Thực tế, học cách nói dối là một phần trong quá trình phát triển của một đứa trẻ. Vấn đề quan trọng là làm sao để bạn truyền tải thông điệp “tầm quan trọng của sự trung thực” đến trẻ một cách hiệu quả nhất. Từ tình thương yêu và sự kiên trì của người mẹ, bạn có thể giúp trẻ từ bỏ thói quen xấu nói dối mỗi ngày.
TẠI SAO BÉ NÓI DỐI?
Bé nói dối vì nhiều lý do, tùy thuộc vào hoàn cảnh và động lực của chúng. Trẻ có thể nói dối để:
− Che đậy một việc làm sai trái nào đó với hy vọng tránh hậu quả hoặc sự trừng phạt.
− Đơn giản là tò mò, muốn thăm dò, thử nghiệm xem phản ứng của cha mẹ như thế nào. Chẳng hạn như xem cha mẹ có phát hiện ra chúng đang nói dối hay không? Biết đâu cha mẹ sẽ tin răm rắp?
− Phóng đại một câu chuyện hoặc chỉ muốn gây ấn tượng với người khác.
− Nhằm gây sự chú ý, thậm chí ngay cả khi trẻ nhận thức được người nghe đã biết sự thật câu chuyện.
− Để đạt được những gì chúng muốn từ một người nào đó. Ví dụ, trẻ nói với bà ngoại: “Mẹ cho cháu được ăn sô-cô-la trước bữa tối”. Sự thật là mẹ không cho phép.
KHI NÀO THÌ BÉ BẮT ĐẦU NÓI DỐI?
» Trẻ học cách nói dối từ khi còn rất nhỏ, có thể từ ba tuổi. Lúc này, trẻ bắt đầu tìm hiểu thế giới xung quanh, đôi khi người lớn khó có thể biết được chúng đang nghĩ gì. Động cơ nói dối của trẻ ở độ tuổi này thường vì tránh khỏi rắc rối hoặc che đậy việc làm sai trái.
» Ở giai đoạn 4–6 tuổi, trẻ nói dối nhiều hơn và kỹ năng nói dối cũng điêu luyện hơn. Trẻ có thể dùng ngôn ngữ cơ thể như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho mỗi lần nói dối, như một diễn viên tài tình. Song, khi bị buộc phải giải thích rõ hơn, trẻ sẽ lúng túng, càng nói càng lộ chân tướng sự thật. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bốn tuổi thường có tần suất nói dối hai giờ một lần; còn trẻ sáu tuổi thì cứ 90 phút lại nói dối một lần.
» Đến tuổi đi học, bé nói dối dày đặc và thuyết phục hơn. Câu chuyện mà chúng bịa ra cũng công phu và phức tạp hơn. Một phần là nhờ vốn từ vựng của trẻ ngày càng phong phú, cộng thêm trình độ hiểu và đoán được suy nghĩ của người khác tương đối tốt.
» Tám tuổi, trẻ có thể nói dối mà không bị phát hiện.
LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN BÉ NÓI DỐI?
♦ Hãy thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực trong chính gia đình của bạn.
♦ Bạn nên thường xuyên nói với trẻ rằng, cha mẹ luôn đánh giá cao những lời nói thật và không thích con nói dối. Thi thoảng, bạn hãy thử nói: “Khi con không cho biết sự thật, ba mẹ sẽ cảm thấy rất buồn và thất vọng”.
♦ Bạn kể hoặc cho trẻ đọc những cuốn sách, những câu chuyện nêu cao tinh thần, tầm quan trọng của sự trung thực. Truyện ngụ ngôn “Chú bé chăn cừu” là một câu chuyện giúp con bạn nhận ra rằng nói dối có thể làm hại tới chúng.
♦ Tốt hơn cả là dạy cho trẻ hiểu giá trị của việc nói thật thay vì la mắng, trừng phạt trẻ nói dối. Hãy khen ngợi mỗi khi trẻ nói thật, dù đôi lúc phải mất thời gian dài để đạt được điều này.
“MẸO” KHUYẾN KHÍCH TRẺ TRUNG THỰC
Giúp con tránh khỏi tình huống buộc chúng phải nói dối. Chẳng hạn, khi thấy con làm đổ sữa, nếu bạn hỏi: Có phải con làm đổ sữa không? Sợ gặp rắc rối, trẻ sẽ có xu hướng chối là không. Để tránh tình trạng này, bạn có thể nói: Ồ, đó chỉ là một tai nạn. Con mau lấy khăn lau sạch đi.
Cố gắng tránh gọi con là kẻ nói dối. Việc gán biệt danh như thế sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ. Thậm chí, trẻ còn tin rằng chúng là một kẻ nói dối nên sẽ giữ tính tiêu cực này và tiếp tục không trung thực.
Tiếp Thị Gia Đình