Gian hàng nào nên để ở ngay cửa ra vào và sản phẩm nào nên để ở tận bên trong? Nghiên cứu tâm lý mua sắm và khảo sát doanh số đã dẫn đến việc hình thành “công thức” sắp xếp cửa hàng để đảm bảo thu hút khách hàng, làm cho khách di chuyển qua nhiều quầy hàng và mua nhiều món có thể ngoài dự định.
CHÀO ĐÓN: KHƠI DẬY CÁC GIÁC QUAN
Hầu hết cửa hàng tạp hóa đều thu hút khách hàng mua sắm bằng cách tác động mạnh vào các giác quan của họ ngay khi khách bước vào cửa hàng. Lối vào được thiết kế đầy gọi mời và tập trung những gian hàng kích hoạt tuyến nước bọt như:
Bánh: Mùi thơm hấp dẫn từ các món bánh sẽ khiến khách cảm thấy đói và tâm trạng này thúc đẩy họ mua sắm nhiều hơn.
Rau củ quả: Màu sắc tươi mát của rau củ quả tạo cảm giác vui mắt và khuyến khích khách mua nhiều hơn.
Hoa: Hoa nâng cao hình ảnh của cửa hàng qua sắc màu tươi sáng và mùi hương dễ chịu.
Những món hàng trên tạo ấn tượng là cửa hàng cung cấp toàn những sản phẩm tươi mới và khiến khách tin tưởng.
PHÍA TRONG DÀNH CHO CÁC MÓN THIẾT YẾU
Bạn khó có thể vào và ra thật nhanh ở một cửa hàng tạp hóa. Lý do là người bán sắp xếp những món thiết yếu khách thường mua như trứng, thịt, sữa… ở phía trong cùng. Để lấy được chúng, khách phải đi qua nhiều gian hàng hấp dẫn khác và thông thường là sẽ lượm thêm vài món vốn không có trong danh sách mua sắm.
DẪN KHÁCH ĐI THEO NHỮNG ĐƯỜNG VÒNG BAO QUANH
Những người kinh doanh bán lẻ đều muốn giữ chân khách trong cửa hàng của mình càng lâu càng tốt. Chính vì vậy, họ sắp xếp quầy hàng sao cho tạo thành nhiều lối đi quanh co trong cửa hàng, càng nhiều càng tốt. Mục đích là để khách phải dạo quanh khắp cửa hàng. Trên những vòng bao quanh chiến lược này chắc chắn sẽ có vài “chốt chặn” mà khách hàng không thể bỏ qua.
CÁCH TRƯNG BÀY KỆ
Cách sắp xếp hàng hóa trên kệ cũng thu hút khách hàng và có ảnh hưởng lớn đến thói quen mua sắm của khách
• Kệ dưới cùng: Những sản phẩm không có thương hiệu và các món cồng kềnh thường được xếp ở vị trí ngoài tầm nhìn này. Người bán biết rằng những vị khách tiết kiệm sẽ chịu khó tìm kiếm.
• Kệ trên cùng: dành cho các thương hiệu nhỏ và ở địa phương.
• Kệ giữa: Đây là vị trí của tâm điểm chú ý, vì vậy được ưu tiên cho các thương hiệu hàng đầu.
• Kệ cho trẻ em: đặt ngay tầm mắt của trẻ và trẻ có thể với tới.
Tập trung nhiều hàng ở các lối đi ở giữa
Các lối đi ở khu vực trung tâm là trái tim của bất cứ cửa hàng tạp hóa nào và là nơi tập trung phần lớn hàng hóa thông dụng. Khu vực này cũng được sắp xếp với dụng ý để khách mua những sản phẩm đắt tiền.
BẢO LONG
Mục Gia đình – Tài chính / Tiếp Thị Gia Đình