Người đàn ông ở Úc cứu sống hai triệu đứa trẻ

Người đàn ông ở Úc đã cứu sống hai triệu đứa trẻ là James Harrison, người sở hữu kháng thể Anti-D trong máu giúp thai phụ mắc bệnh rhesus tránh sảy thai

 Ông James Harrison hiện đã 78 tuổi 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ CÁNH TAY VÀNG

Nhìn bề ngoài, James Harrison là một người đàn ông bình thường như bao người. Ông yêu con gái và cháu ngoại, thích sưu tập tem và đi bộ gần nhà ở vùng duyên hải miền Trung nước Úc. Tuy nhiên, điều làm cho ông trở nên phi thường lại là những gì đang chảy trong huyết mạch của ông.

Được biết đến với biệt danh người đàn ông có cánh tay vàng, trong 60 năm qua, hầu như mỗi tuần ông đều đi hiến máu từ cánh tay phải. Câu chuyện bắt đầu từ khi ông trải qua một ca phẫu thuật nghiêm trọng khi còn nhỏ.

Harrison, hiện đang ở tuổi 78, nhớ lại: “Năm 1951, khi 14 tuổi, tôi phải phẫu thuật lồng ngực để loại bỏ một lá phổi. Vài ngày sau đó, khi tôi rời khỏi phòng phẫu thuật, cha tôi mới giải thích về những gì đã xảy ra. Ông nói rằng tôi đã nhận 13 đơn vị máu (khoảng 3,25 lít máu) và tôi đã được cứu mạng nhờ những người vô danh. Bản thân cha tôi cũng có hiến máu. Lúc đó, tôi đã nói với cha rằng: “Khi đủ lớn, con sẽ trở thành một người hiến máu”.

CHUYỆN SINH TỬ

Sau khi Harrison thực hiện được tâm nguyện từ nhỏ, đó là trở thành người hiến máu, các bác sỹ đã gọi anh vào. Họ cho biết máu của anh có thể là câu trả lời cho chuyện sinh tử.

“Ở Úc, trước năm 1967 có hàng nghìn em bé tử vong mỗi năm, các bác sỹ không biết lý do tại sao và điều này quá kinh khủng. Có rất nhiều phụ nữ sảy thai và các em bé được sinh ra bị tổn thương não”, Jemma Falkenmire, đại diện Trung tâm Máu của Hội Chữ thập đỏ Úc, cho biết.

Đây là kết quả của bệnh rhesus – một tác nhân khiến máu của thai phụ bắt đầu tấn công tế bào máu của thai nhi. Trong trường hợp xấu, nó có thể gây nên tổn thương não hoặc tử vong cho thai nhi.

Bệnh rhesus xảy ra khi thai phụ có máu rhesus âm tính (hay còn gọi là RhD âm) và đứa trẻ trong bụng có máu rhesus dương tính (hay còn gọi là RhD dương), thừa hưởng từ cha mình.

Nếu người mẹ nhạy cảm với máu rhesus dương tính thì cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể có thể phá hủy tế bào máu “ngoại lai” của đứa trẻ.

Vào những năm 1960, các bác sỹ ở Úc đã phát hiện Harrison có một kháng thể kỳ lạ trong máu. Họ đã hợp tác cùng nhau để sử dụng kháng thể này nhằm phát triển một mũi tiêm được gọi là Anti-D. Mũi tiêm này giúp phụ nữ có nhóm máu hiếm rhesus âm tính ngừng phát triển kháng thể RhD trong suốt thai kỳ.

“Úc là một trong những quốc gia đầu tiên khám phá ra người hiến máu có kháng thể này. Phát hiện này được xem là cuộc cách mạng ở thời điểm đó”, Falkenmire cho biết.

MÓN QUÀ VÔ GIÁ

Máu của Harrison là một món quà. Theo thông tin từ Trung tâm Máu của Hội Chữ thập đỏ Úc: Ông và mũi tiêm Anti-D đã cứu sống hơn hai triệu đứa trẻ,

“Mỗi túi máu đều đáng giá, nhưng máu của James đặc biệt kỳ lạ”, Falkenmire cho biết, “Máu của ông đã được sử dụng để bào chế thuốc cứu mạng, trao cho những người mẹ mà máu của họ là nguy cơ tấn công chính hài nhi của mình. Mọi đơn vị Anti-D từng được sản xuất ở Úc đều đến từ máu của James. Có đến hơn 17% phụ nữ ở Úc gặp nguy cơ với rhesus. Vì vậy, James đã giúp họ cứu sống rất nhiều sinh linh”.

Một trong số đó là bé Samuel, chỉ mới 5 tuần tuổi. Mẹ của bé, Kristy Pastor là người đầu tiên được tiêm Anti-D trong suốt thai kỳ thứ hai. Với kháng thể của Harrison trong máu, Samuel bé nhỏ, đứa con thứ tư của Kristy, đã khỏe mạnh chào đời.

Kristy bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, họ chỉ nói với tôi rằng chị cần vắc-xin. Tôi không nghĩ gì xa hơn được. Sau đó, tôi may mắn tìm thấy James và biết được anh ấy tuyệt vời như thế nào, anh ấy đã hiến bao nhiêu là máu”.

Với tấm lòng vị tha, James không ngừng hiến máu mỗi tuần và các bác sỹ tiếp tục có được loại vắc-xin báu vật.

Đội ngũ bác sỹ vẫn không biết chính xác tại sao Harrison lại có nhóm máu hiếm này, nhưng họ cho rằng có thể nhờ những loại máu mà anh nhận được năm 14 tuổi, sau ca phẫu thuật phổi. Harrison là một trong không quá 50 người ở Úc được tìm thấy kháng thể này trong máu.

Với Trung tâm Máu của Hội chữ thập đỏ Úc, James Harrison là một người không thể thay thế. “Không phải bất kỳ ai cũng có thể làm điều mà James Harrison đã làm, nhưng chắc chắn chúng tôi cần người nối gót ông”, Falkenmire bộc bạch. “James sẽ nghỉ hưu trong vài năm nữa. Chúng tôi hy vọng vẫn còn đó những người sẵn lòng hiến máu, những người có kháng thể này và trở thành người cứu mạng như ông ấy đã từng. Hy vọng ngoài kia vẫn còn nhiều người vị tha và quên mình như ông ấy”.

Harrison được xem là anh hùng nước Úc và đã giành được nhiều giải thưởng. Ông đã hiến huyết tương của mình hơn 1.000 lần. Đặc biệt, dù có tận hiến bao nhiêu lần đi nữa thì có một điều không bao giờ thay đổi: chưa bao giờ Harrison nhìn chiếc kim tiêm đi vào trong cánh tay mình.

“Trong khi hiến máu, tôi nhìn trên trần nhà hoặc các cô y tá, có thể trò chuyện chút xíu với họ, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn chiếc kim tiêm đi vào trong cánh tay mình. Tôi không thể chịu đựng được hình ảnh máu me và tôi sợ đau”, ông thành thật.

Người đàn ông ở Úc cứu sống hai triệu đứa trẻ Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua