngâm qua đêm, tối 29 Tết tập trung gói bánh. Khi bếp củi đỏ lửa cũng là lúc mấy đứa nhỏ trải chiếu ra khoảng sân trước nhà và xúm xít chơi đủ trò từ nướng khoai cho đến đánh tam cúc, nói cười chí chóe.
“Bây giờ bữa ăn ngày nào cũng đủ đầy, ai thiết gì đến chuyện ăn, nhất là thịt thà. Thế nhưng khi mọi người chung tay làm cỗ Tết, tự nhiên mình cảm thấy thích thú với chuyện ăn Tết, bởi cái sự ăn chỉ có thể gây hào hứng khi nó đi cùng với niềm vui và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình”, chị Minh Anh bộc bạch.
ẤM CÚNG TẾT HOMEMADE
Tết Nguyên Đán nào, mâm cỗ của gia đình chị Đặng Tố Nga, đường Khuất Duy Tiến, Q. Thanh Xuân, Hà Nội, cũng đầy đủ bánh chưng, giò lụa, giò xào, chả bò, chả quế, cho đến cả những thứ kỳ công như bánh giò, chè kho, dưa muối và dưa góp.
“Thời mình còn bé, không khí chuẩn bị Tết tưng bừng lắm. Theo phong trào của các chị trong khu tập thể, mình tập làm đủ loại mứt Tết và cả bánh gio nữa. Món bánh gio thật công phu, phải tìm đủ cây đỗ tương đốt làm tro, ngâm nước rồi mỗi ngày gạn một ít nước trong. Bốn ngày mới đủ nước để ngâm gạo, sau đó phải kiếm bằng được lá chít để lót bên trong lá dong khi gói bánh”, chị Nga nhớ lại.
Khi chị đi du học, những món ăn Việt thực sự thiếu thốn vì nước Ý nơi chị học có rất ít người Việt, không có chợ thực phẩm châu Á. Từ đó chị mày mò, học và biết làm giò chả, gói bánh chưng. Tết đến, chị cùng vài người bạn Việt kiều tổ chức tiệc, mỗi người mang đến góp một món. Trở về nước, dù bận rộn đến mấy chị vẫn luôn tự tay chuẩn bị đón Tết với đầy đủ các món ăn truyền thống. “Với mình, mâm cơm cúng ông bà tổ tiên thật sự quan trọng. Năm nào mình cũng cho con gái gói bánh chưng, tham gia chuẩn bị Tết để con hiểu được sự quan trọng của ngày Tết, ngày gia đình sum họp”, chị Nga lý giải.
Chị Thu Hương, ngụ tại 204 Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng tự tay nấu đủ các món ăn truyền thống để gia đình và bạn bè thưởng thức mấy ngày Tết. Để làm mứt quất theo kiểu truyền thống, chị Hương phải mất hai ngày làm 3kg quất tươi, từ chà vỏ xử lý tinh dầu đến sên đường. Tương tự, một nồi chè kho 4kg đậu phải mất 4 giờ khuấy đều tay, chưa kể thời gian ngâm, đãi, nấu, thái nhỏ đậu và trộn mỡ. Thấy chị nấu ăn ngon, Tết nào bạn bè cũng đặt chị làm giúp giò xào, bánh chưng. Dần dà, nhà chị trở thành một trong những địa chỉ đặt mua đồ ăn “homemade” có tiếng.
Nắm được tâm lý yêu thích đồ ăn “homemade” của các bà nội trợ văn phòng bận rộn, nhiều dịch vụ đồ ăn “homemade” đã được mở ra tại Hà Nội và đang trở thành kênh thực phẩm đáp ứng cả hai nhu cầu ngon và sạch.
THU HÀ
Tiếp Thị Gia Đình