Khi đang là giáo viên dạy văn, một ngày, tôi “rẽ ngang” để theo nghề báo. Năm ấy tôi hai mươi hai tuổi, đầy nhiệt huyết và hoài bão”, nhà báo Nguyễn Thị Minh Diệu chia sẻ. Chị chọn đúng mảng “khó nhai” nhất là viết về chính trị xã hội.
NHỮNG LẦN NHẬP VAI…
Công việc buộc tôi phải nhập nhiều vai khác nhau để lấy thông tin, khiến tôi bất đắc dĩ trở thành diễn viên. Những lần nhập vai từ cô gái quê đến dân ăn chơi, khi là người tình của các trinh sát đã trở thành những kỷ niệm khó quên đối với tôi. Có ngày, buổi sáng tôi ăn mặc giản dị đi gặp những cảnh đời bất hạnh. Tối đến, tôi trở thành dân chơi với tóc xịt keo màu, mặc đồ mát mẻ, phì phèo thuốc lá bước vào các “động lắc”.
Tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Công việc cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều số phận. Ở đó, trên những chuyến đi, tôi chạm vào, cảm, thấm thía với mọi nỗi khổ trong đời. Công việc cũng cho tôi nhiều cơ hội để lắng nghe và lên tiếng thay những cuộc đời oan trái. Đôi lúc tôi lén lau nước mắt trước nỗi đau của những người cũng là phụ nữ như mình.
VÀ NƯỚC MẮT
Lúc nào tôi cũng trong tư thế lên đường. Có đêm, đang êm ấm với gia đình, có điện thoại, tôi lại vác máy đi. Ngày con bệnh nhưng có việc đột xuất, tôi lại đi. Những ngày xa nhà triền miên, bao năm qua, luôn là nỗi niềm đau đáu nhất trong lòng tôi. Đôi khi tôi thấy mình thật có lỗi khi không ở bên con nhiều hơn.
Chính những lời khen, chê của độc giả là nguồn động viên khiến tôi mạnh dạn cầm bút. Song, có lúc tôi thấy sao nghề mình chát, đắng trước bao nhiêu lời hăm dọa của những đối tượng bị phơi bày. Biết hiểm nguy, khó khăn nhưng chính những điều ấy càng thôi thúc tôi dấn thân.
Tôi nhớ lần cùng đồng nghiệp đi làm phóng sự truyền hình về ma túy trên địa bàn thành phố. Để bắt được quả tang cảnh chích ma túy, chúng tôi đã sẵn sàng máy quay để quay nóng. Khi đó, tôi xông vào một nhà vệ sinh công cộng. Lúc tôi đang nói trước ống kính, một con nghiện đang chích bỗng ngã vật ra, nằm ngay dưới chân, tay còn cầm ống chích đầy máu. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy sợ.
Và cuối cùng, sự liều lĩnh đã khiến tôi phải trả giá đắt. Năm đó, tôi theo chân các trinh sát hình sự Công an TP. HCM bắt một đàn em của Năm Cam đang lẩn trốn ở huyện Bình Chánh. Tôi còn nhớ, cảm giác ngồi sau xe máy của một trinh sát, các anh chạy nhanh đến nỗi tôi cứ tưởng mình đang “bay”. Suốt mấy tháng ròng bám theo vụ án Năm Cam, tôi sẩy thai. Đó mãi là một vết đau. Dù vậy, khi đang nằm nghỉ dưỡng, có điện thoại báo các trinh sát đi bắt mại dâm là tôi lại lên đường.
Khi viết, dù là một mảnh đời bất hạnh, một giang hồ cộm cán, một chính khách, tôi luôn đặt câu hỏi “vì sao” để lý giải những góc khuất và có cái nhìn nhân văn hơn cho nhân vật.
Tháng Sáu này tôi lại đi, một chuyến đi dự báo nhiều vất vả.
THÔNG TIN THÊM
√ Chị Minh Diệu hiện là biên kịch, biên tập viên phòng phim truyện Đài Truyền hình TP. HCM. Chị bảo: “Tôi coi nghề báo là một cái nghiệp đã mang vào mình. Qua đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến ông xã, người đã luôn thông cảm và thấu hiểu công việc của vợ. Tôi có hai đứa con ngọt ngào lắm, mỗi lần đi xa, đến nơi, mở va li ra luôn có thư của hai con. Khi thì vài lời yêu thương viết vội, khi chỉ là tấm thiệp tự làm. Tình yêu đó của con là động lực để tôi cống hiến hết mình”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình