Mùa Vu Lan nói chuyện báo hiếu cha mẹ

Hẳn nhiên là hầu hết những người con đều khẳng định chắc nịch rằng mình yêu thương cha mẹ. Song, cách thể hiện lòng hiếu thảo đó như thế nào thì có nhiều điều mà mỗi người cần suy xét

Tuổi già có nhiều nỗi sợ và cần sự quan tâm của con cái hơn bao giờ hết. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Mới khoảng giữa tháng 5 Âm lịch, mẹ chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp ở Long An đã gọi điện lên TP. HCM giục giã con gái: “Mùa Vu Lan năm nay các con có về quê làm từ thiện nữa không? Mẹ hỏi để chuẩn bị cho kịp”.

Với đại gia đình của chị Điệp, việc chuẩn bị đón mùa Vu Lan bắt đầu rất sớm, thường là trước 1–2 tháng.

BÁO HIẾU THIẾT THỰC

20150820-mua-bao-hieu-vu-lan-pagodaĐi chùa, ăn chay, tham dự nghi thức cài hoa, cầu an, cầu siêu tại chùa… là những việc làm phổ biến trong mùa Vu Lan báo hiếu. Ít khi tham gia các hoạt động kể trên, gia đình chị Điệp đón mùa Vu Lan bằng cách về quê mẹ làm từ thiện, năm nay là mùa thứ ba.

“Sau khi tôi sinh con thứ hai, mẹ bảo: “Bây giờ, coi như con đã có được những phúc đức lớn nhất rồi. Con nên làm gì đó để tích phúc vững bền cho con, cho cháu”. Dịp đó cũng gần lễ Vu Lan, tự nhiên tôi nghĩ đến chuyện sẽ làm từ thiện ở quê. Quê tôi ở vùng sâu, vùng xa của Long An, nhiều người nghèo lắm. Vợ chồng tôi làm nhân viên văn phòng, thu nhập cả hai chưa đến 15 triệu đồng/tháng, nhưng chúng tôi thống nhất trích ra 15 triệu đồng để mẹ chuẩn bị khoảng 100 suất quà, phát cho những hộ khó khăn trong xã. Tôi không nghĩ làm từ thiện để cầu điều gì cho bản thân mà chỉ nghĩ điều đó sẽ làm cho mẹ vui lòng”, chị Điệp cho biết.

Nhớ về mùa Vu Lan, chị Điệp lại nhớ đến vẻ tất bật và niềm vui xen chút hãnh diện, tự hào của mẹ mỗi lần tự tay phát quà cho bà con nghèo ở địa phương. Chị kể: “Sát ngày rằm tháng Bảy, khoảng chiều thứ Bảy, vợ chồng tôi và hai con nhỏ lên xe đò về quê, chuẩn bị phát quà vào sáng Chủ nhật. Chúng tôi không phải làm gì cả vì mẹ đã một tay thu vén mọi việc. Mẹ liên hệ địa phương để tìm những hộ gia đình khó khăn, tỉ mẩn cắt phiếu thủ công, đánh số, ký tên lên phiếu phát cho người được nhận rồi đi mua gạo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn… chia thành từng phần và chất gọn vào góc nhà. Sáng hôm phát quà, mẹ thức dậy từ bốn giờ sáng để chuẩn bị đón bà con đến nhận quà.

Mẹ tôi bị sưng khớp, bình thường đi đứng rất khó khăn, đau đớn. Ấy thế nhưng hôm phát quà, tôi hỏi mẹ có mệt không thì mẹ luôn cười tươi bảo: Mệt gì mà mệt. Con còn bao nhiêu suất quà mẹ cũng phát được hết”.

Có một số người lại thích cầu an cho cha mẹ bằng việc phóng sinh. Chị Lệ Thủy, ở Q. 8, TP. HCM, không mua chim nhốt trong lồng để phóng sinh mà ra chợ tìm mẻ cá nhỏ nào còn sống thì mua rồi đem thả xuống sông. Nhìn cá tung tăng khi trở về với nước, lòng chị bình an và tin rằng, bao nhiêu “mạng cá” là bấy nhiêu phúc đức chị cầu được cho cha mẹ.

Bên cạnh việc phóng sinh, chị Thủy thường đưa mẹ đi chùa. “Từ khi phát hiện bị ung thư, mẹ tôi bỗng nhiên thích đi chùa. Có lẽ mẹ tìm được sự bình an khi đứng trước cửa Phật. Biết vậy, ngày rằm và mồng một nào tôi cũng thu xếp nghỉ phép nửa ngày về chở mẹ đi chùa. Còn trong tháng Vu Lan, tôi đưa mẹ đi ngày 14 và 15. Chỉ có vậy thôi mà mẹ bảo: “Con hiếu thảo nhất trong ba đứa con. Chị và em con bận bịu suốt, chẳng đứa nào chịu đưa mẹ đi chùa như con cả”.

Cô Nguyễn Thị Hải Đường, ở Q. Tân Bình, TP. HCM, nhớ buổi sáng rằm tháng Bảy năm trước, con trai cô cầm cả một tập vé số hơn 100 tờ tặng mẹ, giọng bông đùa: “Mẹ nhớ xem kỹ, lỡ trúng độc đắc đó nha”.

“Lúc đầu, tôi mắng con hoang phí và mê trò đỏ đen, nhưng khi con kể mua hết vé số vì “thương bà cụ già, nhìn hao hao mẹ” thì tôi cảm động đến rơi nước mắt”, cô kể.

Cô Đường chia sẻ: “Tôi có lương hưu, không yêu cầu bốn đứa con phải nuôi nấng, cung phụng. Tôi chỉ thích các con có thời gian về nhà đông đủ, để mẹ được… nấu cho bữa ăn ngon là thích rồi”.

BÁO HIẾU KHÔNG CHỈ CÓ MỘT NGÀY VU LAN

20150820-mua-bao-hieu-vu-lan-mother-daughterNgày Vu Lan trước nay được biết đến như lễ riêng của Phật giáo nên mức độ hưởng ứng còn giới hạn.

Bạn An Nhiên, ở Q. 3, TP. HCM, lý giải: “Mỗi tôn giáo thường có những ngày lễ khác nhau để con cháu tỏ lòng hiếu kính. Bên Thiên Chúa giáo chúng tôi có ngày mồng hai Tết để làm lễ báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tôi cho rằng ngày Vu Lan là lễ báo hiếu bên Phật giáo nên tôi không có hành động đặc biệt nào dành cho cha mẹ trong ngày này”.

Chị Thúy Anh, ở Q. 5, TP. HCM, thì quan niệm chuyện hiếu nghĩa nên thể hiện suốt 365 ngày trong năm chứ không chờ vào ngày nào, tháng nào mới thể hiện theo phong trào.

Nói về những quan điểm khác nhau trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, nhận định: “Ngày lễ Vu Lan là nét đẹp văn hóa của người dân Việt nhưng vẫn còn nằm trong phạm vi tôn giáo. Nếu nó có thể vượt ra khỏi phạm vi này để trở thành một dịp lễ chung cho mọi người cùng hưởng ứng thì sẽ lan tỏa tốt hơn. Tuy nhiên, hiếu thảo không phải chỉ có một ngày Vu lan mà nên là 365 ngày trong năm vì cha mẹ càng lớn tuổi càng cần sự quan tâm, chăm sóc của con cái nhiều hơn.

Mỗi giai đoạn cuộc đời, người ta có những nỗi sợ khác nhau. Càng về già, cha mẹ chúng ta càng có nhiều nỗi sợ như sợ bị bỏ rơi, sợ bệnh tật, sợ chết… và nỗi sợ lớn nhất là sợ mất quyền lực đối với con cái. Đó là lý do khi nghỉ hưu, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy không cam chịu cuộc sống dừng lại này. Với mong muốn tiếp tục được cống hiến cho gia đình, con cháu, cha mẹ bắt đầu quay về quá khứ đầy uy quyền, thích nói đi nói lại những lời khuyên bảo với con cháu về kinh nghiệm làm ăn, ứng xử, chăm sóc con cái… để cảm thấy mình vẫn còn có giá trị trong gia đình.

Tuy nhiên, bạn lại bận rộn bươn chải với cuộc sống và lo cho gia đình riêng. Khi cha mẹ cứ nói đi nói lại một chuyện, bạn có thể cảm thấy chán ngán, gắt gỏng và không quan tâm. Bạn càng không lắng nghe, cha mẹ càng cảm thấy mình “vô giá trị”, cảm thấy không ai cần mình nữa. Mâu thuẫn này chính là điểm mấu chốt khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mình yếu đuối, có những suy nghĩ lung tung, sống bên con cháu nhưng vẫn thấy cô đơn và không vui vẻ.

Như vậy, để hóa giải nỗi lo này, bạn nên tạo cơ hội để cha mẹ được chứng tỏ quyền lực của mình. Đơn giản nhất là bạn chịu khó lắng nghe, hưởng ứng ý kiến đúng của cha mẹ, trân trọng những đóng góp của cha mẹ đối với gia đình”.

Chị Tâm kể: “Có lần ba tôi ở Đồng Tháp gọi điện cho năm đứa con: “Tụi bay về cho ba biểu”. Dù chẳng biết chuyện gì nhưng ba gọi buổi sáng, buổi chiều các con đều tụ tập đông đủ ở nhà. Thấy con cái răm rắp nghe lời, ba tôi cảm thấy sung sướng và hãnh diện lắm. Năm nào cũng thế, ngày mồng một Tết, đại gia đình tôi đều ngồi quây quần, con cái trình với ba mẹ những kế hoạch sẽ làm trong năm tới và lắng nghe những góp ý của cha mẹ. Chỉ vậy thôi mà ba mẹ tôi lúc nào cũng thấy vui vẻ, hãnh diện vì con cái thảo hiền”.

Theo chị Tâm, bạn cũng nên tạo “công ăn việc làm” cho cha mẹ bằng cách nhờ ông bà chăm sóc các cháu, trông coi vườn tược… Ngoài ra, bạn tìm hiểu xem cha mẹ có những sở thích gì để tạo điều kiện cho ông bà thực hiện mà có thêm những niềm vui.

LÒNG HIẾU THẢO CẦN BỒI ĐẮP TỪ NHỎ

20150820-mua-bao-hieu-vu-lan-family

Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm lưu ý: “Ngày nay cha mẹ ít con, nên rất cưng chiều, đáp ứng hầu như mọi nhu cầu của con mà không cần con phải có trách nhiệm hay cam kết bất cứ điều gì. Điều đó có thể khiến trẻ trở nên ích kỷ và bội bạc, xem việc cha mẹ nuôi dạy là bổn phận của cha mẹ, con cái không cần biết ơn. Lòng hiếu thảo phải giáo dục từ nhỏ mới thành. Từ hai tuổi, đứa trẻ đã nhận thức tốt về thế giới xung quanh, bạn nên tập cho con nói lời cảm ơn, mời cơm ông bà, cha mẹ trước khi ăn, biết nói câu: “Con yêu bố, yêu mẹ”… Khi trẻ lớn hơn, bạn cần đặt ra cho con các quy tắc sống hiếu hạnh, tập cho con biết giúp cha mẹ làm việc nhà… Dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen biết nghĩ đến người khác và sau này sẽ biết chu toàn chữ hiếu với cha mẹ.

Ngoài ra, con trẻ như miếng bọt biển và chúng hấp thu mọi chuyện chứng kiến mỗi ngày để hình thành nên nhân cách. Chỉ cần bạn chăm sóc ông bà tử tế, con sẽ cảm nhận được và noi theo. Nếu thấy cha mẹ đối xử tệ bạc với ông bà thì khi lớn lên, chúng cũng sẽ đối xử với cha mẹ theo cách đã “học” được”.

KHẢO SÁT

TTGĐ khảo sát trên 100 bạn đọc, gồm cả nam và nữ. Hầu hết bạn đọc đều biết đến ngày Vu Lan báo hiếu nhưng mức độ hưởng ứng có sự chênh lệch

43% người biết nhưng không làm gì cả

35% có hoạt động thiết thực báo hiếu cha

19% chỉ báo hiếu với người đã khuất

3% không biết về ngày này

Mục Chuyên đề đặc biệt – Lễ Vu Lan/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua