Sau sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung, cyanua và phenol kết hợp với phức sắt dạng keo là một loại độc tố được thải trực tiếp ra biển từ nhà máy thép Formosa, làm chết các loài hải sản ở tầng đáy và huỷ diệt nhiều rạn san hô trải dài từ Hà Tĩnh vào Huế. Liệu môi trường biển ở vùng cá chết này bao giờ mới hết ô nhiễm? Các độc tố có thể tự tiêu huỷ trong một thời gian nhất định hay không? Và liệu loại độc tố đó có khả năng “cộng hưởng” ở biển nếu như vẫn được tiếp tục thải ra từ nhà máy Formosa?
“Các độc tố trong môi trường biển ở vùng cá chết sẽ hoà tan dần dần và giảm đi theo thời gian, bản thân biển sẽ có khả năng tự làm sạch. Nhưng đó chỉ là giả định trong trường hợp không có thêm chất thải nào tiếp tục được thải ra biển, còn nếu vẫn còn chất thải ra biển thì chất thải sẽ cộng hưởng thêm”, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.
Hiện các nhà khoa học đang làm cuộc khảo sát tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Huế, để phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng phenol, cyanua còn lại. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, phenol có thể phân huỷ 80% trong 3 tháng. TS Vũ Đức Lợi cho biết, giữa tháng 7 này sẽ có kết quả chính xác theo đúng như dự tính.
Theo như PGS.TS Vũ Thanh Ca, các biện pháp để đảm bảo môi trường biển an toàn, bảo vệ sức khoẻ người dân hiện nay đó là:
— Tiếp tục giám sát liên tục môi trường biển.
— Tiếp tục lấy mẫu trầm tích biển và đánh giá mức độ ô nhiễm tại các khu vực bị phát hiện ô nhiễm để xử lý kịp thời.
— Xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung.
— Kịp thời thông báo cho người dân khi có những dấu hiệu bất thường về chất lượng nước biển.
Sẽ làm gì nếu hợp chất độc tố hoá học cyanua và phenol không tự phân huỷ hết?
“Hút trầm tích đáy biển là một giải pháp có thể được cân nhắc trong trường hợp này. Áp dụng phương pháp này, chúng ta sẽ phải huy động các tàu hút xuống biển. Với dải biển dài 209km, hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên theo dự kiến. Sau đó, các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn sẽ phải được tiến hành”, TS Lợi cho biết.
Tuy nhiên, để hút một tấn trầm tích sẽ mất tối thiểu 11 USD, cao nhất là 36 USD. Như vậy, sẽ phải mất hàng nghìn tỷ đồng nếu hút trầm tích ở dải biển dài 209 km, TS Lợi cho biết thêm.
Vì sao Đà Nẵng không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường miền Trung?
Các nhà khoa học cho biết, lý do mà Đà Nẵng không bị ảnh hưởng từ sự cố trên là khi dòng độc tố chảy đển vịnh Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế thì gặp chân đèo Hải Vân chắn lại, tạo thành một vòng xoáy lưu giữ độc tố ở khu vực Thừa Thiên-Huế. Sở dĩ, một số cá chết được tìm thấy ở Đà Nẵng là do từ dòng hải lưu đưa vào, và khi đến Đà Nẵng, chúng đã trong trạng thái phân huỷ nặng.
Ngoài ra, môi trường biển ở vùng cá chết mất khoảng 60-70 năm chưa chắc đã hồi phục. Đó là một lời khẳng định bởi PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, dẫn tin từ Dân trí.
PGS.TSKH Nguyễn Tác An còn cho rằng: “Bản thân thiên nhiên có một chức năng là tự hồi phục nhưng rất lâu. Nếu như môi trường không được cải thiện, luôn bị tác động bởi chất thải thì nó sẽ không hồi phục được. Con người phải xử lý được chất thải đấy và trả lại điều kiện sống cho môi trường biển bằng các chương trình sinh – lý – hóa hoạt động. Còn không trả lại điều kiện đấy thì nó sẽ hình thành lại những quá trình khác phù hợp điều kiện mới và cái đó thì lâu vô cùng”.
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình