Công việc của nghệ nhân Trương Đào hiện nay là làm đẹp cho tất cả mọi người, từ người thường cho đến các anh chị em nghệ sĩ, người mẫu… Ai có nhu cầu làm đẹp tôi đều sẵn lòng phục vụ. Đặc biệt là khi trang điểm cho cô dâu và hai họ. Gương mặt họ rạng rỡ, ánh lên niềm hạnh phúc đem lại cho tôi một cảm giác vô cùng khó tả, vừa yêu, vừa thích và tự hào. Mỗi lần thấy một mẫu quảng cáo nào được phát lên ti-vi hay hình trên các tạp chí… những lúc nhìn thấy thành quả lao động nghệ thuật của mình được ghi nhận và ghi dấu, cũng khiến tôi tự hào gấp bội.
Nghệ nhân Trương Đào và cái duyên với nghề làm đẹp
Thật ra, tôi đến với nghề cắt tóc trước khi trang điểm. Khi tôi bước vào con đường làm tóc, nghề này tại Việt Nam còn chưa phát triển. Thời đó, đây không phải là nghề nghiệp đắt giá và cũng chẳng được sủng ái. Bởi đơn giản, lúc đó đời sống chưa cao, nhu cầu làm đẹp chưa nhiều. Đi ra đường, đi tiệc hay đi chơi, các cô gái chỉ cần cắt, sấy tóc cho đẹp rồi thoa chút son, điểm chút má hồng là đủ.
Tôi đi học nghề không lương, chỉ có thu nhập thêm từ khoản tiền boa của khách. Vốn đam mê và muốn có thêm thu nhập nên tôi học rất chăm chỉ và chu đáo với khách hàng. Thấy được tính cách đó nên sư phụ rất tin tưởng và yêu thương, thi thoảng còn giao tôi cắt chính.
Cũng vì thương mến, sư phụ dạy tôi làm móng, cho tôi thêm cái nghề nữa mà không tính phí.
Có một lần, sư phụ đưa tay chân cho học trò thực tập. Hai cô trò nói chuyện say sưa đến nỗi tôi cắt làm chảy cả máu. Vậy mà sư phụ chẳng rầy tiếng nào, lại còn đùa rằng: “Ôi, thôi chứ, đừng thấy tui hổng nói rồi định gỡ móng tui luôn à!”. Thế là hai cô trò cùng cười.
Ngày nhập môn, tôi học được nghề làm tóc và làm móng. Bới tóc, tạo kiểu là nghề phụ tôi được học hỏi thêm từ tiệm của chồng sư phụ. Tôi nhớ ở đó có anh thợ chính rất giỏi.
Một lần phụ mang đồ ra tiệm, anh đã dạy cho tôi đúng một kiểu thắt bím xương cá đơn giản. Đó chính là kiểu tóc tôi được học bài bản và cũng là nền tảng để tôi tìm tòi, tự làm ra nhiều kiểu như bím số 8, bím non, bím dạng vòng… Vậy là tôi đã có kha khá kiến thức làm tóc. Nhưng ra riêng mở tiệm như vậy vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ để sống và trụ được với nghề, mình cần phải đa năng hơn nữa.
Nghệ nhân Trương Đào không ngại học hỏi và trau dồi tay nghề bằng cả đam mê
Sau khi hoàn thành khóa học và trau dồi thêm nghề ở tiệm sư phụ khoảng 2 năm, tôi đã đăng ký học trang điểm một tuần ở trường sân khấu. Vì yêu nghề, tôi chủ động học thêm nhiều trên các tạp chí, sau này là mạng Internet về các kiểu trang điểm, hóa trang tạo hình… để thêm kinh nghiệm cho mình.
Nhờ biết ba trong một nên từ khi có điều kiện mở tiệm riêng, khách hàng đến cắt, uốn, tạo kiểu; trang điểm cô dâu, đi tiệc rất nhiều.
Các bạn trẻ cũng đến xin học và có những khách gắn bó với tiệm của tôi đã hơn một thập kỷ. Chính vì thông thạo trang điểm, thắt bím và tạo kiểu tóc nên các công ty cũng thích đặt lịch cho các công việc như event, quảng cáo. Đặc biệt là cô dâu, vì họ tin tưởng vào tay nghề của mình. Thêm nữa, tôi thạo cả ba bước nên giúp các nàng dâu tiết kiệm khá nhiều chi phí trang điểm, làm đẹp trong hôn lễ.
Bước ngoặt nghề nghiệp của tôi bắt đầu khi quen biết anh Xuân Huy, một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng. Anh thân thiết với tôi nên hay đến tiệm chơi. Một lần đến, anh rủ tôi cùng tham gia chụp hình cho các tạp chí, chương trình quảng cáo. Tôi gắn bó với anh một thời gian. Cả hai là cộng sự rất ăn ý trong nghề.
Được một thời gian, anh Xuân Huy khuyên tôi nên đi học nâng cao tay nghề. Anh nửa đùa nửa thật: “Mấy bạn trẻ bây giờ làm đẹp quá trời lại còn khéo tay nữa. Em không nâng cao tay nghề coi chừng theo không kịp đó”. Khi ấy, tôi nghĩ mình làm nghề lâu rồi mà phải đi học lại, cũng hơi tự ái…
Tôi về kể cho ông xã nghe. Hiểu vợ, anh mua rất nhiều băng đĩa hướng dẫn về cho tôi tự học. Sau khi xem, tôi quá thích nên quyết định đăng ký học ở một trung tâm đào tạo của Hàn Quốc. Lúc này tôi mới biết thêm nhiều kỹ thuật trang điểm cũng như kỹ năng thao tác.
Tất nhiên, trong quá trình làm nghề, tôi gặp không ít tai nạn nghề nghiệp. Một lần đi trang điểm đám cưới, tôi bê nguyên những gì vừa học được; ứng dụng lên tân lang tân nương. Kết quả, khuôn mặt chú rể quá sắc nét, gãy gọn, lên hình mất hết nam tính; trông không khác gì nghệ sĩ lên sân khấu.
Nghề này là vậy, bạn học một kho kiến thức nhưng khi bước vào thực tế; bạn phải linh động để phù hợp với từng vị khách. Chẳng hạn, khi trang điểm cho nhân vật nội trợ; văn phòng, tôi chú trọng vẻ đẹp tự nhiên. Khi trang điểm cô dâu, tôi lại chọn vẻ đẹp thanh tao, nhẹ nhàng. Cũng vì thế, tôi thỏa thích sáng tạo, mang đến nhiều biến tấu làm đẹp mới cho khách hàng.
Công việc trang điểm, làm tóc, làm móng nghệ thuật không quá khó nhưng cũng chẳng hề dễ dàng. Sau hơn 2 thập kỷ làm nghề, tôi vẫn vẹn nguyên niềm đam mê; sự phấn khích được làm đẹp cho đời, cho người.
Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn giúp ai đó làm đẹp; nhìn họ tự tin, rạng rỡ hơn với diện mạo sau trang điểm. Với tôi, đó mới là điều níu giữ tôi lại với nghề.
Bí quyết thành công của nghệ nhân Trương Đào
Với nghệ nhân Trương Đào, điều tiên quyết để thành công với nghề là phải am hiểu rõ kỹ thuật trang điểm; để có thể xử lý trong từng tình huống, từng trường hợp; và từng nhân vật trong những vai trò khác nhau. Để theo nghề lâu dài, quan trọng nhất phải luôn bắt kịp trào lưu, xu hướng makeup mới.
Nghệ nhân Trương Đào chia sẻ với nghề trang điểm, đừng tiếc rẻ, đừng ham lợi mà phải đầu tư mỹ phẩm tốt để “sản phẩm” được chất lượng. Tốt ở đây là tốt về chất lượng chứ không phải xa xỉ; để cân bằng trong thu nhập bản thân và cũng không quá đắt; để khách hàng có thể thoải mái tìm đến mình trong mọi dịp cần làm đẹp.
Bên cạnh đó, để tồn tại bạn phải có một tình yêu sâu sắc với đam mê. Trước kia theo nghệ nhân Trương Đào thì nghề này chưa phát triển thì ít người theo, ít cạnh tranh; nhưng bây giờ làm đẹp là xu hướng, là điều kiện của cuộc sống. Đặc biệt đây là nghề không chỉ dành riêng cho phụ nữ. Nam giới trang điểm rất khéo nên mình cần phải cố gắng để tạo được chỗ đứng riêng của mình.
Bài: Bảo Uyên
Tiếp Thị Gia Đình