Ngôi trường ở Sài Gòn miễn học phí và cấp bằng quốc tế

Không học phí. Không tốn tiền ăn. Không lo tiền ở. Được học tiếng Anh. Có văn bằng nghề bếp hay quản lý nhà hàng khách sạn tiêu chuẩn Đức. Có tương lai rộng mở. Đó là những điểm đặc biệt của ngôi trường Andre Mai Sen ở Sài Gòn

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc Gia 2016 đã có kết quả. Trong số đó nhiều học sinh đang lo lắng: “Gia đình khó khăn, tiền đâu mình tiếp tục đi học lên cao?”.

Thật ra, với nhiều người, học nghề cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Các em sẽ học nghề và nhanh chóng có công việc ổn định trong khi bạn cùng tuổi tốt nghiệp đại học mà thất nghiệp. Ngoài nhân sự giỏi, nhiều công ty, xí nghiệp ở Việt Nam hiện nay cần thợ hơn thầy. Một trong những lĩnh vực đang “khát” thợ chuyên nghiệp mà các em có thể theo học là nghề bếp và nhà hàng khách sạn. TTGĐ tìm và giới thiệu tới các em ngôi trường Andre Mai Sen giữa lòng Sài Gòn. Đây là ngôi trường mà TTGĐ tin rằng các em nhà nghèo có thể tìm hiểu để gửi gắm tương lai mình.

Ngôi trường lạ

Đó là buổi sáng thứ Sáu, trời mưa tầm tã. Theo lời giới thiệu của bạn bè: “Có một nhà hàng Đức ở Q. Bình Thạnh có món Âu, đặc biệt là salad bơ tôm, rất ngon. Khung cảnh sạch sẽ và giá rẻ bất ngờ”, chúng tôi tìm đến nhà hàng Mai Sen Bistro nằm ở mặt tiền Trung tâm đào tạo Andre Mai Sen, 56 Nguyễn Văn Lạc, P. 19, Q. Bình Thạnh. Lúc này là 10 giờ sáng, nhưng tại đây vẫn còn hơn một chục khách thư thả ngồi ăn sáng, uống trà trong giai điệu nhẹ nhàng và mùi bánh mì thơm phức.

Qua lớp cửa kính, tôi bắt gặp những người đứng bếp tầm 18–20 tuổi, mũ trắng, áo trắng đang bận rộn. Thấy tôi tò mò, ông Francis Văn Hội, chủ nhà hàng khoảng 65 tuổi, nói: “Đây chỉ là nhà hàng thực tập để tăng cơm gạo cho các em. Đúng ra đây là ngôi trường dạy nghề miễn phí”.

Thầy Hội sáng lập trường đào tạo Andre Mai Sen năm 2014. Thầy vốn là Việt kiều Đức, từng là một Master Chef nổi tiếng với vài chục nhà hàng ở Đức. Khi nghỉ hưu, thầy về Việt Nam mở trường dạy nghề với hy vọng trao cho các em mồ côi, nhà nghèo một cơ hội thay đổi cuộc sống. Thầy trực tiếp đào tạo nghề nhà hàng khách sạn và nghề đầu bếp cho các em theo phương pháp đào tạo nghề của Cộng hòa Liên Bang Đức. Chương trình có dạy tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài đảm nhiệm. Các em học nấu món Á, món Âu theo chương trình của Đức, thi bằng tiếng Anh dưới sự giám sát của Bộ Công nghiệp Đức và nhận bằng tiêu chuẩn Đức. Thầy thủ thỉ: “Văn bằng này được thế giới công nhận nên sau khi có bằng, các em không bị giới hạn ở Việt Nam mà có thể đi khắp các nước khối Á châu, Âu châu làm việc”.

andre mai sen hinh anh 2

Những chiếc bánh mì do học trò làm được bày bán ngay tại nhà hàng

71 học trò trong ngôi trường học nghề miễn phí này là 71 số phận, đến từ khắp các tỉnh thành. Các em đều giống nhau ở chỗ là không có tiền học cao đẳng, đại học và khát khao có một nghề ổn định, yêu thích nghề đầu bếp và nhà hàng, khách sạn. Trong những học viên có mặt hôm đó, em Trần Văn Tài, và anh trai là Trần Văn Thành vào trường cùng một lúc, cách đây khoảng 4 tháng. Em chia sẻ: “Nhà em ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha mẹ nghèo, em câu cá, mực ngoài biển mà không đủ sống. Nhờ một cha xứ giới thiệu, em và anh Thành được vào Andre Mai Sen. Từ đó, hai anh em mới có nơi ăn ở, học hành mà không tốn tiền. Sau ba năm học ở đây, em ước hai anh em đi làm thuê, rồi mở quán ăn riêng, có nghề ổn định để lo cho mẹ. Với người tốt nghiệp cấp hai, cấp ba như anh em em, học nghề này không quá khó”.

Thầy khó, trò được nhờ

andre mai sen hinh anh 3

Nhờ thầy khó, trò mới được nhờ, mới vào nề nếp

Đi từ khu nhà hàng đến khu bếp, phòng học, phòng nghỉ giữa giờ của các em, cuối cùng chúng tôi nán lại khu bếp nhỏ. Trong bếp thầy Hội còn trang bị loa để các em vừa tập nấu ăn vừa tự nghe tiếng Anh một cách vô thức. Khen gian bếp của thầy sạch, thầy lại “ối giời ơi” khiến mọi người có mặt ở đây cười nghiêng ngả: “Ối giời ơi, kinh khủng lắm, hò hét lắm mới thành thói quen đó con ơi. Hồi xưa ở nhà, các em chặt miếng gà trên cái thớt đặt dưới đất, bên phải là chuồng gà, bên trái là chuồng heo, đằng sau là cầu tiêu… Làm sao các em có khái niệm về vệ sinh an toàn thực phẩm? Bây giờ, các em phải khác. Để bếp sạch, thầy bắt các em cầm giẻ lau lên lau xuống. Đó là thói quen mà thầy bắt các em phải học. Các em ghét thầy lắm” (cười lớn).

andre mai sen hinh anh 4

Sẽ bị thầy mắng khi không tuân thủ yêu cầu về vệ sinh thực phẩm

“Tiếp nữa, em nào vào học cũng phải thử việc hai tuần để rửa chén, lau nhà cầu… Có em thầm thì với bạn: “Nhà tao nghèo nhưng mẹ không bắt tao làm những việc này. Giờ phải làm những thứ này, tao không chịu nổi” rồi làm được một ngày là em bỏ liền. Có em mới nghe thầy nói: “Nếu cùng một công việc, Singapore cần 1 người, Thái Lan cần 6 người thì Việt Nam cần 15 người. Nếu muốn bằng Singapore, con cần phải làm việc gấp 15 lần” cũng sợ quá, bỏ học luôn”.

Tiếp theo 3–4 tháng sau, các em trải qua thêm “ải” khác: Làm kép một tháng. Thầy Hội kể: “Em kép sẽ phải đóng vai chủ nhà hàng: phải đi sớm về trễ, lo mọi việc từ mua sắm, đón tiếp khách, làm hóa đơn, tính tiền thu nhập, phân chia công việc, lo tổ chức tiệc… Càng học lâu càng khó hơn. Thầy bắt đi chợ, viết hóa đơn, làm sổ sách, kế toán, xin giấy phép… để sau ba năm, các em muốn mở quán phải biết làm tất cả.

Theo chương trình đào tạo của Đức, học và làm phải song song và làm vẫn nhiều hơn. Các em được thực hành nấu ăn, phục vụ ngay tại nhà hàng thực tập của trường và khi đủ vững nghề, thầy Hội sẽ viết thư gửi học trò đến các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát, tiệm bánh hoặc các công ty trong ngành công nghiệp thực phẩm để thực tập, khám phá thế mạnh của mình là bếp lạnh hay nóng, bếp Á hay Âu…

Thầy tự nhận: “Các em không tìm thấy sự dễ dãi nơi thầy. Thầy luôn trong vai một ông chằng, lúc nào cũng dồn các em vào đường bí. Chỉ khi buộc phải phản ứng để mưu sinh, lúc đó các em mới khám phá ra: “Ô, thì ra mình cũng nhiều tài lắm” và tự tin hơn. Thầy nghĩ, cho đến khi chết, các em nó cũng không quên được sự bóc lột của thầy đâu” (cười lớn).

andre mai sen hinh anh 5

Đào tạo một người có tính chuyên nghiệp thì dễ, nhưng đào tạo một đầu bếp có đạo đức thì khó

Thầy Hội cho hay: “Còn một năm nữa, các em khóa đầu tiên mới tốt nghiệp nhưng các em đã được “đặt hàng” hết rồi (cười). Một khách sạn 5 sao hỏi: “Năm tới thầy cho ra trường được bao nhiêu em?”. Thầy bảo: “Được 29 em thôi”. Họ liền bảo: “Vậy cho tụi con nhận hết nhé”.

Thầy Hội nói với học trò: “Cứ nghĩ mình làm được và thực hành gấp 2−3 lần so với người khác, các em chắc chắn sẽ thành công”.

Ai sẽ được nhận?

Trường Andre Mai Sen đón nhận các học viên:

♦ Gia đình nghèo.

♦ Gia đình đông con có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

♦ Mồ côi.

♦ Đối tượng dân tộc.

♦ Nạn nhân chất độc da cam hay khuyết tật nhẹ.

♦ Tuổi từ 16 đến 22.

♦ Học lực tối thiểu hết lớp 9.

♦ Không phân biệt nam nữ, tôn giáo.

♦ Học viên cần phải có thái độ tốt, sẵn sàng học hỏi, chăm chỉ, năng động, chững chạc và yêu thích dịch vụ khách sạn, nhà hàng.

♦ Tôn trọng quy tắc của nhà trường.

♦ Sẵn sàng làm việc ban đêm, cuối tuần và các ngày lễ.

Thông tin chi tiết, bạn liên hệ Trung tâm đào tạo Andre Mai Sen, 56 Nguyễn Văn Lạc, P. 19, Q. Bình Thạnh, TP. HCM. Website: www.anremaisen.com. Điện thoại (08) 38405043 hoặc điện thoại di động của thầy Hội: 0903961288.

Chung tay giúp Andre Mai Sen

Mong ước của thầy Francis Văn Hội là có thể mở rộng trường, đào tạo được nhiều hơn, mỗi năm có cả trăm em ra trường. Song hiện tại, điều kiện của trường còn rất hạn chế. Chi phí lo “toàn tập” cho các em, từ ăn ở, sinh hoạt, học hành đến mua nguyên liệu thực tập rất tốn kém. Tất cả các khoản chi này phụ thuộc vào thu nhập từ nhà hàng thực tập, nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, tiền của thầy và lúc bí quá, thầy lại xin tiền của các con ruột đang sống ở Đức. Sắp tới, con đường Ngô Tất Tố sẽ mở rộng và trường Andre Mai Sen nằm trong diện giải tỏa. Thầy Hội tha thiết mong một nhà hảo tâm nào đó có thể cho trường mượn một mảnh đất trong 30–40 năm. Thầy sẽ đi quyên góp về xây trường. Ngoài ra, thầy Hội cũng mong bạn đọc góp sức với trường bằng việc đến dạy tiếng Anh cho các em, đến nhà hàng Mai Sen Bistro ăn uống, đặt tiệc để ủng hộ các em.

Bài: Xoa Nguyễn

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua