Trên thị trường nệm hiện có khá nhiều sự lựa chọn như nệm lò xo, nệm cao su, nệm bông ép… Vài năm gần đây xuất hiện một dòng sản phẩm mới là nệm foam. Đây là một loại nệm tổng hợp nhưng có thể đặt ngang hàng cùng nệm cao su. Nếu chưa biết rõ về nệm foam, hãy cùng tìm hiểu với TTGĐ nhé!
Foam là gì?
Foam còn được gọi là bọt xốp hay mút. Đây là chất liệu có trọng lượng tương đối nhẹ; được tạo ra bởi các bọt khí hay bọt gas tỏa ra từ một chất lỏng hoặc chất rắn. Hầu hết các chất liệu foam hiện nay được cấu thành chủ yếu bởi các chất polyol, polyisocyanate, nước và các hóa chất khác.
Đặc trưng của foam là độ dẻo dai, khả năng ôm sát và bảo vệ cơ thể khỏi tác động của trọng lực. Chính bởi thế, foam được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nệm trên ghế ô tô; đồ nội thất đến lớp cách nhiệt/cách âm dán tường và đặc biệt là những chiếc nệm nằm.
Các nhà sản xuất đã và đang ra mắt nhiều loại nệm foam đa tầng; kết hợp 2-3 loại foam cùng các công nghệ phụ trợ độc quyền để tối ưu công năng chiếc nệm. Từ đó, khách hàng có nhiều sự lựa chọn cho giấc ngủ ngon mỗi đêm.
Phân biệt các loại foam phổ biến
Memory foam
Memory foam được mệnh danh là nữ hoàng của các loại foam bởi đặc tính mềm mại, êm ái. Tuy nhiên, khả năng đàn hồi lại khá thấp. Cụ thể, khi bạn ấn tay vào memory foam và thả ra; phải mất vài giây sau đó bề mặt mới trở lại hình dạng ban đầu. Do đặc điểm “ghi nhớ” này mà chất liệu này được đặt tên là memory foam.
Memory foam khá lý tưởng cho những ai có thói quen nằm ngủ nghiêng hay muốn giảm áp lực lên các khung xương.
PU foam
Polyurethane Foam hay còn được gọi là PU foam. Thực chất, PU foam là memory foam kết hợp với một vài chất phụ gia khác. Từ đó thay đổi các đặc tính như độ dẻo dai và độ đàn hồi.
Bên cạnh đặc tính nổi bật tương tự như nệm memory foam, nệm PU foam có khả năng cách nhiệt đáng kinh ngạc được giới chuyên môn đánh giá cao. Nó được xem là một trong những vật liệu cách nhiệt tốt nhất thế giới. Còn được gọi là foam chống cháy.
HR foam
Trái ngược hoàn toàn với memory foam, HR foam (high-resilience) khá cứng nhưng sở hữu độ đàn hồi cực tốt. HR foam còn có tên gọi khác là latex-like vì nguyên liệu chính để tạo nên là polyurethane – một loại mút xốp mô phỏng lại các đặc tính của cao su tự nhiên nhưng có trọng lượng nhẹ hơn.
Các tấm nệm chất liệu HR foam mang lại cảm giác rắn chắc và đàn hồi tốt. Đây là loại nệm rất thích hợp cho những người có thói quen nằm ngửa.
Hybrid foam
Hybrid foam là chất liệu lai giữa Memory foam và HR foam. Loại foam này sở hữu độ nảy và khả năng đàn hồi cao hơn một chút so với memory foam; đồng thời lại có khả năng làm giảm áp lực của cơ thể hơn HR foam. Đây là sự kết hợp tốt nhất của các loại nệm foam.
Hybrid foam cũng là chất liệu đem lại cảm giác thoải mái cho người nằm. Nó có tính phản hồi nhiệt. Nghĩa là khi mặt nệm bị nóng lên do nhiệt độ cơ thể, tính đàn hồi của nó sẽ cao hơn.
Ưu và nhược điểm của nệm foam
Ngoài các đặc tính êm ái, đàn hồi, nâng đỡ cơ thể tương tự như nệm cao su; nệm foam có ưu điểm vượt trội về trọng lượng. Nệm foam nhẹ hơn rất nhiều so với nệm cao su hay nệm lò xo. Chính vì thế rất dễ dàng để di chuyển, vệ sinh, phơi nệm.
Lợi thế của nệm foam là mức giá “dễ chịu” hơn so với nệm cao su. Nhiều người tiêu dùng thường mách nhau rằng nếu bạn không đủ điều kiện tài chính để sắm một chiếc nệm cao su thiên nhiên; nệm foam là sản phẩm thay thế hoàn hảo. Thậm chí, nệm foam còn “ghi điểm” vì chất liệu này không hề gây mùi.
Tuy nhiên, nhược điểm của nệm foam là tuổi thọ ngắn, khoảng 7 – 10 năm. Nó chỉ cao hơn tuổi thọ của nệm bông ép. Trong khi đó, nệm lò xo có tuổi thọ 10 – 15 năm, nệm cao su có tuổi thọ trên 30 năm.
Do đặc thù chất liệu, cấu trúc foam trong nệm có mật độ cực kỳ dày đặc khiến không khí khó lưu thông. Khi nằm ngủ, nhiệt tỏa ra từ cơ thể sẽ được foam hấp thụ và không kịp thoát ra ngoài. Điều này có thể ít nhiều gây nóng, nhất là ở khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã khắc phục điều này bằng cách thêm gel lạnh vào foam. Lớp gel này giúp điều hòa nhiệt độ của nệm trong suốt giấc ngủ dài.
Cân nhắc gì khi mua nệm foam?
Ngân sách
Chiếc nệm foam đơn thuần có giá thành “mềm” hơn nệm foam đa tầng kết hợp.
Kiểu ngủ
Một số loại nệm được thiết kế đặc biệt cho một số kiểu ngủ nhất định. Nếu bạn ngủ nghiêng, bạn sẽ thấy thoải mái với một tấm nệm mềm êm. Còn những người nằm ngửa và nằm sấp, chiếc nệm có kết cấu chắc chắn sẽ là lựa chọn phù hợp.
Thử nghiệm tại nhà
Hãy chọn thương hiệu cho bạn dùng thử nệm tại nhà. Bởi lẽ, khi đi mua nệm, việc trải nghiệm sờ nắn hoặc nằm thử tại showroom trong vài phút không cho bạn cảm nhận chính xác. Hãy ngủ thử với chiếc nệm trong nhiều đêm liên tục, bạn sẽ biết nó có thực sự dành cho mình hay không.
Bảo hành
Chế độ bảo hành là điều bạn cần quan tâm khi mua bất kỳ sản phẩm nào, không riêng gì nệm. Ngoài ra, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và điều kiện sử dụng sản phẩm.
Làm mát
Với khí hậu nóng ở Việt Nam, bạn nên cân nhắc loại nệm foam có tích hợp công nghệ làm mát; gel lạnh hoặc thiết kế đục lỗ thoáng khí.
Các chứng nhận an toàn cho sức khỏe và môi trường
Nệm foam có những chứng nhận sau đây rất đáng để bạn lựa chọn. Đó là Tiêu chuẩn Cao su hữu cơ toàn cầu (Global Organic Latex Standard – GOLS); Tiêu chuẩn Dệt may hữu cơ toàn cầu ( Global Organic Textile Standard – GOTS); CertiPUR-US, Oeko-Tex Standard 100.
Bài: NOU
Tiếp Thị Gia Đình