Người phụ nữ chạy thận 7 năm vẫn sinh con khỏe mạnh

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một phụ nữ có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh khi đang chạy thận. Đó là trường hợp của chị Hoàng Ngọc Yến

Chị Hoàng Ngọc Yến xúc động trong giây phút bế con ra viện

Chúng tôi gặp Hoàng Ngọc Yến khi chị đang chạy thận tại tầng 4, khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Cánh tay trái còn sưng vì vết cắm kim truyền, da dẻ hơi tái nhưng trong suốt cuộc trò chuyện, chị luôn nở nụ cười tươi rói. Chị bắt đầu kể cho chúng tôi nghe hành trình của mình.

KHÁT KHAO LÀM MẸ

“Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày mong chờ một sinh linh bé nhỏ. Lấy chồng năm 2008, tôi mang thai lần đầu tiên. Niềm vui ngắn chẳng tày gang vì tôi bị cao huyết áp, rồi phát hiện suy thận khi thai được 16 tuần tuổi. Không thể giữ được thai và tôi phải lọc máu. Từ ngày đó, tôi chạy thận 3 lần/tuần.

Thế rồi 7 năm sau, niềm vui đến không báo trước. Bệnh nhân nữ chạy thận thường có kinh nguyệt bất thường, hay buồn nôn… giống hệt với biểu hiện của bà bầu nên khi thai đã được 15 tuần tuổi, tôi mới phát hiện. Vừa nghe tin, chồng tôi, anh Bùi Xuân Hòa, đã gọi ngay cho bác sỹ khoa Sản để hỏi xem có thể giữ được thai không. Sau nhiều cuộc hội chẩn, các bác sỹ đồng ý cho tôi giữ thai.

GIẤC MƠ CÓ THẬT

20151124-hoang-ngoc-yen-ky-tich-chay-than-de-sinh-con-hinh-anh-hinh-anh-01

Với chị, niềm mong mỏi duy nhất là con trai khỏe mạnh

Vì không đi tiểu được nên tôi bị tăng cân. Đây là cái khó đầu tiên mà các bác sỹ thận nhân tạo phải đối diện. Các bác sỹ phải theo dõi chỉ số cân nặng của tôi vì có liên quan đến việc rút nước, ảnh hưởng đến thai nhi. Bệnh nhân thông thường lọc máu 3 lần/tuần, còn tôi phải lọc 6 lần/tuần, mỗi lần từ 3– 4 tiếng. Do thời gian lọc gấp đôi nên nồng độ pH sẽ cao, dễ dẫn đến sảy thai. Vì vậy, bác sỹ điều chỉnh nồng độ bicarbonat trong dịch lọc thấp hơn.

Bác sỹ còn chọn thuốc điều trị huyết áp cho tôi để không ảnh hưởng đến thai nhi, điều trị thiếu máu, suy dinh dưỡng, phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi… Các bác sỹ đã xây dựng một quy trình da nh riêng cho bệnh nhân đặc biệt như tôi có thể mang thai, sinh con an toàn.

Thấy tôi ngày ngày đi chạy thận, nhiều người xì xào: “Sao liều thế?”. Tôi biết mình mạo hiểm, nhưng khát khao làm mẹ chiến thắng nỗi sợ hãi. Như hiểu tâm tư của mẹ, bé động viên tôi bằng những cú hích nhẹ vào thành bụng.

Khi thai được 24 tuần, tôi bị ra máu và được chẩn đoán là polyp cổ tử cung. Tôi phải nằm viện tại khoa Phụ – Sản và hàng ngày lọc thận tại khoa Thận nhân tạo. Thời điểm đó, chồng tôi đi lại như con thoi giữa công ty và bệnh viện. Mỗi lần chồng đem cơm vào, tôi cứ giục anh về sớm nghỉ ngơi kẻo mệt. Bảy năm nay, người chồng hiền lành vẫn đồng hành với bệnh tật của vợ mà chưa một lời phàn nàn, kêu ca. Dù không nói ra nhưng tôi hiểu anh cũng rất mong mỏi trong nhà sẽ có tiếng cười trẻ thơ.

Trời không phụ lòng người, ngày 6–9–2015, bé Xuân Bảo chào đời ở tuần 31 bằng phương pháp sinh mổ, nặng 1,5kg. Sau hơn một tháng nuôi lồng kính, con trai ra viện khỏe mạnh. Lần đầu tiên bế con, tôi đã khóc vì hạnh phúc.

Hiện tại, tôi vẫn chạy thận 3 lần/tuần, mọi chi phí đều trông chờ vào chồng. Khó khăn sẽ không ít, nhưng tôi tin con trai bé bỏng là nguồn sống để vợ chồng tôi vượt qua những ngày tháng chông gai phía trước.

Thông tin thêm

• TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chương trình nghiên cứu đa trung tâm của châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh… ghi nhận trong số 23 trường hợp có thai khi chạy thận nhân tạo đăng ký theo dõi, chăm sóc sinh con thì chỉ có 52% trẻ được sinh và sống bình thường. Ở Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên bệnh nhân chạy thận nhân tạo sinh con khỏe mạnh.

• Vợ chồng chị Hoàng Ngọc Yến (1984) và anh Bùi Xuân Hòa (1974) ngụ tại phố Thúy Lĩnh, P. Lĩnh Nam, Q. Hoàng Mai, Hà Nội.

Bài: THU HÀ

Mục Câu chuyện và Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua