Mưa đá lớn ở Tuyên Quang: Bạn biết gì về mưa đá?

Một trận mưa đá lớn ở Tuyên Quang, được coi là trận mưa đá kỷ lục trong vòng hơn 30 năm qua đã làm thủng nhiều mái nhà dân, làm vỡ gương xe máy và ô tô

Trận mưa đá lớn ở Tuyên Quang xảy ra sáng 3−4 ở thị trấn Vĩnh Lộc, các xã Tân Thịnh, Tân An, Phúc Thịnh. Trước khi mưa đá rơi xuống, trời bất ngờ tối sầm lại, gió giật mạnh kèm theo tiếng rít.

Mưa đá lớn ở Tuyên Quang có đường kính hòn đá rất to, từ 4−8cm, làm cho mái nhà dân bị thủng, gương xe máy và ô tô bị vỡ. Theo ông Trần Quốc Hiệp, trưởng trạm thủy văn Chiêm Hóa (Tuyên Quang), đây là trận mưa đá lớn nhất trong hơn 30 năm ông công tác.

Về nguyên nhân mưa đá, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cho biết, ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao suy yếu và biến tính kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao đã gây mưa trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện các nhà chức trách đang thống kê thiệt hại trong trận mưa đá lớn ở Tuyên Quang.

MƯA ĐÁ LÀ GÌ?

mua da lon o tuyen quang hinh anh 2

Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng, thường có hình cầu và kích thước khác nhau từ 5−10cm. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5−10 phút nhưng cũng có khi kéo dài từ 20−30 phút.

Mưa đá được hình thành trong điều kiện các dòng không khí lên xuống (đối lưu) rất mãnh liệt và thường diễn ra vào mùa nóng.

Vào mùa nóng ẩm, nắng gay gắt, hàm lượng hơi nước trong không khí rất cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh, rất không ổn định. Lúc này hiện tượng đối lưu mãnh liệt phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích có khả năng gây mưa đá.

Đồng thời dòng khí đi lên trong đám mây cũng rất mạnh, đủ để nâng đỡ những hạt băng lớn hình thành và lớn dần lên trong mây, khiến chúng tiếp tục kết hợp với bông tuyết hay giọt nước nhỏ trên đường đi, cuối cùng trở thành cục băng có cấu tạo nhiều lớp trong và đục xen kẽ nhau. Khi cục băng lớn tới một mức độ mà dòng khí đi lên không còn đủ sức nâng đỡ nữa thì sẽ rơi xuống đất, gây ra trận mưa đá.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MƯA ĐÁ

Hãy cảnh giác với mưa đá nếu bạn thấy: Trời nổi giông gió, mây đen bao phủ bấu trời, có dạng như hình ngọn núi, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng ầm ù liên tục. Nếu sau đó lắc rắc những hạt mưa rào, các bạn cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến.

PHẢI LÀM GÌ KHI CÓ MƯA ĐÁ

Khi thấy mưa đá, bạn cần chạy nhanh vào trong nhà. Nếu đi ngoài đường mà chưa tìm được chỗ trú ẩn thì cần đội mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã.

Mưa đá còn có thể mang tới những mối nguy hại khác chẳng hạn mang theo độc tố, acid…Trước khi sử dụng nguồn nước có nhiễm nước mưa đá, người dân nên lấy mẫu nước, mang tới các trung tâm để kiểm tra chất lượng nước.

Bài: K. Huyền

Tiếp Thị Gia Đình

Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây

Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.

Đừng bỏ qua