Nghệ thuật tranh cãi giúp vợ chồng gần nhau hơn

Giáo sư Rachel Dinero cho rằng: “Tranh cãi tích cực là cách giải quyết vấn đề rõ ràng”. Nếu không biết làm sao để tránh sứt mẻ tình cảm vợ chồng bạn hãy tham khảo ngay các cách này

Vấn đề đặt ra là khi vợ chồng cãi nhau nên làm gì để cuộc tranh luận diễn ra theo chiều hướng tích cực, không đẩy mối quan hệ vợ chồng trở thành chiến tranh lạnh? Bốn mách nhỏ dưới đây của Tiếp Thị Gia Đình sẽ giúp bạn “phanh” đúng lúc để cuộc tranh luận không gay gắt.

BÌNH TĨNH NGỒI XUỐNG VÀ KIỂM SOÁT ĐÔI TAY CỦA BẠN

Khi máu xung thiên nổi lên, ít ai đủ bình tĩnh để ngồi. Chúng ta thường đứng lên, tay chống hông đầy thách thức, thỉnh thoảng lại chỉ ngón tay vào đối phương để nhấn nhá, kiểu: “Lỗi của anh sờ sờ ra đấy”. Làm vậy, bạn thấy bõ tức lắm nhưng điệu bộ chỉ tay vào mặt chồng lúc giận sẽ khiến bạn trông thật dữ dằn. Các ông chồng sẽ thấy cử chỉ đó xúc phạm danh dự ghê gớm. Vì thế, hãy nén giận, ngồi xuống và để tay lên bàn hoặc rót cho mình một tách trà nóng và đặt trong lòng bàn tay. Cách này giúp bạn bình tĩnh và kiểm soát tốt hành vi, câu nói của mình. Cảm giác ấm nóng từ đôi tay giúp bạn nhẹ nhàng hơn.

ĐỘT NGỘT CHUYỂN HƯỚNG BẰNG MỘT CÂU NÓI YÊU THƯƠNG HOẶC CỬ CHỈ QUAN TÂM SĂN SÓC

Có lần vợ chồng tôi tranh cãi về việc anh không lo chăm con phụ vợ, về nhà vứt mọi thứ lung tung. Tôi nhắc, anh bảo: “Người đâu mà khó tính”. Sau một hồi nghe tôi xỉa xói: “Chồng người ta làm hết việc nọ đến việc kia, chồng mình không khác gì con nít, đi đến đâu bày đến đó. Mình có mắt mà như mù”, anh gầm lên giận dữ: “Em quá đáng vừa thôi nhé”. Đó là lần hiếm hoi anh nóng nảy như thế vì trong các lần tranh cãi trước, anh luôn là người nhận lỗi và làm hòa. Tôi biết mình đã đi quá xa nên xuống giọng: “Anh thực sự đã làm em rất bực mình, rất giận nhưng em yêu anh”.

Sau khi thốt ra ba chữ ấy, tôi chợt thấy lòng nhẹ nhàng hẳn, cơn giận nguôi dần và tôi ngồi xuống, không nói thêm lời nào. Vài giây sau, anh đến ngồi cạnh và nói: “Anh xin lỗi. Từ lần sau anh sẽ không bày thêm việc để em phải bận nữa. Anh không biết làm gì, nếu cần, em cứ nhắc anh”. Ba chữ “em yêu anh” như nói thay tôi: “Chúng ta hãy dừng lại đi, đừng làm tổn thương nhau nữa vì chúng ta còn yêu thương nhau”.

HÀI HƯỚC TRONG TRANH CÃI

Theo một nghiên cứu của trường Đại học California tại Berkeley, các cặp vợ chồng trêu chọc nhau nhẹ nhàng khi tranh cãi có cảm giác yêu nhau hơn sau khi xung đột qua đi. Tiếng cười, lời bông đùa đúng lúc có thể làm dịu căng thẳng và đẩy lùi mâu thuẫn. Bạn có thể tạo sự hài hước bằng cách: Đưa ra nhận xét tiêu cực về bản thân mình, thể hiện cho đối phương biết bạn là người thua cuộc, rất tự ti như: “Em đúng là con mèo ngốc” chẳng hạn.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN ĐỤNG ĐẾN KHI ĐANG CÃI CỌ VỚI CHỒNG

Đàn ông có lòng tự trọng và tính sĩ diện cao, vì thế bạn tránh nói những câu có thể chạm vào cái tôi của họ. Thứ nhất, đừng bao giờ bảo chồng là “ngu ngốc”, “đầu óc chậm phát triển”. Thứ hai, khi tranh cãi, bạn không nên dọa ly hôn, bỏ đi, trừ khi bạn đang thực sự có kế hoạch như vậy. Một số ông chồng nóng giận sẽ gắt lên: “Đi ngay đi” và lúc đó bạn sẽ thấy mình tổn thương nhiều hơn. Ngoài ra, bạn nên tránh đề cập đến những vấn đề của anh như về trọng lượng cơ thể, hoạt động tình dục, so sánh anh với người cũ hoặc chồng người khác. Đặc biệt, nhiều người vợ còn nói chồng “mất dạy”, “giống hệt tính mẹ anh”… Cách nói này như cái kim xuyên vào người khiến anh sẵn sàng vùng lên bảo vệ người thân, quay mặt lại với bạn.

Bây giờ thì bạn biết vợ chồng cãi nhau nên làm gì rồi chứ? Hãy cứ tranh luận nhưng bạn cần điều khiển cảm xúc đi theo chiều hướng tích cực nhé.

Bài: NTH 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua