Biến thể Delta của virus COVID-19 lây lan nhanh và mạnh khiến bất kì ai trong số chúng ta cũng có thể trở thành F0. Việc ở một mình sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác, song cũng là khó khăn nếu ta không biết cách tự chăm sóc bản thân. Vậy người sống một mình cần lưu ý những gì trong quá trình tự điều trị tại nhà nếu không may mắc COVID-19?
Cần làm gì nếu sống một mình và bị nhiễm COVID-19?
Theo các bác sĩ, người bệnh cần cố gắng giữ bình tĩnh khi biết mình bị nhiễm COVID-19. Vì đang sống một mình nên càng phải ý thức được việc chăm sóc bản thân. Giữ được tinh thần lạc quan là bạn đã có thêm phần trăm cơ hội chiến thắng COVID-19.
Một điều quan trọng nữa là bạn cần thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2 (nồng độ Oxy trong máu). Để biết được có đúng là cơ thể đang mệt hay chỉ do yếu tố tâm lý tác động tạm thời. Nếu chỉ số SpO2 xuống dưới 94% phải liên hệ ngay với nhân viên y tế.
Luôn giữ liên lạc với nhân viên y tế
Việc giữ liên lạc với nhân viên y tế là vô cùng cần thiết, đặc biệt với những ai nhiễm COVID-19 đang sống một mình. Bạn khó có thể lường trước được những tình huống xấu xảy ra và cũng không có ai ở bên theo dõi bạn lúc này. Chính vì thế hãy lưu số điện thoại của nhân viên y tế, cũng như thông tin liên hệ với đơn vị phản ứng nhanh tại địa phương.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ít nhất một số điện thoại của người thân ở phần danh bạ SOS của điện thoại. Điều này giúp nhân viên y tế dễ dàng thông tin tới gia đình bạn trong trường hợp cần thiết.
Chuẩn bị các loại thuốc
Chuẩn bị sẵn những loại thuốc cơ bản như Paracetamol, thuốc ho thảo dược, thuốc tiêu chảy cùng với một số loại thuốc theo hướng dẫn của y tế phường. Hiện nay ở TP.HCM đã cung cấp các túi thuốc cho F0 tự điều trị tại nhà. Bạn cần liên hệ với nhân viên y tế địa phương để được cấp phát thuốc. Cùng với đó là hướng dẫn cách dùng cũng như liều lượng mỗi loại thuốc.
>>Xem thêm: Những loại thuốc cần có sẵn trong nhà giữa mùa COVID-19
Lên kế hoạch cho việc nấu nướng
Bạn cần lên kế hoạch cho việc ăn uống, nấu nướng. Khi nhiễm COVID-19, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi thậm chí chán ăn. Dù vậy bạn vẫn nên cố gắng nạp đủ năng lượng mỗi ngày. Tuyệt đối không bỏ bữa. Uống đủ nước và ngủ đủ giấc cũng là yếu tố quan trọng để duy trì tinh thần minh mẫn, tỉnh táo.
Chú ý đến 6 nhóm thực phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch như:
- Nhóm Flavonoid: quả dâu, trà xanh, cần tây, hành tây, cam, chanh, bưởi, súp lơ, cải xanh, táo, gừng, tỏi…
- Nhóm đạm: cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, nấm, đậu phụ…
- Nhóm Vitamin: A, B, C, D, B12, B6, Acid Folic
- Nhóm khoảng chất: Sắt (gan động vật, nghêu sò…), Kẽm (thịt động vật, vừng, đậu…), Đồng (nội tạng động vật, ngũ cốc nguyên cám…)
- Nhóm vi sinh có lợi: sữa chua, sữa, phó mát, dưa chua, kim chi, cà pháo…
- Nhóm chất béo giàu Omega-3: cá, quả bơ, dầu olive, dầu đậu nành…
Không cần nấu nướng quá cầu kì, tốt nhất là ăn các món hấp, luộc đơn giản. Hạn chế ăn món chiên xào nhiều dầu mỡ.
>> Xem thêm: Nghiên cứu mới nhất về chế độ ăn uống phòng chống Covid-19
Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh
Hãy xây dựng lối sống lành mạnh. Luyện tập thể dục nhẹ nhàng ngay cả khi ở trong nhà. Với thời gian tối thiểu 15-20 phút/ngày. Duy trì việc ngủ đủ 7-8 tiếng đồng thời giữ tinh thần lạc quan, không nên lo lắng thái quá. Quan trọng hơn là tuân thủ theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của nhân viên y tế. Thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2 trong máu để lường trước những tình huống xấu xảy đến.
Tiếp Thị Gia Đình