Dù là già hay trẻ, giấc ngủ cũng góp phần quan trọng giữ gìn sức khoẻ. Ngủ đủ giấc đem lại nhiều lợi ích. Ngược lại thiếu ngủ sẽ tạo ra những hậu quả tiêu cực. Các bậc phụ huynh đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi: Mỗi ngày nên cho con ngủ bao nhiêu giờ là đủ hay chưa?
Giấc ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con
Giấc ngủ có tác động đến khả năng tập trung của trẻ. Nó ảnh hưởng một cách gián tiếp tới khả năng tiếp thu cũng như nhận thức trong học tập.
Ngoài ra, giấc ngủ còn góp phần điều chỉnh hormone thèm ăn. Thiếu ngủ khiến con muốn ăn nhiều hơn dù cơ thể đã no. Điều này làm gia tăng nguy cơ béo phì.
Việc nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc giúp điều hoà huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim. Đồng thời giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ, giảm viêm và tăng cường hệ miễn dịch cho con. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cải thiện sức khoẻ tâm thần. Những đứa trẻ không ngủ đủ giấc dễ bị trầm cảm. Chúng khó nhận biết được cảm xúc và phản ứng của người khác.
Nên cho con ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày là đủ?
Nhu cầu về giấc ngủ sẽ khác nhau theo từng độ tuổi. Dưới đây là hướng dẫn cơ bản từ bác sĩ Nhi khoa đến từ Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM).
- 4-12 tháng tuổi: 12-16 giờ (bao gồm cả giấc ngủ ngắn)
- 1-2 tuổi: 11-14 giờ (bao gồm cả ngủ trưa)
- 3-5 tuổi: 10-13 giờ (bao gồm cả ngủ trưa)
- 6-12 tuổi: 9-12 giờ
- 13-18 tuổi: 8-10 giờ
>> Xem thêm: 6 bí kíp giúp cha mẹ dạy con không cần đòn roi
Dấu hiệu cho thấy con bạn không ngủ đủ giấc
Cáu gắt, quấy khóc là biểu hiện dễ thấy nhất ở những đứa trẻ không được ngủ đủ giấc. Ngoài ra còn có các dấu hiệu cụ thể mà bạn cần lưu ý, đó là:
- Ngủ gật vào ban ngày.
- Khó thức dậy đúng giờ.
- Hiếu động thái quá.
- Mất tập trung.
- Thiếu kiên nhẫn.
Có thể thấy, thiếu ngủ kéo dài sẽ làm giảm khả năng học hỏi của con ở trường. Vậy bạn nên làm gì để cải thiện giấc ngủ cho con?
Những thói quen tốt giúp con ngủ ngon hơn
Phụ huynh nên thiết lập đồng hồ sinh học giúp con. Bằng cách tạo ra những thói quen tốt trước giờ đi ngủ. Cụ thể như hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử. Tạo không khí phòng ngủ yên tĩnh, dễ chịu.
Bạn không nên ép con đi ngủ bởi điều này chỉ khiến tâm trí trẻ càng thêm căng thẳng. Với các bé ở độ tuổi tiểu học, hát hoặc kể chuyện cho con nghe là phương pháp hiệu quả. Điều này sẽ giúp con thư giãn, đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn.
Đối với bé sơ sinh, hãy nhớ cho con ăn trước khi ngủ. Nếu con thức dậy quá sớm, bạn cần bình tĩnh đợi để con tự ngủ lại chứ không nên vội vàng dỗ dành.
Tiếp Thị Gia Đình