Xóm Láng bên sông không nhà ai nổi tiếng bằng nhà bà Chín So Đũa. Nhà bà nổi tiếng vì hai lẽ, một là có cô con gái xinh đẹp nhất vùng, hai là bờ bao so đũa quanh nhà.
Bà Chín là con gái miền Tây. Hồi xưa, ông Chín vốn là dân buôn tủ gỗ, thường mang hàng từ xưởng mộc của cha ông xuôi về miền Tây để bán. Trong một lần đi bán hàng, ông gặp bà Chín, đem lòng yêu và quyết tâm theo đuổi tới cùng. Theo riết cuối cùng bà Chín cũng gật đầu đồng ý theo ông về xứ cát bỏng chân người này làm dâu. Sợ bà buồn, ông Chín trồng bờ bao so đũa để bà đỡ nhớ quê.
Nghe mấy người lớn tuổi trong xóm kể rằng hồi xưa bà Chín đẹp lắm. Có lẽ vì sắc đẹp đó mà không ít lời đàm tiếu về gia đình ông Chín. Người ta kháo nhau con gái miền Tây chỉ biết chưng diện, lấy về chẳng biết mần gì, ông Chín hám sắc sau này thế nào cũng khổ. Ông Chín bỏ ngoài tai tất cả, lo làm lụng nuôi vợ con. Bà Chín lo liệu việc đồng áng chẳng thua bất kỳ cô gái xóm Láng nào, ruộng nhà bà năm nào cũng tốt nhất xóm. Bà lại có tài nấu nướng, ai từng đến nhà uống rượu cùng ông Chín đều tấm tắc khen tài bếp núc của bà.
Vào mùa so đũa trổ bông, bà Chín thường hái đem nấu canh chua mời hàng xóm ăn. Nhà tôi kế bên nhà Nhàn nên hễ mỗi lần nhà nàng ăn canh chua là thế nào bên nhà tôi cũng có một tô canh chua thơm lừng. Canh chua bà Chín nấu rất đậm đà, nguyên liệu chẳng có gì: vài cọng dọc mùng, một nắm so đũa, vài trái đậu nhớt, chút hành ngổ. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ai đã ăn một lần sẽ nhớ suốt đời vị canh chua bông so đũa đó.
Chẳng biết có phải ăn bông so đũa từ nhỏ không mà Nhàn có nước da trắng ngần, mịn màng. Vẻ đẹp của nàng khiến bao chàng trai si mê.
Bọn con trai trong xóm rất ganh tỵ với tôi, vì nhà tôi ở sát nhà người đẹp, chị hai tôi học chung với Nhàn nên ngày nào tôi cũng sánh bước bên nàng tới trường.
Dù nhỏ hơn Nhàn hai tuổi, tôi vẫn đem lòng thầm thương trộm nhớ. Biết Nhàn thường gội đầu bằng nước bồ kết nấu với hoa chanh cho thơm, tôi sốt sắng nhặt hoa chanh, có khi hái cả bông trên cây mang qua cho nàng. Mỗi lần như vậy nàng cười rất tươi, nhỏ nhẹ cảm ơn làm lòng tôi sướng rân.
Năm Nhàn mười sáu tuổi, ông Chín bị tai nạn giao thông mất. Đám tang ông vắng hoe, chỉ vài người bà con đưa tiễn. Má con Nhàn trong màu áo tang càng trắng hơn, trắng đến rợn người. Sau đám tang, Nhàn nghỉ học ở nhà phụ việc đồng áng với má.
Vậy là hết những ngày sánh bước bên người đẹp. Tôi buồn lắm, tối đến viết thư tình, viết rồi lại xé không dám đưa cho nàng. Nhiều đêm buồn không ngủ được, tôi tập tành làm thơ. Khi viết thì xúc động lắm, lâu sau đọc lại thấy chán phè, nhạt nhẽo. Làm mãi mới có một bài kha khá, đọc cũng xuôi tai, tôi bèn mua giấy thơm về chép, rồi lấy hết can đảm lén nhét vào cửa sổ phòng nàng. Hồi hộp chờ thư trả lời cả tuần không thấy bóng dáng, tôi thất vọng lắm, thầm trách nàng sao vô tình quá đỗi.
Một bữa nọ bỗng nghe giọng bà chị hai lảnh lót đọc: “Tháng ba so đũa trắng ngần/Da em trắng mịn như màu bông kia/Ra cửa thấp thoáng bóng nàng/Mà anh cứ tưởng là hoa trên cành”.
– Thơ ai viết mà hay quá xá hà. Công nhận, khi si tình người ta dễ thành thi sĩ.
Sau câu bình “lựng” của chị hai là một tràng cười giòn như tiếng xe máy nổ. Mặt tôi đỏ rần. Tôi giận nàng quá, từ đó không thư từ, cũng chẳng thơ thẩn gì nữa.
Hết năm đó, Nhàn rời miệt quê nghèo lên Sài Gòn tìm cơ hội đổi đời. Đêm trước khi đi, Nhàn và chị hai rầm rì nói chuyện ngoài vườn suốt đêm. Tôi nấp nghe lén xem hai người nói gì. Giọng chị hai buồn thiu:
– Mày đừng đi Nhàn ơi, vô đó nguy hiểm lắm.
– Nguy hiểm cũng phải đi – Nhàn cứng cỏi
đáp lại. – Tao không muốn như má, đời tao phải khác đời má, mày hiểu không?
– Rồi vô đó mày làm gì để sống?
– Làm bất cứ gì để có tiền.
– Mày ngốc lắm.
Chị hai ôm chầm lấy Nhàn khóc nức nở. Nhàn cũng khóc. Nghe tiếng khóc của nàng nước mắt tôi tự dưng túa ra, tim đau nhói như vừa đánh mất thứ gì quý giá.
Sau khi Nhàn đi, tôi buồn ngẩn ngơ, không chú tâm vào học hành, suốt ngày chống cằm nhìn sang nhà nàng. Tôi tiếc những ngày tháng đẹp đẽ sánh bước bên nàng tới trường quá. Sức học của tôi ngày càng giảm sút. Cuối học kỳ má tôi ném cuốn sổ liên lạc vào mặt tôi, la rần rần, hết la bà lại ngồi thủ thỉ khuyên giải cả đêm.
Hai năm sau Nhàn lấy chồng. Nghe đâu chồng nàng giàu lắm, có nguyên căn biệt thự ở Sài Gòn. Người đàn ông đó hơn nàng cả chục tuổi, có một đời vợ và hai đứa con trai. Dân xóm Láng rủ nhau đi xem đám cưới nàng. Người ta nô nức đi xem cũng đúng thôi, ở miệt quê này xưa giờ chưa có đám cưới nào mà đàng trai rước dâu bằng một đoàn xe hơi bóng lộn. Dạo đó đang mùa so đũa, cả một vùng trời tràn ngập màu trắng tinh khôi, càng làm nổi bật màu đỏ của những chiếc xe.
Con gái xóm Láng thì thầm ghen với Nhàn, còn trai xóm Láng chắc không ít kẻ thất tình vì nàng. Có lẽ kẻ đau buồn nhất là tôi. Tôi chẳng thiết ăn, chẳng thiết ngủ, lúc nào trong đầu cũng hiện ra khuôn mặt nàng đang cười. Nhớ nàng quá tôi đâm ra hận nàng. Trách sao nàng lại ham phú quý mà chấp nhận đánh đổi hạnh phúc cả đời mình. Trách rồi lại thương nàng, cái số nàng sao khổ quá, không được nhàn hạ như cái tên của nàng.
Tôi vùi đầu vào học để quên đi mối tình đầu đau đớn ấy. Chẳng bỏ công ngày đêm đèn sách, năm sau tôi thi đậu đại học với số điểm khá cao. Gia đình tôi vui mừng khôn xiết, nhất là má tôi. Từ hôm biết tôi đậu đại học, má thường làm nhiều món ngon giục tôi ăn:
– Ăn đi con, mốt lên trển rồi không có đâu mà ăn.
– Má cứ làm như Sài Gòn là miệt nào không hà. Trển hổng thiếu thứ gì đâu mà má lo. – Chị hai nói.
– Không thiếu nhưng mắc hổng có tiền mà ăn. – Má phân bua.
Tôi cười khì trước câu nói của má. Làm sinh viên rồi mới biết má nói có lý, Sài Gòn không sợ thiếu thứ gì mà chỉ sợ thiếu tiền.
Trước ngày tôi lên Sài Gòn trọ học, Nhàn có về thăm bà Chín. Lâu lắm tôi mới được thấy mặt nàng. Nàng ngày càng đẹp, có phần sắc sảo hơn xưa. Nhưng sao tôi vẫn thích nét đẹp ngây thơ trong trắng như bông so đũa hồi xưa của nàng hơn. Nhìn nàng bây giờ sao tôi buồn quá. Đêm đó tôi lén trộm thuốc lá của ba hút, không quen nên bị sặc thuốc đến chảy nước mắt. Không biết nước mắt rơi do khói thuốc hay do khơi lại vết thương cũ trong tim nữa.
Thấm thoát đã mười năm kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân vào Sài Gòn trọ học. Thay cho cái vẻ khờ khạo của thằng nhóc quê mùa ngày xưa là vẻ chững chạc của một người đàn ông đã có gia đình.
Vợ tôi là dân thành phố nên rất thích về quê chơi. Cứ mỗi dịp lễ là nàng lại giục tôi đưa cu Bin về thăm ông bà nội. Tôi biết ở thành phố ngột ngạt nên nàng mong được về quê đổi gió. Chiều ý vợ, cuối tháng Tư cơ quan cho nghỉ lễ dài ngày tôi liền lái xe hơi chở hai mẹ con về quê chơi.
Ba má thấy cu Bin về thì mừng rơn, bắt hai vợ chồng ở lại chơi mấy ngày cho nhà cửa đỡ vắng vẻ. Vợ tôi còn mừng hơn ba má. Được về quê, nàng như con chim sổ lồng líu lo nói cả ngày. Nàng và má đi chợ làm đủ món ngon đãi cả nhà. Má cười nói suốt, dường như lâu rồi trong nhà mới rộ tiếng cười nói vui vẻ như vậy.
Chị hai lựa lúc vắng vợ tôi, kể cho tôi nghe chuyện của Nhàn. Nhàn đã về quê ở mấy tháng nay. Vợ chồng nàng đã ly dị. Ông chồng có chia cho hai má con nàng một ít vốn để sống. “Tội nó lắm, dạo này nó ốm nhom, nhìn thấy thương hà”, chị hai vừa nói vừa xuýt xoa. Nghe chị hai nói tim tôi lại nhói lên từng hồi. Ông trời khéo đùa dai, tưởng nàng đã được nhàn hạ tấm thân, ai dè…
Lâu lắm mới về lại căn nhà cũ, tôi bồi hồi dạo quanh vườn tìm lại ký ức tuổi thơ. Gốc chanh trong vườn nở rộ hoa thơm lừng. Tôi lại nhớ Nhàn, nhớ nụ cười dịu dàng khi nàng đón lấy rổ bông chanh tôi đưa. Tôi cố tình nhìn sang mé nhà Nhàn trông bóng người thương cũ nhưng không thấy, chỉ thấy hàng so đũa rung rinh trong gió.
Đã cuối tháng Tư, hết mùa bông so đũa lâu rồi, bây giờ trên cây toàn trái là trái, buông dài như tấm mành. Cảnh vật sao buồn đến nao lòng. Chợt tôi nghe tiếng Nhàn ru con văng vẳng: “Ầu ơ, trước nhà so đũa trắng ngần/Rung rinh trong gió khoe màu trắng trong/Làm thân con gái như bông/Rộ nở vài ngày, mấy chốc tàn phai… ầu… ầu… ơ… ơ”.
Truyện ngắn của Ngân Kim – Theo Tiếp Thị Gia Đình