Chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài viết liên quan đến cơ thể, đặc biệt là ngoại hình. Chẳng hạn như: “Chế độ ăn kiêng hiệu quả”, hay “Tác hại của việc béo phì”. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hai phong trào toàn cầu “Body Positivity” và “Body Neutrality”.
Body Positivity là gì?
Body positivity – tạm dịch là Tích cực với cơ thể – là phong trào hướng đến việc yêu quý cơ thể của mình dù ở bất kỳ hình thái nào. Body positivity khuyên bạn nên yêu lấy bản thân kể cả khi nó tồn tại những khuyết điểm.
Một thân hình mảnh mai, nhỏ gọn là chuẩn mực của vẻ đẹp suốt nhiều thập kỷ. Văn hóa “gầy” này nhanh chóng dẫn đến sự tự ti, trầm cảm, nghiện rượu và rối loạn ăn uống đối với một số người. Một số trường hợp trở nên xấu hổ, thậm chí bị bắt nạt vì “thừa cân”. Điều này chính là sự nguyên nhân thuật ngữ “body positivity” ra đời.
Phong trào body positivity bắt đầu nổi lên khoảng năm 2012. Mục đích là để chuyển các tiêu chuẩn vẻ đẹp không thực tế sang một cách tiếp dễ tiếp cận hơn.
Cơ thể có muôn hình vạn trạng. Chiều cao thấp hay sự xuất hiện của những nếp nhăn là chuyện bình thường. Việc ăn kiêng khắt khe hoặc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ đều không tốt cho sức khoẻ. Thay vào đó, hãy yêu lấy cơ thể dù nó như thế nào đi chăng nữa.
Body positivity: “tích cực” hay “tích tụ tiêu cực”?
Tuy nhiên, phong trào này ngày càng đi lệch so với mục đích ban đầu và vấp phải chỉ trích.
Một số người cho rằng body positivity đã ủng hộ một văn hoá không lành mạnh. Phong trào này cho phép mọi người coi thường các biến chứng y tế đi kèm với căn bệnh béo phì.
Béo phì có liên quan đến bệnh tiểu đường và bệnh tim. Điều ngạc nhiên là nhiều người ủng hộ lối sống body positivity lại chỉ trích nghiên cứu này. Họ cho rằng béo phì không nên được xem là một căn bệnh. Nó là sự lựa chọn ngoại hình của họ.
Mặt khác, một nhóm người ủng hộ body positivity lại có dấu hiệu ám ảnh về vẻ ngoài. Họ lao vào luyện tập cường độ cao và thực hiện chế độ ăn kiêng nguy hiểm. Nguyên nhân là do họ bị áp lực trong việc phải yêu lấy cơ thể mình.
Là con người, chúng ta có nhiều thứ phải quan tâm và ngoại hình chỉ là một trong nhiều khía cạnh của sự tồn tại. Vẻ ngoài không xác định chúng ta là ai trong xã hội này.
>> Xem thêm: Càng lạc quan, bạn sẽ càng khỏe mạnh
Phong trào Body Neutrality xuất hiện
So với body positivity thì body neutrality lại mang một quan điểm khác. Tạm dịch là phong trào “chấp nhận cơ thể”.
Body neutrality chuyển suy nghĩ tiêu cực về cơ thể sang trạng thái trung lập, không yêu không ghét. Thuật ngữ này xuất hiện khoảng năm 2015 khi các blogger, người nổi tiếng và huấn luyện viên sức khoẻ ủng hộ phong trào này. Mục đích nhằm tách biệt mối liên hệ giữa ngoại hình và giá trị bản thân.
Body neutrality thúc đẩy việc chấp nhận cơ thể của hiện tại, nhận ra khả năng đặc biệt của nó thay vì chú tâm vào vẻ ngoài.
Ví dụ, cơ thể bạn có thể chạy, xách túi hàng tạp hóa, ôm những người thân yêu và đưa bạn đến nhiều nơi trên thế giới. Cơ thể của bạn có thể làm những điều tuyệt vời!
Body neutrality không có nghĩa là bỏ mặc cơ thể của bạn. Trái lại, nó giúp bạn chấp nhận, hài lòng, nhìn nhận những điều cần cải thiện. Từ đó xây dựng những bài tập, những chế độ phù hợp để chăm sóc cơ thể tốt hơn.
Tại sao không áp dụng cả hai?
Bạn có thể yêu quý cơ thể của mình, bất kể hình dạng hay kích thước. Đồng thời, đừng quên đánh giá cao những điều tuyệt vời mà cơ thể bạn có thể làm được.
Thực hiện body positivity để tự tin hơn trong cuộc sống. Đi kèm với body neutrality để không rơi vào những ám ảnh về vẻ ngoài. Từ đó không còn phung phí thời gian lo lắng về cơ thể, phân tán sự chú ý vào những điều khác thú vị hơn đang xảy ra trong cuộc sống.
Tiếp Thị Gia Đình