Mua đất bị lừa, làm sao để tránh?

Ki cóp tiền nhiều năm cùng với vay mượn thêm, tháng 10 năm 2010, chị Diệu Thu, Q. 7, TP. HCM, mới mua được mảnh đất, ai ngờ lại rơi vào cảnh mua đất bị lừa

Chị đã mua mảnh đất theo dạng hợp đồng hợp tác đầu tư. Chị đã mua đất bị lừa như thế nào?

Chị Thu đã mua mảnh đất ấy trong dự án Everluck Residence của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng – Dịch vụ – Thương mại – Đầu tư bất động sản Tường Phong, 260C Lạc Long Quân, Q. 11, TP. HCM (gọi tắt là Công ty Tường Phong – PV) tại huyện Thủ Thừa, Long An. Mảnh đất có diện tích 200m2, nằm trong khu biệt thự, trị giá 336 triệu đồng.

mua dat bi lua hinh anh 3

Đường vào dự án hiện bị cắm biển Cấm mua bán đất

Ki cóp cho cọp… nó ăn

Theo hợp đồng, chị Thu đã thanh toán tiền đúng yêu cầu. Ngày 21–12–2012, Công ty Tường Phong đã bàn giao nền nhưng tính ra vẫn chậm hơn khoảng 5 tháng so với thời điểm giao kèo trong hợp đồng. Lúc này chị cũng không nghĩ là mình mua đất bị lừa.

“Tôi có thể thông cảm với việc chậm giao nền nhưng sau đó, Tường Phong tiếp tục chậm trễ việc giao giấy tờ. Theo thỏa thuận, không quá 18 tháng kể từ ngày bên Tường Phong giao nền sẽ phải bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi. Song, đến thời điểm hiện tại 5–12–2016, tôi vẫn chưa nhận được giấy tờ nhà đất. Lý do Công ty Tường Phong đưa ra là: không có vốn để lấy, hiện giấy tờ đều nằm ở phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Tôi đã nhiều lần điện thoại đến công ty để hỏi nhưng không gặp được giám đốc, chỉ gặp nhân viên tiếp tân hoặc nhân viên phòng kinh doanh và họ luôn hứa hẹn lần lữa, trong khi đó nhiều người đã có giấy tờ cách đây 2–3 năm và đã bán đất rồi”, chị Thu cho biết.

Điều đáng nói là mới đây, khi chị Thu sốt ruột hỏi về giấy tờ, vị phó giám đốc tên Liên trả lời với giọng điệu “bất chấp” là do chị Thu đầu tư ít tiền, Công ty Tường Phong ưu tiên giải quyết những người đầu tư tiền nhiều hơn. Vị này còn tỏ ý thách thức chị Thu đi kiện.

Trong thông báo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Tường Phong gửi cho chị Thu, thì: “Theo dự kiến, công ty đã được duyệt tách sổ trong quý III–2014, nhưng trong quá trình thực hiện cần bổ sung đo vẽ số nền còn lại để Sở xem xét. Do đó, công ty đang tiến hành thủ tục này, đồng thời công ty còn phối hợp với các cơ quan chức năng lập các thủ tục nghiệm thu, hoàn công công trình để xác định chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó xác định mức thuế GTGT cần phải nộp trên giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng để phục vụ cho công tác công chứng sang tên”.

Kết quả là, cho đến giờ, nền đất chị Thu mua chỉ mới có tên trên hợp đồng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hậu quả là chị muốn bán cũng không được, muốn xây nhà để bảo vệ đất cũng không được phép. Chị quyết định kiện Công ty Tường Phong.

Được biết, không riêng chị Thu, rất nhiều khách hàng mua đất trong dự án này cũng rơi vào cảnh khốn đốn và nhiều người đã gửi đơn kiện Tường Phong với hy vọng đòi được giấy tờ hoặc nhận lại số tiền đã bỏ ra theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Tường Phong.

Everluck Residence giờ ra sao?

Ngày 4–11–2016, TTGĐ về huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An – nơi có dự án Everluck Residence. Đường vào khu dự án thoáng, đẹp, trong lành, dân cư phát triển có lẽ là những lý do chính khiến nhiều cư dân thành phố đổ về đây kiếm mảnh đất dưỡng già.

Giữa sự nhộn nhịp đó, khu dự án Everluck Residence như bãi đất hoang. Cỏ mọc cao ngút người. Hệ thống điện bỏ hoang giữa chừng. Những chiếc cống chưa kịp thi công nằm ngổn ngang. Người dân tranh thủ bãi đất trống để làm “nhà vệ sinh công cộng”, thả bò hoặc vào trồng sả. Nhà mẫu của dự án cũng hoang phế, không một bóng người.

mua dat bi lua hinh anh 2

Căn nhà giao dịch của dự án hiện đang bỏ hoang

Để biết thêm về tình hình khu đất, TTGĐ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủ Thừa tìm hiểu, bởi nếu Tường Phong tách sổ cho từng cá nhân thì sẽ phải đi qua cơ quan này. Song, trưởng phòng Phạm Chí Hảo cho biết, cơ quan này không nhận hồ sơ gì của Tường Phong. Bên Sở cấp giấy cho cả khu đất còn Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ có nhiệm vụ tách sổ lớn thành sổ nhỏ cho từng cá nhân sau khi Tường Phong thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nếu Tường Phong chưa nộp nghĩa vụ tài chính thì không thể tách sổ.

Cũng theo ông Hảo, ngay cả một số cán bộ ở đây cũng “dính” vài miếng đất với Tường Phong. Người mua khởi kiện nhiều nên Bộ Công an đã vào cuộc và cơ quan này cũng cung cấp nhiều thông tin cho việc điều tra.

TTGĐ tiếp tục ghé Tòa án Nhân dân huyện Thủ Thừa để tìm hiểu về thủ tục kiện Tường Phong. Được biết, ở đây có rất nhiều hồ sơ kiện Tường Phong đang chờ xét xử. Còn tại Chi cục thi hành án huyện, một vài vụ đã được xét xử và đang chờ thi hành án.

TTGĐ tiếp tục liên hệ với Tường Phong tại TP. HCM, hy vọng gặp được ông Lầu Nam Tường, Tổng giám đốc công ty. Tuy nhiên, 10 lần như một, TTGĐ chỉ gặp được nhân viên lễ tân. Cô lễ tân yêu cầu gửi công văn đề nghị phỏng vấn nhưng khi đã nhận được công văn, cô cũng chỉ cho biết: “Phòng kinh doanh sẽ chủ động liên lạc”. TTGĐ tiếp tục gửi e-mail với đề nghị: “Nếu phía công ty không hồi đáp, không sắp xếp lịch hẹn như đã hứa, chúng tôi sẽ đưa vụ việc này lên báo theo như những gì TTGĐ ghi nhận và phản ánh của bà Hoàng Diệu Thu”. Thêm nhiều ngày trôi qua, phía Tường Phong vẫn bặt vô âm tín.

Tư vấn cho khách hàng Thu về vụ kiện của mình, luật sư Phạm Văn Thuyên, người đang “ôm” 4 vụ kiện của khách hàng Tường Phong cho biết, lý do chậm trễ giao giấy tờ là do Tường Phong đã thế chấp miếng đất với giá 48 tỷ đồng. Hiện 4 vụ mà luật sư Thuyên phụ trách đã xử sơ thẩm nhưng vì Tường Phong kháng cáo nên tiếp tục lên phúc thẩm, chưa biết kết quả ra sao. Đây phải chăng là hành vi kéo dài thời gian của Tường Phong? Kết quả phúc thẩm sẽ ra sao? Nếu kết quả nghiêng về khách hàng thì bao giờ Tường Phong mới chịu thi hành án, hoàn trả số tiền mà khách hàng đã bỏ ra? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Thiệt thòi nhìn thấy trước mắt là thuộc về khách mua.

Đừng mua bằng niềm tin

Xem xét hợp đồng hợp tác đầu tư giữa khách hàng Hoàng Diệu Thu và Công ty Tường Phong, luật sư Dương Hoán, Giảng viên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Lecturer, Đại học Luật TP. HCM, cho biết: “Đây là hợp đồng hợp pháp. Công ty Tường Phong đã thực hiện nghĩa vụ giao nền nhưng chậm giao giấy tờ kể từ ngày giao nền. Tuy nhiên, trong hợp đồng chỉ có quy định về việc công ty giao nền chậm thì bị phạt, người mua chậm giao tiền thì cắt hợp đồng chứ không có điều khoản nào quy định về việc chậm giao giấy tờ. Trong hợp đồng chỉ ghi: “Thời gian không quá 18 tháng kể từ ngày bên A giao nền cho bên B, thì bên A sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên B” mà không có bất kỳ chế tài nào cho việc chậm giao giấy tờ. Đây là lỗ hổng khiến khách hàng chịu thiệt thòi”.

Phải chăng người mua cần phải đọc kỹ các ràng buộc trong hợp đồng trước khi đặt bút ký? Thật ra, đây chỉ là lời tư vấn về mặt lý thuyết bởi theo luật sư Dương Hoán: “Nhà đầu tư thường sẽ không sửa hợp đồng mẫu, khách hàng chịu mua thì ký thôi. Hợp đồng này đã được soạn rất kỹ, được rất nhiều bộ óc luật sư chung sức soạn ra và luôn bảo vệ cho nhà đầu tư. Bình thường không sao nhưng nếu có tranh chấp xảy ra, người hợp tác đầu tư thường là người chịu thiệt thòi”.

mua dat bi lua hinh anh 4

Dự án Everluck Residence hiện đang là nơi để người dân thả bò và trồng sả

Giấy tờ là yếu tố xác định quyền sở hữu nhà đất của bạn. Trong thời buổi nhiều nhà đầu tư cầm giấy tờ nhà đất đi cầm cố như hiện nay, rủi ro bạn không nhận được giấy tờ nhà đất rất cao. Khi ấy, mảnh đất của bạn có thể bị siết nợ, cưỡng chế bất cứ lúc nào.

Vậy là với những dự án còn nằm trên giấy tờ, để hạn chế những rủi ro có thể xảy đến, cụ thể là mua đất bị lừa, điều cốt yếu là bạn nên xem xét hợp đồng đó ra sao và chủ đầu tư đó có uy tín thế nào, có tiềm lực kinh tế không. Chủ đầu tư uy tín là những doanh nghiệp đã và đang là chủ đầu tư của nhiều dự án, đã từng phân phối nhiều sản phẩm uy tín trên thị trường và được đánh giá cao về chất lượng.

♠ TTGĐ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này khi có thêm thông tin mới.

THÔNG TIN THÊM

√ Theo kết quả nghiên cứu độc lập của ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Top 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2016 bạn có thể tham khảo khi mua nhà đất, cụ thể là Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Viglacera, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng.

BÀI: T. MINH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua