Một đứa trẻ ngoan sẽ dễ dàng trở thành một học sinh ưu tú ở trường công. Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: PetroTimes
Dễ dàng thấy rõ hiện nay, trường công lập chia ra nhóm có thương hiệu và nhóm “nghe nói” có thương hiệu.
Những trường tư thục chất lượng đã có bề dày hoạt động thì cạnh tranh đầu vào gay gắt, trong khi một số trường mới chưa được khẳng định về thương hiệu. Trường quốc tế, trường song ngữ hoặc tư thục chất lượng lại có mức học phí khá cao.
Dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về định hướng của nhà trường thay vì chạy theo xu hướng, lựa chọn môi trường phù hợp cho con… là góp ý của các chuyên gia giáo dục
Không chọn trường theo sự “nghe đồn”
Th.S Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành trường tiểu học song ngữ Brendon, khuyên: Phụ huynh nên tạm quên chuyện chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp về tài chính, bởi nuôi con là chặng đường dài. Phụ huynh cần tránh tự tạo sức ép cho nhau bằng cách theo phong trào, trường thương hiệu yếu hơn không phải là nỗi lo sợ. Một điều quan trọng, để chọn đúng trường, phụ huynh cần đến tận trường để cảm nhận chính xác về không gian giáo dục ấy, đừng đổ xô vào trường điểm chỉ vì nghe đồn.
Còn với Th.S giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, Hiệu trưởng hệ thống trường mầm non Just Kids, việc chọn trường phù hợp còn liên quan tới tính cách, đặc điểm của trẻ: “Một đứa trẻ quá nghịch ngợm, tăng động, không nên cho vào trường công vì với một lớp học quá đông học sinh, cô sẽ “ghét” do không xử lý được. Trẻ sẽ trở nên cá biệt trong môi trường đó. Trong khi đó, cũng trong nhà trường công lập, một đứa trẻ ngoan sẽ dễ dàng trở thành một học sinh ưu tú. Một ví dụ dễ thấy là nếu như ở các cấp học dưới có thể trẻ ở trường công, tư đều có kết quả học tập sàn sàn như nhau, nhưng lên đến các cấp học cao hơn, ở các kỳ thi quốc tế, những em đạt kết quả xuất sắc nhất bao giờ cũng là học sinh trường công lập, và thường là các em chăm, ngoan từ nhỏ”.
Tìm hiểu kỹ về định hướng của nhà trường thay vì chạy theo xu hướng
“Một gia đình không có tích lũy, đầu tư quá nhiều cho việc học của con là mạo hiểm. Khi quá sức về tài chính, sẽ đến lúc bố mẹ phải cắt giảm đầu tư, con bị chuyển xuống môi trường giáo dục có chất lượng kém hơn. Tôi không lo ngại khả năng thích nghi của trẻ, nhưng thay đổi định hướng giáo dục (chẳng hạn từ môi trường đa dạng, chú trọng vui chơi và tinh thần, sang môi trường chỉ biết điểm số) luôn tạo ra ảnh hưởng không tốt, thậm chí hạn chế rất nhiều đến sự phát triển lâu dài của trẻ”, ông Hoàng Tùng phân tích.
Ngoài ra, chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp đầu cấp, tức là phụ huynh cũng phải xác định bản thân mình cần dành thời gian học cùng con. Nhiều cha mẹ hay than thở bận quá nhiều việc. Nhưng theo ông Việt Hùng so sánh “nếu như đọc 1.000 trang sách với tốc độ trung bình sẽ mất khoảng 1.000 phút, quãng thời gian này = 8 trận bóng đá = 16 tập phim = 5 trận tennis = vài lần đi spa. Bớt thời gian cho thú vui riêng của mình, bạn sẽ có thời gian đồng hành với con, khi con chập chững bước vào môi trường mới”.
Tổng hợp