Năm hạn có xui không và làm sao để tránh?

Nếu cứ mãi suy nghĩ tiêu cực, lo lắng xem năm hạn có xui không, bạn sẽ thiếu động lực và không còn tâm trí đón nhận may mắn

Mồng hai Tết năm ngoái, mẹ chị Diễm Phương ở Hà Nội, cầm quẻ xăm đưa cho con gái, bảo: “Năm nay con 33 tuổi, sao xấu, hạn nặng lắm. Con ráng kế hoạch, đừng sinh đẻ cũng đừng làm việc gì lớn và ít ra khỏi nhà thì tốt hơn”.

Chị Phương cầm quẻ xăm, phân vân: Năm hạn có xui không nhỉ, nhưng rồi chị quên luôn. Một tháng sau, chị được thăng tiến và đến cuối năm, chị sinh con thứ hai. Hôm rồi, dọn lại tủ quần áo, chị vô tình thấy quẻ xăm, bèn đưa mẹ xem và cười nói: “Cũng may con quên chứ không giờ mẹ chẳng có Cún con để bồng”.

VÌ SAO LẠI CÓ NĂM XUI?

Tương tự như Việt Nam, người Nhật cho rằng năm hạn của nam giới rơi vào tuổi 25, 42, 61 còn phụ nữ là 19, 33, 37. Trong số đó, năm nhiều rủi ro nhất ở nam là tuổi 42 và ở nữ là tuổi 33. Logic đằng sau niệm năm xui tháng hạn này đến từ các từ đồng âm của Nhật Bản. Số 42 trong tiếng Nhật đọc là shini, trùng với âm của từ tiếng Nhật có nghĩa là tử. Số 33 đọc là sanzan, trùng với âm của từ Hán có nghĩa là khủng khiếp.

Nhà sư Shinkai Murakami, thuộc Hội truyền giáo Wailuku Hongwanji, giải thích trên website của hội: “Theo quan niệm xưa, khi đến tuổi 13, một cậu bé được coi là người lớn và tuổi 42 là lúc người đàn ông về già. Đối với phụ nữ, họ kết hôn ở tuổi 12 và làm mẹ từ khi mới 14 tuổi. Sau khi có con, họ phải làm việc chăm chỉ, cực nhọc để lo cho gia đình. Và khi đến tuổi 33, thể chất, tinh thần của họ suy kiệt. Do đó, độ tuổi 42 ở nam và 33 ở nữ là lúc họ bị suy yếu và dễ mắc bệnh”.

TỐNG XUI XẺO RA KHỎI CỬA

Ông Shinkai Murakami kết luận: “Theo tôi, quan niệm cho rằng năm tuổi không may thực ra không đúng”. Thay vì lo sợ, tìm cách để xem năm hạn có xui không, ông khuyên mọi người hãy cẩn thận và nhận thức rõ về những điều đang xảy ra trong cuộc sống của mình: “Năm tuổi nhắc nhở chúng ta phải chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, không làm gì quá sức hay căng thẳng quá mức”.

Phòng thí nghiệm chống lão hóa ở Fukuoka, Nhật Bản, đã thực hiện cuộc khảo sát trên 2.000 người trong độ tuổi từ 30–69. Hơn 40% tin rằng mình có nhiều khả năng mắc bệnh trong năm hạn. 32% nói họ chọn cách chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn và 36% đi đến đền chùa để thực hiện nghi lễ thanh lọc giải hạn gọi là yakuyoke hay yakubarai.

nam han co xui khong va lam sao de tranh hinh anh 1

Đó là lý do vì sao trong những ngày đầu năm, ngôi đền Iwashimizu Hachimangu ở Yawata, Kyoto, Nhật Bản, luôn có nhiều người đến để thanh lọc, giải hạn, cầu cho mình năm mới bình an. Nhiều ngôi đền khác cũng đông đúc không kém như Nishiarai Daishi, Sano Yakuyoke Daishi…

Bạn cũng có thể đến chùa để tìm sự bình an, thanh thản, hóa giải những lo lắng quanh câu hỏi: năm hạn có xui không, nhưng đừng quá tập trung, hao tâm tổn trí về vấn đề này. Bạn cũng có thể chọn cách làm từ thiện để giảm vận hạn như một số người thường làm.

Bạn cũng có thể hành động giống 32% số người trong nghiên cứu ở Nhật: chăm sóc sức khỏe của mình thật tốt.

Sau cuộc khảo sát, phòng thí nghiệm ở Fukuoka đã đề xuất một tập hợp các năm hạn mới, giúp mọi người chủ động chăm lo sức khỏe của mình. Theo đó, ở nam giới là các độ tuổi: 24, 37, 50, 63 và ở nữ giới là 25, 39, 52 và 64.

Bài: Thiên Minh

Mục Sức khỏe tâm lý / TiếpThị Gia Đình

Đừng bỏ qua