Dự trù ngân sách khi chuyển việc

Việc bạn chuẩn bị khi chuyển việc hoặc muốn tu nghiệp đều sẽ tác động mạnh đến tài chính cá nhân. Bạn đã dự phòng các tình huống này chưa

Các chuyên gia thường khuyên bạn phải chuẩn bị nguồn ngân sách dự phòng và cho những biến cố trong cuộc đời như bị bệnh, lập gia đình, có con cái. Song, có một loại ngân sách mà nhiều người không để tâm chuẩn bị đó là ngân sách cho khi chuyển việc. Dưới đây là năm kế sách TTGĐ mách bạn để dự phòng những biến động trong sự nghiệp, dù đó là chuyển việc hoặc nghỉ việc hay bị cắt giảm thu nhập.

QUAN SÁT TOÀN DIỆN

Trước lúc quyết định chấp nhận vị trí mới trong công việc, khi chuyển việc hay nghỉ việc, hãy suy nghĩ việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu nhập hàng tháng của bạn. Bạn đừng chỉ tập trung vào tiền lương mà hãy xem xét thêm các khoản khác như chăm sóc sức khỏe, tiền học của con (nếu có), tiền mua sắm, đặc biệt là phương thức di chuyển, tiệc xã giao với đồng nghiệp sẽ tác động đến ngân sách.

THƯƠNG LƯỢNG – ĐÀM PHÁN

Dù thay đổi thế nào trong sự nghiệp, bạn cũng hãy làm tất cả những gì có thể để đạt được mức thu nhập cao nhất trong trường hợp đó. Nếu bạn dự định xin việc mới hay được thăng chức, hãy tham khảo về mức lương cao nhất cho vị trí đó trên thị trường và thương lượng để đạt được mức phù hợp nhất. Trong trường hợp bạn được tăng lương hay thăng chức bất ngờ, nếu công sức của bạn đóng góp nhiều hơn ở vị trí mới, hãy yêu cầu mức lương cao hơn.

ngan-sach-chuyen-viec-001

THAY ĐỔI CHI TIÊU VÀ TIẾT KIỆM

Nếu được thăng chức hay xin việc mới, đời sống của bạn sẽ có nhiều thay đổi như có những mối quan hệ mới, cách thức di chuyển mới. Hãy xem những thay đổi đó là gì và đâu là ưu tiên nhất.

Nếu bị giảm thu nhập, bạn phải duy trì tiết kiệm cho việc hưu trí sau này và trường hợp bất trắc. Hãy cắt giảm những chi tiêu không cần thiết như không mua điện thoại đời mới, hạn chế ăn tiệm.

KẾ HOẠCH CHO KHOẢNG CÁCH THU NHẬP

Thông thường, thay đổi trong công việc sẽ đem lại những khoảng cách về thu nhập giữa hai thời điểm.

Nếu được tăng lương, tăng thu nhập, bạn có thể nghĩ đây là vận may. Rõ ràng đây là điều tốt và đáng mừng, nhưng bên cạnh đó nó dễ khiến bạn sa đà vào lối sống dễ dàng trong chi tiêu. Tức là bạn thường thoải mái hơn trong các khoản chi tiêu, mua sắm, đi ăn hay các thú giải trí khác. Đây là việc mà bạn hoàn toàn xứng đáng tận hưởng vì những nỗ lực của mình, nhưng phải chắc chắn các chi tiêu và lối sống mới ở trong chừng mực, không vượt quá thu nhập có được.
Nếu thu nhập bị giảm, đời sống của bạn sẽ khó khăn và eo hẹp hơn. Lúc này, việc cần kíp là bạn phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết, song bạn sẽ ao ước: “Ước gì mình có ngân quỹ dự trù sẵn để dùng cho những dịp như thế này thì tốt biết bao”.Bạn sẽ có thêm thời gian đệm để dễ dàng thích nghi, không gặp cú sốc trong các quyết định liên quan đến tài chính.

Theo các chuyên gia tài chính, bạn hãy luôn có một quỹ dự phòng tương đương 6 tháng chi tiêu cần thiết. Nó sẽ giúp bạn cân bằng cuộc sống khi chuyển việc nói riêng và có biến động trong công việc nói chung. Bạn đã có quỹ này chưa? Nếu chưa, hãy lập quỹ ngay bây giờ, bạn nhé!

Bài: Uyên Hồ
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua