Nghe mùi bánh chưng tỏa khắp gian bếp, lòng tôi lại nôn nao nhớ về những ngày Tết sum vầy bên gia đình… Cứ đến giáp Tết, ông nội tôi lại tỉa cành cho các cây ăn quả lâu năm trong vườn để lấy củi khô nấu bánh chưng. Mọi người làm bánh không chỉ để cho dịp Tết mà còn dành ra giêng mang đi làm đồng ăn nữa. Vì thế bánh phải gói chặt tay và nấu thật kỹ thì mới để được lâu mà không bị lại gạo.
Sau khi tiễn ông Táo về trời, cả nhà tôi quây quần bên khoảng sân gạch trước hiên để chuẩn bị gói bánh. Mỗi người một việc: mẹ đã dậy từ sáng sớm làm nhân, vo nếp; anh tôi trèo lên cây dừa ngoài bờ ao chọn vài tàu lá đẹp nhất để làm khuôn gói bánh. Tôi ra góc vườn cắt lá riềng, lá dong vào rửa sạch, lau khô. Lá dong để gói bánh còn lá riềng đem tước nhỏ rồi cho vào cối giã nhuyễn lọc lấy nước để ướp vào nếp. Nhờ có nước lá riềng này mà bánh chưng quê tôi luộc xong đều nhuốm một màu xanh thật ngon mắt từ trong ra ngoài. Đó chính là nét khác biệt của bánh chưng quê tôi so với các nơi khác. Cũng nhờ nước lá riềng mà bánh để được lâu hơn và không bị thiu. Thêm một điểm khác biệt nữa của bánh chưng quê tôi là khuôn lá dừa. Người quê tôi không dùng khuôn gỗ để định hình khi gói bánh mà dùng khuôn bằng lá dừa: những chiếc lá dừa xanh mướt được cắt gọn, gấp thành khuôn hình vuông vức. Nhờ các khuôn lá dừa này mà chiếc bánh chưng khi luộc sẽ ít bị bục góc và sau khi nấu chín mang lên ép cũng chịu lực tốt hơn.
Đêm xuống, trong cái lạnh se sắt của cơn mưa xuân, cả nhà tôi quây quần bên bếp lửa luộc bánh. Nồi bánh sôi lục bục là lúc những củ khoai, củ sắn được anh em tôi vùi trong than bắt đầu tỏa mùi thơm phức. Chúng tôi ăn khoai, sắn nướng và nghe mẹ ôn lại những ngày Tết đói khổ từ thời ấu thơ của mẹ, khi đất nước vừa qua chiến tranh. Thời ấy, cơm chưa đủ ăn, áo cũng không đủ mặc. Nhiều cái Tết không biết đến bánh chưng là gì. Lần nào kể nước mắt mẹ cũng giàn giụa chảy xuống ướt đẫm hai gò má xương xương khiến chúng tôi cũng ngậm ngùi theo. Mẹ bảo: “Mẹ kể chuyện này không phải là để ôn nghèo kể khổ với các con. Mẹ muốn các con biết rằng: Các con đang được sống trong những ngày ấm no, hạnh phúc hơn xưa. Hãy luôn trân trọng điều ấy các con ạ”.
Sau mười hai tiếng được ninh nhừ trong củi lửa, những chiếc bánh chưng xanh vuông vức đều tăm tắp được vớt lên ép cho khô nước. Lũ trẻ con chúng tôi lại háo hức dõi theo bàn tay mẹ mở từng sợi lạt, bóc từng tàu lá dong để chờ được thưởng thức miếng bánh đầu tiên. Đó là miếng bánh ngon nhất của cả năm bởi nó hội tụ đủ cả tinh hoa của đất trời cùng cỏ cây hoa màu. Tết đã về ngang ngõ. Mùi bánh chưng thơm phưng phức lan tỏa ấm áp khắp vườn nhà.
Bài: Lê Hoà
Mục Sống đẹp / Tiếp Thị Gia Đình