Ngoài đường hoa Nguyễn Huệ, công viên hoa Lê Văn Tám, chợ lá dong Hóc Môn…người dân Sài Gòn vẫn có nhiều địa điểm tham quan mua sắm Tết để chuẩn bị cho một mùa Tết cổ truyền đúng nghĩa. Tất cả chúng mang một nét đẹp văn hoá đặc trưng, in đậm vào tâm trí của mỗi cư dân thành phố mà khi nhắc đến, họ đều thốt lên rằng: “Đó là những nẻo đường Xuân chỉ ở Sài Gòn mới có”.
“BẾN HOA” QUẬN 8
Toạ lạc tại kênh Tàu Hủ, thuộc địa phận các P. 11, 12, 13 của Q. 8, TP. HCM, bến Bình Đông vào những ngày cuối năm trở nên rực rỡ hơn rất nhiều bởi hàng trăm nghìn bông hoa đang khoe sắc. Một cư dân sống lâu năm tại đây cho hay, không nhớ rõ từ khi nào nhưng cứ mỗi năm, vào độ 15 đến 30 tháng Chạp, các thuyền buôn chở hoa từ Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp….nối đuôi nhâu đậu kín mặt kênh để kinh doanh hoa, cây kiểng ngày Tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên mặt kênh kéo dài gần 4km có đến hàng trăm ghe xuồng các loại với những biển số từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang nô nức vận chuyển những chậu hoa xanh mơn mởn lên bờ chờ phục vụ người tiêu dùng. Anh Nguyễn Hữu Huy, một thuyền buôn đến từ Long An cho biết: “Các loại hoa đa số sẽ được lấy từ vựa hoa Sa Đéc Đồng Tháp, một số ít cũng được nhập từ Cái Mơn Bến Tre, Cai Lậy Tiền Giang, mỗi ngày có hơn hàng trăm chuyến ghe thuyền nhập xuất hàng với hàng nhìn chậu hoa các loại chờ tiêu thụ. Ngoài bán tại bến Bình Đông, chúng tôi cũng vận chuyển đi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa…để kịp phục vụ bà con ở xa trong dịp Tết”.
Một người dân sống lâu năm gần đó cho biết, chợ hoa bến Bình Đông là vựa hoa lớn nhất nhì khu vực TP. HCM, là cửa ngõ để các tỉnh miền Tây đưa hoa về để cung ứng cho thị trường phía Nam, thậm chí là Duyên hải miền Trung. Tại đây có bán các loại hoa Tết đặc trưng như vạn thọ, cúc đại, mai bon sai, thiên lý, hồng, mào gà…với giá giao động từ vài chục đến vài triệu tuỳ loại. Thậm chí có những loại cây kiểng trưng Tết vô cùng độc đáo và hiếm như phật thủ, ổi bon sai, cây thủy phát tài…cũng được các nhà vườn mang về nhằm đem lại nhiều sự lựa chọn cho bà con.
“Năm nào tôi cũng qua đây mua hoa cả. Hoa được chở lên tại vựa nên còn rất tươi và tốt. Giá cả tại đây cũng rất phải chăng, người mua kẻ bán trả giá vui vẻ với nhau nên tạo ra một không khí thân tình hơn so với các khu chợ khác trong thành phố”, chị Mai Thị Ly chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Thị Hoa, người kinh doanh tại đây chia sẻ: “Người ta vẫn hay gọi nơi đây với cái tên thân thương là trên bến dưới thuyền. Trên bến thì người tấp nập, xe cộ bóp còi inh ỏi vì người đi mua hoa lấn hết ra cả lòng đường. Dưới thuyền thì người khuân, người vác, người tưới nước người thì tỉa lại hoa…tất cả chúng tạo nên một không gian vô cùng rôm rả và nhộn nhịp hơn bất cứ lúc nào. Từ sáng sớm cho đến tối khuya, người đi mua hoa tấp nập hơn đi trẩy hội. Có cả những người chỉ đi để xem, chụp hình, mân mê từng nụ hoa, cành lá để cảm nhận cái không khí tết cổ truyền sung túc đang tràn về”.
CHỢ LÁ DONG ÔNG TẠ
Nói là chợ nhưng Chợ lá dong Ông Tạ không được quy hoạch rõ ràng mà chỉ nằm rải rác trên đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám và Phạm Văn Hai thuộc P. 3, Quận Tân Bình, TP. HCM. Chợ thường họp vào ngày 16 (có năm sớm hơn) tháng Chạp và bán cho đến 28, 29 Tết. Người bán là các bà, các cô với những tấm bao ny lông nhỏ độ hai mét vuông phía trước mặt, bên trên là những bó lá dong xanh mướt được xếp gọn gàng và ngay ngắn.
Theo bà Lê Thị Ninh, một người bán lâu năm taị Chợ lá dong Ông Tạ cho hay:
“Tôi bán ở đây đã hơn 10 năm, từ cái hồi mà khu này mới bắt đầu phát triển. Hồi đó có vài người thôi chứ không đông như bây giờ, bán chủ yếu vài chục ký lá tại nhà trồng được vì xài không hết. Càng về sau thấy người ta càng ưa chuộng nên bán thành khu như bây giờ. Năm nào bán chạy thì lời được vài triệu ăn Tết, năm nào bán chậm thì lời ít hơn. Cũng vì chợ họp gần Ngã ba Ông Tạ nên người quen miệng gọi là chợ lá dong Ông Tạ”.
Giá bán của lá dong cũng tuỳ vào sức mua, năm nào đậu và nếp rẻ, người gói bánh nhiều thì giá lá dong sẽ tăng cao. Trung bình, một bó lá dong (lá đại, khoảng 100 lá) có giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ bó. Lá nhất có giá từ 70.00 đồng đến 90.000 đồng/ bó. Lá lót có giá từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/bó.
Các tiểu thương cho biết, họ chủ yếu lấy lá từ các vựa tại các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh…lá khi mua về phải có màu xanh dậm đặc trưng, còn nguyên cọng và gân lá chắc chắn để gói, không bị rách và dập nát…thì khách mới không chê. Những năm gần đây, do nhu cầu của người mua tăng cao nên chợ lá dong cũng phát triển rất mạnh mẽ. Bên cạnh lá dong tại đây còn bán thêm các loại lá như lá chuối, dây lạc để tiện cho việc gói bánh.
Ngoài cung ứng cho người dân, chợ cũng là nơi để các cơ sở trên địa bàn thành phố đặt mua với số lượng lớn để làm bánh cúng, bánh biếu tặng. Chị Nguyễn Hồ Nga, sinh sống tại Q. Bình Thạnh cho biết: “Lá dong được cột thành bó đẹp mắt như chợ quê vậy. Màu xanh của lá làm cho con phố diụ mát hơn hẳn. Năm nào tôi cũng ghé đây mua vài bó, phần về gói bánh, phần đem biếu người thân để tìm về chút hương vị ngày tết năm nào. Sài Gòn đâu phải chỗ nào cũng bán mấy sản vật quê nhà này, có nó thì ngày tết bớt đi sự buồn tẻ nhiều lắm”.
Chú Hồ Văn Út, một người dân sống lâu năm tại đây cho biết: “Từ sáng sớm cho đến tối khuya, không lúc nào khu chợ này vắng tiếng người trong những ngày giáp tết. Cái đường nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng tấp nập xe cộ. Nào là tiếng người trả giá, tiếng rao hàng, tiếng bấm còi…khiến nơi đây rộn ràng hơn những ngày thường rất nhiều. Có những hôm, xe tải chở lá với các biển số tứ sứ đậu tràn lên cả lề nhà dân để chờ chuyển hàng đi các vùng xa hơn. Nhưng không ai cảm thấy khó chịu mà ngược lại đều cảm thấy hân hoan vì cái không khí vui tươi, náo nhiệt ấy. Mỗi người khi đến mua đều ngồi rất lâu để tỉ mỉ lựa từng chiếc lá theo ý muốn. các bà bạn hàng thì rôm rả chào mời, các cô mua hàng thì khệ nệ ôm từng bó lá mua về chen chúc nhau nhìn vui mắt lắm”.
PHỐ ÔNG ĐỒ
Nếu có dịp đi ngang góc Trương Định − Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP.HCM (đoạn gần Cung Văn hoá Lao động) vào những ngày cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, bạn sẽ thấy một không gian rất “Bắc bộ” hiện diện nơi đây. Đó chính là “phố thư pháp” hay “phố ông đồ thời @” theo cách gọi thân thương mà người dân thành phố đặc cho con đường này.
Anh la Huy Hoàng, một thành viên của “phố ông đồ” chia sẻ: “Lúc trước chỉ có vài anh em đam mê thư pháp đến từ các trường Nhân Văn, Hồng Bàng, Văn Lang…tụ họp về đây để sinh hoạt nhân dịp tết cổ truyền. Sau đó được một anh trong câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt của Cung Văn hóa Lao Động đứng ra đảm nhận tổ chức một cách hoàn chỉnh như một hoạt động văn hoá cho du khách ngày tết tham quan và trải nghiệm. Không chỉ góp thêm chút không khí cho ngày tết cổ truyền, hoạt động của phố ông đồ còn là cách những người trẻ giữ lại chút hương vị truyền thống năm xưa, giúp bảo tồn những giá trị văn hoá đang dần bị mai một”.
Cũng kể từ ngày được “nâng cấp”, phố ông đồ được bố trí và quy hoạch rất chỉn chu. Cứ độ cuối tháng Chạp, con đường nơi các ông đồ ngồi cho chữ dài khoảng 60 mét sẽ được trang trí các tấm chiếu hoa, chõng tre, vách lá, mành tre như đúng nguyên bản thời xưa…mỗi một chiếc chiếu sẽ có một ông đồ đội khăn đóng, mặc áo the, mang guốc mộc ngồi mài mực và cầm cọ “múa” chữ, trên vách treo ngay ngắn các bức thư pháp với những nội dung rất quen thuộc như: “vạn sự như ý”, “an khang thịnh vượng”, “năm mới cát tường”…
Tuỳ theo chủ đề và quy mô tổ chức mà số lượng người tham dự cũng như các gian hàng sẽ được bố trí khác nhau. Mỗi năm có từ 15 đến 20 “ông đồ” đăng ký tham gia gian hàng, có năm lên đến 25 đến 30 người. Có cả những “ông đồ” từ các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận…vì đam mê nghệ thuật thư pháp nên cũng lặn lội về cùng tham dự. Bên cạnh cho chữ, viết câu chúc ngày Tết, làm thơ…các ông đồ còn nhận vẽ chân dung du khách bằng mực tàu, chụp hình lưu niệm bên khôn gian truyền thống và bày bán các mặt hàng thủ công quen thuộc trong ngày tết.
CHỢ TÀI − LỘC
Đến hẹn lại lên, cứ vào độ giữa tháng Chạp, những hộ kinh doanh tại khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông lại ráo riết chuẩn bị bày bán các mặt hàng ngày Tết khiến không gian nơi đây náo nhiệt và sôi động hơn bất cứ lúc nào. Lúc này, “con phố Đông y” không còn đậm đặc mùi thuốc bắc với những tấm băng rôn quảng cáo các vị thuốc cổ truyền mà thay vào đó là màu vàng đỏ óng ánh từ phong bao lì xì, câu đối, tràng pháo, đèn lồng…Cũng chính vì lí do đó mà người dân gọi nơi đây là “Chợ Tài – Lộc.
Một cán bộ địa phương cho biết: “Hầu hết các hộ kinh doanh ở đây đều là người Hoa nên các mặt hàng Tết âm lịch rất được coi trọng. Mặc dù là bán hàng nhưng họ cũng rất chú ý đến ý nghĩa văn hoá nên đã 30 năm nay, khu chợ này luôn là địa điểm mua sắm đồ trang trí Tết lớn nhất Sài Gòn. Các hộ dân nơi đây tin rằng, công việc kinh doành càng sôi động sung túc thì đời sống của người bán cũng như người mua sẽ càng phát triển tốt hơn trong năm mới”.
Đến với Chợ Tài – Lộc mới thấy không khí tết thật sự hiện diện nơi đây mặc dù còn hơn cả tháng mới chính thức đến ngày Tết nguyên đán. Cả một dãy phố dài hàng trăm mét đỏ rực, lấp lánh ánh kim bởi các vật phẩm khiến không gian càng thêm sôi động. Người mua kẻ bán tấp nập khiến khu chợ buồn tẻ trở nên vui tươi và náo nhiệt. Ngoài các mặt hàng chưng Tết truyền thống, năm nay thị trường tại Chợ Tài – Lộc cũng có nhiều thay đổi để kịp phục vụ bà bà con, trong đó có các mặt hàng như mai điện tử, lồng đèn thuỷ tinh, mâm ngủ quả bằng đất sét, chậu hoa trăm nụ….
Chị Lê Thị Mạnh, người thường xuyên mua sắm Tết nơi đây chia sẻ: “Khu chợ này lớn lắm, tới mấy dãy bán hàng nên lúc nào cũng đông nghẹt người mua sắm. Vào những dịp cuối năm nơi đây càng đông đúc hơn bởi các thương lái từ xa đổ về để nhâp hàng. Không chỉ bán cho người dân thành phố, chợ này còn cung cấp cho các tỉnh lân cận, thậm chí đưa đi xa hơn nữa. Tính đi tính lại cả Sài Gòn có mỗi khu chợ này là bán đồ chưng tết thôi nên mọi người đổ về đây đông vui như trẩy hội. Nó làm ai cũng nô nức và nao nao đến một ngày lễ cổ truyền ấm cúng và sung túc”.
Bài: Vương Huy Khôi
Tiếp Thị Gia Đình