Hẳn bạn đã biết, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D cho xương chắc khỏe. Cơ thể hoạt động theo đồng hồ sinh học cũng nhờ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, ánh nắng cũng là một tác nhân hàng đầu gây nên các vấn đề về tổn thương da. Đặc biệt, nó còn nhiều nguy cơ sức khỏe khác mà bạn không ngờ tới. Đó là gì? Mời bạn tìm hiểu 7 tác hại của ánh nắng.
Tổn thương mắt
Tiếp xúc với ánh nắng lâu và không có sự bảo hộ bằng kính râm; hoặc nón che đầu có thể gây tổn thương võng mạc. Võng mạc nằm ở phía sau của nhãn cầu, được kết nối với não bởi các dây thần kinh thị giác. Nó sẽ giúp truyền thông tin từ mắt tới não và cho phép chúng ta nhìn thấy. Bên cạnh đó, tổn thương do tiếp xúc tia cực tím có thể làm xuất hiện các đốm trắng ờ rìa giác mạc. Lâu dần chúng phát triển khắp giác mạc, khiến mắt trở nên mờ lòa.
Tia cực tím cũng là tác nhân làm phát triển bệnh đục thủy tinh thể. Hiện tại vẫn chưa có đánh giá về việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bao lâu thì sẽ gây tổn hại. Vì thế, phòng chống tác hại của ánh nắng tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng vào thời gian cao điểm.
Kiệt sức vì nóng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC); kiệt sức vì nóng là phản ứng của cơ thể đối với việc mất nước và muối quá mức. Thường là do đổ mồ hôi nhiều. Các triệu chứng kiệt sức vì nóng có thể là những dấu hiệu như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đuối sức; cáu gắt, khát nước, nhiệt độ cơ thể tăng, đổ mồ hôi nhiều, tiểu ít.
Ngoài ra, nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng quá lâu cũng có thể dẫn đến say nắng (sốc nhiệt). Đây là một chứng bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt và có thể đe dọa tính mạng. Theo CDC, say nắng khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và có thể đạt tới hơn 40 độ C trong vòng 10 đến 15 phút. Vì vậy, người bị say nắng cần được cấp cứu ngay lập tức. Các triệu chứng của say nắng bao gồm: lú lẫn, nói khó, mất ý thức (hôn mê), da nóng; khô hoặc mồ hôi vã ra như tắm và co giật.
Rôm sảy
Tình trạng rôm sảy thường xảy ra trong thời tiết nóng ẩm. Triệu chứng cụ thể thường là đốm mụn đỏ hoặc mụn nước ở nếp gấp da, nếp gấp khuỷu tay; háng hoặc trên cổ và ngực trên. Để giảm tình trạng rôm sảy, bạn chỉ cần thay đổi sang môi trường mát mẻ để ngăn ngừa mồ hôi. Đồng thời, bạn phải luôn giữ cho vùng da khô thoáng. Tránh dùng các loại thuốc dạng mỡ hoặc kem.
Cháy nắng
Cháy nắng là tác hại dễ nhận thấy nhất sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 4 – 5 giờ. Nguyên nhân làm da bị cháy nắng là do tia UVB. Mặc dù UVB chỉ chiếm 5% lượng tia tử ngoại trong trong bức xạ từ mặt trời và không xuyên qua da được như UVA. Nhưng tác hại của loại tia này không hề nhỏ. Theo đó, loại tia này sẽ làm tổn thương da ở tầng biểu bì. Nó sẽ khiến da trở nên đen sạm, khô nẻ và cháy nắng. Không dừng lại ở đó, tia UVB còn làm tổn thương trực tiếp DNA, gây ra nguy cơ ung thư da cao.
Các triệu chứng của cháy nắng bao gồm da bị đỏ, căng đau, sưng, rộp; hoặc một số biểu hiện giống bệnh cúm như buồn nôn, sốt, ớn lạnh hoặc nhức đầu… Khi bị cháy nắng, người bệnh thường sẽ mất vài ngày và thậm chí là vài tuần mới có thể hồi phục. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có khả năng dẫn đến các biến chứng khác. Vì vậy, nếu gặp biểu hiện sốt do cháy nắng, bạn cần đến thăm khám ngay ở các cơ sở y tế.
Nám, sạm da
UVA là tia chiếm đến 95% lượng tia tử ngoại chạm vào bề mặt trái đất với bước sóng từ 320 đến 400nm. Có 2 loại tia UVA bao gồm UVA1 (340 – 400nm), UVA2 (320 – 340nm). Loại tia này xuất hiện suốt cả ngày, quanh năm, không kể khi trời mây hay trời nắng. Nếu bạn thấy ánh sáng ban ngày vào bất cứ lúc nào, tia UVA có mặt lúc đó.
Vì vậy, khi ánh nắng tiếp xúc với bề mặt da, tia UVA2 sẽ tàn phá cấu trúc da ở tầng hạ bì. Nó sẽ khiến da càng tiết ra nhiều hắc sắc tố melanin để bảo vệ da. Từ đó, da sẽ xuất hiện các vết nám, sạm và đồi mồi… Nguyên nhân là do cơ thể tự tăng cường sắc tố bảo vệ, giảm thiểu tia cực tím xuyên qua da.
Nếp nhăn/ lão hóa
Ngoài gây nên nám da, tia UVA còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc trên da. Cụ thể, tia UVA1 sẽ len lỏi vào tận tầng hạ bì. Chúng sẽ phá vỡ các mô liên kết của da gọi là sợi collagen và elastin. Khi 2 mô này bị tổn thương sẽ khiến làn da bắt đầu chảy xệ. Dần dần, da sẽ mất đi độ săn chắc và xuất hiện các nếp nhăn. Nếu chú ý quan sát, bạn có thể thấy vùng da dưới cánh tay thường sẽ ít xuất hiện nếp nhăn, mảng khô da và chấm đồi mồi hơn so với vùng da mặt. Nguyên nhân là vì vùng da dưới cánh tay ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hơn.
Tác hại của ánh nắng lớn nhất là có thể gây ung thư da
Hậu quả tồi tệ nhất của tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời là ung thư da. Thời gian da xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời càng nhiều, nguy cơ phát triển ung thư da càng cao. Có ba loại ung thư da phổ biến gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u ác tính. Trong đó, u ác tính là loại ung thư da ít phổ biến nhất nhưng lại đang tăng lên hàng năm, đặc biệt là phụ nữ trẻ từ 18-29 tuổi. Nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cơ thể. Vì vậy, các chị em phụ nữ cần thăm khám đúng định kỳ để được chẩn đoán sớm tình hình bệnh nếu có.
Lưu ý để tránh tác hại của ánh nắng
Theo các bác sĩ da liễu cho biết, các tổn thương da do ánh nắng mặt trời đều có thể được ngăn ngừa bằng các biện pháp như: bôi kem chống nắng với chỉ số SPF 30 trở lên và chỉ số PA từ “++” trở lên. Bên cạnh đó, bạn cần mặc thêm quần áo chống nắng chuyên dụng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành và che kín toàn thân.
Khi thoa kem chống nắng, bạn phải thoa chúng 20 phút trước khi đi ra ngoài. Sau hai giờ ở ngoài nắng hoặc sau khi bơi hay đổ mồ hôi nhiều thì bạn nên thoa lại kem chống nắng để bảo vệ da.
Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Đặc biệt là vào các giờ ánh nắng có cường độ mạnh nhất; từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Nếu hoạt động ngoài trời trong thời gian dài; cần tìm những nơi có bóng râm che phủ để tránh các tác hại của ánh nắng. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về da trên cơ thể, hãy đến chuyên gia y tế hoặc bác sĩ da liễu để được tư vấn.
Thời tiết nắng nóng làm cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều khiến cho da không được cấp ẩm thường xuyên. Vì vậy, bạn cần đảm bảo chế độ bù đủ nước. Mức nước được khuyến cáo trong ngày là từ 2-2,5 lít.
Một lưu ý khác là thời tiết oi bức, nhiệt độ cao khiến nhiều người khó chịu nên liên tục tắm rửa. Điều này là không nên bởi tắm nhiều sẽ khiến da khô và dần mất đi độ ẩm. Chính vì vậy, bạn chỉ nên tắm 1-2 lần/ngày. Hạn chế tắm nước quá lạnh hay nóng làm hại làn da.
Mức độ UV như thế nào là nguy hiểm
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0 – 2 được xem là thấp và an toàn. Khi chỉ số UV từ 3 – 7, cần thoa kem chống nắng SPF từ 15 khi ra ngoài. Với chỉ số UV từ 8 – 10, nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút mà không được bảo vệ; bạn có thể bị bỏng da. Đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm. Chúng sẽ làm tăng nguy cơ da bị bỏng; nếu tiếp xúc ánh nắng khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Đặc biệt, tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm, nhất là trẻ em.
Sự khác biệt giữa các chỉ số chống nắng
Khi thoa đúng liều lượng, kem chống nắng có chỉ số SPF 15 sẽ chặn được khoảng 93% từ tia UVB. SPF 30 sẽ ngăn được khoảng 97% v SPF 50 l khoảng 98%. Theo định mức quốc tế, 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da. Đồng thời, nó còn hạn chế những tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút.
Ngoài chỉ số SPF, mọi người cần chú ý đến chỉ số PA trên kem chống nắng. Đây l những chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của sản phẩm. Với ký hiệu PA, dấu + phía sau càng nhiều thì khả năng chặn được tia UVA càng cao:
PA+: Có khả năng chống tia UVA, ở mức 40 – 50%; PA++: Chống UVA tương đối tốt, ở mức 60 – 70%; PA+++: Chống tia UVA tốt, lên đến 90%; PA++++: Chống tia UVA rất tốt, lên đến hơn 95%.
Tiếp Thị Gia Đình