Master Chef Hoàng Minh Nhật: Thành công từ góc bếp

Cô nhân viên ngân hàng Minh Nhật chiến thắng tại cuộc thi Master Chef 2014 là nhờ quyết tâm và không ngại thử nghiệm hết lần này đến lần khác

Khác với vẻ lạnh lùng và chững chạc trong bộ trang phục đầu bếp trên sóng truyền hình Master Chef Việt Nam 2014, ngoài đời Vua đầu bếp Minh Nhật rất hồn nhiên, nhí nhảnh. Cô tạo thiện cảm với chiếc mũi cao, gương mặt thanh thoát, vóc dáng thon thả, mái tóc uốn xoăn trẻ trung và ăn mặc có “gu”.

TTGĐ: Theo dõi các tập thi Master Chef, khán giả thường thấy gương mặt của Nhật rất ít cảm xúc. Bạn không căng thẳng hay lo lắng chút nào sao?

MINH NHẬT: Không đâu. Tôi căng thẳng lắm, có lúc hồi hộp muốn thót tim và phải vừa thi vừa lẩm nhẩm hát để lấn át cảm xúc. Dù vậy, ưu điểm của tôi là dù trong hoàn cảnh áp lực thế nào cũng không thể hiện điều đó ra bên ngoài. Một số anh trong ban tổ chức thấy Nhật lì quá, cố tình xuống đe dọa để thử thách tinh thần của tôi. Một lần, hai lần… mà gương mặt tôi vẫn “trơ lì” nên các anh không thèm chơi chiêu tinh thần này nữa. Sau này, các anh ấy gọi tôi là “cô bé không cảm xúc”. Bị chê đấy mà lại thấy vui.

Có lẽ công việc áp lực của một năm rưỡi làm trong ngành ngân hàng, hàng chục lần thử và sai để tìm ra công thức cho mỗi món ăn ngon đã rèn cho Nhật tính kiên trì, khả năng bình tĩnh để tiếp tục “chiến đấu”.

TTGĐ: Hàng chục lần thử nghiệm mới ra một món ăn? Bây giờ muốn làm món ăn nào cũng đã có sẵn cả chục công thức trên mạng Internet, Minh Nhật làm gì phải mất nhiều lần thử và sai như thế?

MINH NHẬT: Lúc đầu tôi cũng nghĩ như vậy đấy. Khi bắt tay vào nấu nướng, tôi phát hiện ra rằng, dù có làm y chang công thức cũng không thể ra được món ăn đẹp và ngon như minh họa.

Trong thời gian tập nấu để thi, tôi thử làm món bánh cuốn bằng bột gạo pha bột năng, không phải bột pha sẵn. Dù đã làm tỉ mỉ đúng theo công thức nhưng lúc ra chiếc bánh nhão nhoẹt, lúc dai, lúc lại không nên hình hài… Suốt cả một ngày, sau hơn 20 lần thất bại, cứ làm xong tôi lại bỏ đi, sau đó tự điều chỉnh tỷ lệ mới cho ra được loại bột ưng ý.

TTGĐ: Trong thời gian tập nấu ăn, chắc người thân, người yêu của Nhật dễ “bội thực” lắm nhỉ?

MINH NHẬT: (Cười thật tươi). Không sai. Dạo đó, mỗi tối đi làm về, từ 10 đến 12 giờ đêm, tôi bắt đầu học lý thuyết nấu ăn như cách cầm dao, cách thái, tỉa rau củ… Từ 12 giờ đến 3 giờ sáng, tôi bật bếp tập nấu các món ăn theo chủ đề. Kết quả là sáng nào sau khi thức giấc, ông bà, bố mẹ cũng có bữa sáng sang hơn… nhà hàng 5 sao với ít nhất 7 món ăn cùng nguyên liệu. Bạn trai quen Nhật 4 năm, anh đã tăng 5 cân vì nhiệm vụ thưởng thức đồ ăn và đưa người yêu đi ăn thật nhiều nơi, nhiều món. Nhờ đó, Nhật đã học lỏm được nhiều cách chế biến của các đầu bếp chuyên nghiệp.

TTGĐ: Thích nấu nướng như vậy, sao bạn không xác định con đường này ngay từ lúc thi đại học mà chọn ngành ngân hàng?

MINH NHẬT: Đây có lẽ là sai lầm mà Nhật và các bạn trẻ thường mắc phải. Khi chọn nghề, ta thường cân nhắc về độ “hot”, thu nhập tốt và ổn định mà ít ai tự hỏi đó có phải là đam mê, thế mạnh của mình không. Tôi thích nấu ăn từ nhỏ, lớp bốn đã tự làm thạch rau câu bảy màu, lớp sáu nấu ăn cho cha mẹ, lớp 11 đã thay mẹ nấu cỗ giỗ khi mẹ đi công tác… Rảnh lúc nào tôi lại tiêu khiển bằng nấu nướng. Ấy thế mà tôi không phát triển đam mê. Thật may, giờ phát hiện ra cũng chưa muộn. Hiện tại, tôi đã xin nghỉ việc ở ngân hàng để theo đuổi ước mơ.

150119_cover_minhnhat_02

Trước khi Nhật thi Master Chef, sáng nào gia đình cô cũng ăn sáng với 7 món cho một nguyên liệu

TTGĐ: Các đầu bếp sau khi thành công đều mở nhà hàng. Bạn đã nghĩ đến điều này chưa?

MINH NHẬT: Tôi đã nghĩ đến ước mơ này nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm hợp lý. Hiện tại tôi chỉ mới rẽ ngang vào con đường đầu bếp, còn quá trẻ và quá ít kinh nghiệm để có thể thực hiện ước mơ. Nghề nấu ăn đã dạy tôi phải kiên trì và bình tĩnh mà (cười). Tôi sẽ bắt đầu bằng việc đi học về ẩm thực, đi nhiều nơi trên thế giới để am hiểu văn hóa ẩm thực bốn phương. Khi chắc tay nghề, tôi mới tự tin thực hiện ước mơ.

TTGĐ: Sau thành công tại Master Chef 2014, Minh Nhật có cảm thấy hàm ơn ai không?

MINH NHẬT: Đó chính là bố mẹ. Tôi là con gái một nhưng bố mẹ không chiều chuộng theo kiểu con cưng. Tuổi nào việc nấy, bố mẹ dần dần dạy cách nấu ăn, lau nhà, giặt quần áo, đi chợ, chăm sóc cây cối… để tôi tự lập. Nếu không, có lẽ tôi sẽ không thành công như hôm nay.

TTGĐ: Nghe nói mẹ Nhật giỏi nấu ăn và là người hướng dẫn bạn những món đầu tiên. Nếu so sánh cách nấu của thế hệ trước với thế hệ mình bây giờ, Nhật thấy có gì khác không?

MINH NHẬT: Khác một trời đấy. Ngày trước ăn để no còn bây giờ ngoài ăn no, ngon còn phải khỏe mạnh nữa. Ngày trước, kệ bếp của mẹ chỉ có vài hũ gia vị cơ bản như tiêu, ớt, tỏi… bây giờ, tôi có hơn 200 loại. Ngày trước, bà và mẹ luôn có hũ mỡ lợn để làm các món xào, rán còn bây giờ, mỡ lợn đã mất hút. Thay vào đó, tôi có tới 4 loại dầu trên kệ bếp: Dầu thực vật để chiên, rán lành mạnh cho sức khỏe; dầu gạo, dầu ô-liu, dầu hạt cải để trộn salad và làm đẹp tại gia. So với mỡ lợn, chất béo từ dầu thực vật tốt cho sức khỏe, giảm thiểu được nguy cơ béo phì, huyết áp cao, giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa tim mạch. Ông mắc bệnh thận, bà huyết áp cao, bố mẹ thích món rán. Để cân bằng tất cả các nhu cầu này, tôi chỉ còn cách trở thành cô đầu bếp khó tính, chọn ra được những chai dầu ăn tốt nhất cho sức khỏe.

TTGD: Vậy trong các món ăn, Minh Nhật hay làm món nào?

MINH NHẬT: Bố tôi thích tôm tẩm bột chiên nên tôi thường vào bếp trổ tài món này. Món ăn có vị ngọt của tôm, có độ giòn của bột chiên, lại có hương thơm của dầu. Đây là sự hòa quyện hoàn hảo để “đưa cơm” trong mỗi bữa ăn.

Tuy nhiên, không phải dùng dầu nào chiên cũng ngon đâu. Bí quyết của tôi là chọn dầu của các thương hiệu uy tín, loại có màu vàng sáng, trong suốt, mùi thơm nhẹ, hơi sánh. Đặc biệt, tôi thường đọc kỹ nhãn mác để chọn loại có tỷ lệ chất béo bão hòa (SFA), chất béo chưa bão hòa đơn (MUFA) và chất béo chưa bão hòa đa (PUFA) theo tỷ lệ cân bằng 1:1:1. Đây là tỷ lệ vàng của các a-xít béo quan trọng cho cơ thể, giúp bữa ăn ngon và gìn giữ cơ thể khỏe mạnh.

TTGD: Cám ơn Minh Nhật! Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh và có thêm nhiều món ăn ngon.

Bạn có thể xem clip hậu trường ở đây.

5 BÍ MẬT CỦA VUA ĐẦU BẾP 2014

√ Nhất định không ăn dưa hành dù khi Minh Nhật muối hành, cả nhà đều khen ngon.

√ Sở thích đặc biệt: nghe cải lương mỗi tối thứ Bảy. Nhật tự nhận mình truyền thống, thích tìm hiểu văn hóa Việt.

√ Khi đi du lịch sẽ ăn thật nhiều. Nếu phát hiện gia vị mới, cô lập tức dò hỏi để mua hoặc xin về bằng được.

√ Kế hoạch tương lai: Viết sách nấu ăn, mở kênh YouTube dạy nấu ăn một cách chi tiết, tỉ mỉ cho các bạn trẻ.

√ Lên xe hoa vào năm 2015: Bạn trai cô là người sành ẩm thực. Anh hay thách đố để khuyến khích người yêu tìm tòi, chế biến thật nhiều món ngon.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua