Cháy, nổ thường gây ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại đáng kể về người và của. Theo số liệu của Sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP. HCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 165 vụ cháy, thiệt hại ước tính 2,5 tỷ đồng, khiến một người chết và sáu người bị thương.
Nguyên nhân cũng như diễn biến của các vụ cháy thường rất khó lường. Vì thế, bạn và gia đình nên đảm bảo những nguyên tắc sau để phòng tránh cũng như cứu chữa kịp thời khi có cháy, nổ.
TỔNG VỆ SINH NHÀ THƯỜNG XUYÊN
Ngoài giúp nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tổng vệ sinh còn giúp bạn phòng tránh các tác nhân gây cháy có thể xảy ra như kịp thời phát hiện các đường dây điện bị bong tróc, hỏng hóc để sửa chữa, tránh tình trạng chập điện dẫn đến cháy, nổ.
Bên cạnh đó, bạn nên loại bỏ các vật dụng dễ cháy như giấy báo cũ, giẻ lau, thùng các-tông… Đây là cách đơn giản nhất để giảm bớt các tác nhân dễ bắt lửa trong ngôi nhà. Quan trọng là bạn cần dọn dẹp thông thoáng các lối đi, lối thoát hiểm như cửa hậu, cửa chính, cửa sổ… vì những nơi này chính là lối thoát để bạn cách ly khỏi đám cháy. Tránh để các vật cản như tủ, kệ, giường, bàn, ghế hoặc thùng chứa rác… tại những khu vực này vì khi có tai nạn xảy ra, chúng sẽ cản trở đường chạy của bạn.
CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỮA CHÁY TẠI CHỖ
Với đám cháy nhỏ, bạn có thể tự cứu chữa dựa theo ba nguyên tắc sau:
• CÁCH LY Ô-XY VỚI CHẤT CHÁY: nhằm giảm thiểu chất xúc tác cho vùng cháy. Với đám cháy nhỏ và vừa, bạn có thể dùng giẻ lau, bao tải, vải bạt thấm nước, xô chậu loại lớn… úp trực tiếp lên đám cháy.
• LÀM LOÃNG NỒNG ĐỘ Ô-XY VÀ HỖN HỢP CHẤT CHÁY (LÀM NGẠT): bằng cách phun vào đám cháy các chất không tham gia phản ứng cháy như khí CO2, nitơ (N2), bọt trơ… phun vào đám cháy để ức chế đám cháy nhanh chóng.
• LÀM LẠNH (THU NHIỆT): Dựa vào nguyên tắc đám cháy, các chuyên gia có thể dùng các chất chữa cháy như khí trơ lạnh CO2, N2H2O… để triệt nguồn cháy một cách hiệu quả. Các chất này có khả năng thu nhiệt và làm giảm nhiệt độ của đám cháy, khiến
chúng không còn khả năng bốc cháy.
TRANG BỊ VÀ CÁCH SỬ DỤNG BÌNH CHỮA CHÁY
Có hai loại bình chữa cháy phổ biến: bình chữa cháy CO2 và bình bột chữa cháy. Bình chữa cháy CO2 thường dùng cho các đám cháy có chất rắn, lỏng và hiệu quả cao đối với đám cháy thiết bị điện, cháy trong phòng kín. Bình bột chứa khí N2 có thể dập được các đám cháy chất rắn, lỏng và cả chất khí.
Cách sử dụng bình chữa cháy: Đứng cách đám cháy (kể từ vòi phun) 1,5–3,5m tùy loại bình. Khi phun cần giữ bình thẳng đứng và phun phủ từ trên xuống dưới. Với bình bột, bạn cần lắc bình 3–4 lần trước khi sử dụng. Đặt bình chữa cháy ở nơi dễ thấy và thuận tiện như cầu thang, cửa phòng… Bảo dưỡng và kiểm tra bình chữa cháy ít nhất 3 tháng/lần.
Theo Tiếp Thị Gia Đình