Hôm nay, ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, cả nước sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Bắt đầu từ 0h ngày 1/4/2020. Việc cách ly theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh. Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Nhiều người đã vội vàng đi siêu thị tích trữ hàng hóa trước khi áp dụng chỉ thị cách ly.
Vậy người dân có cần tích trữ hàng hóa?
Chỉ thị số 16 yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Ví dụ như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hay dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Đồng thời không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Mỗi người nghiêm khắc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Bộ Công thương khẳng định đã sẵn sàng các phương án cung cấp nguồn hàng hóa thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và chỉ thị cách ly toàn xã hội. Theo đó, 13 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả… luôn đảm bảo. Bộ Công thương đã chỉ đạo tất cả hệ thống phân phối luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn cung; phục vụ nguồn cung và phục vụ tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
Ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương – cho biết: “Tôi khẳng định nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân là đáp ứng đủ cho người dân dùng. Các hệ thống phân phối, cung ứng đã được yêu cầu nguồn hàng, sự chuẩn bị của địa phương. Vì vậy, người dân không cần thiết phải tích trữ hàng hóa quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết.”
Hàng hóa sẽ được cung ứng như thế nào?
Bộ Công thương cho biết vẫn tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm gồm siêu thị, chợ, các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối. Hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu sẽ được bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục. Giai đoạn này sẽ có thêm các điểm bán hàng lưu động, dã chuyến. Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh; thuận tiện cho người dân mua hàng. Công an, quân đội sẽ thực hiện điều phối xe vận chuyển hàng thiết yếu từ kho dự trữ để cung cấp cho các địa bàn trong trường hợp phong tỏa hoặc giới nghiêm.
Các siêu thị đã và đang triển khai mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi. Người dân có thể chọn mua trên các ứng dụng thương mại điện tử. Do đó, người dân nên thay đổi thói quen từ mua sắm tại nhà thay vì đi ra ngoài. Đồng thời, không nên tích trữ hàng hóa, mua gom hàng thực phẩm để tránh gây khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm.
Tiếp Thị Gia Đình