Khoảng 1/4 người trưởng thành có vấn đề về giấc ngủ và ước tính khoảng 6–10% bị mất ngủ. Người mất ngủ thường khó ngủ, thiếu ngủ và gặp hàng loạt các triệu chứng sau đêm thiếu ngủ như mệt mỏi; khó tập trung cũng như các rối loạn tâm trạng.
Không dừng lại với những ảnh hưởng trên công việc, so với người ngủ tốt; người mất ngủ gặp nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm cao gấp 5 lần, nguy cơ bị suy tim sung huyết và tiểu đường cao gấp 2 lần; có nguy cơ lạm dụng rượu hoặc ma túy cao hơn 7 lần trong vòng 3,5 năm.
Nguy cơ tử vong ở người thiếu ngủ cũng cao hơn người ngủ tốt. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Một trong những nguyên nhân có thể do cơ thể không sản xuất đủ melatonin – hormone giúp bạn ngủ ngon khi đêm về.
Melatonin là gì?
Melatonin là hormone được cơ thể tạo ra tự nhiên nhờ tuyến tùng trong não. Mức độ melatonin bắt đầu tăng lên trong cơ thể khi trời tối, báo hiệu cho cơ thể đã đến giờ đi ngủ.
Melatonin liên kết với các thụ thể trong não, giúp giảm các hoạt động thần kinh; liên kết với các thụ thể trong mắt, giúp giảm nồng độ hormone tỉnh táo dopamine… Tất cả giúp cơ thể thư giãn, sẵn sàng cho giấc ngủ. Nồng độ hormone melatonin càng cao, bạn càng dễ ngủ.
Tuy nhiên, ở nhiều người, cơ thể không tạo ra đủ melatonin. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sản xuất melatonin. Phổ biến nhất là hút thuốc lá, căng thẳng, tiếp xúc nhiều với ánh sáng đèn điện; ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử; làm việc ban đêm và sự lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Với những người có nồng độ melatonin thấp, việc bổ sung melatonin giúp ngủ ngon hơn.
Bổ sung Melatonin giúp ngủ ngon
Việc bổ sung melatonin khá dễ dàng. Bạn có thể tìm thấy chúng ở dạng tự nhiên hoặc tổng hợp. Cần lưu ý:
– Liều dùng và thời gian dùng melatonin phải do bác sĩ chỉ định. Chuyên gia về giấc ngủ Michael Grandner tại Đại học Arizona ở Tucson, cho hay, liều dùng melatonin từ 0,5–3mg mỗi ngày.
– Thời gian uống melatonin cũng quan trọng không kém. Melatonin thường bắt đầu tăng khoảng 2 giờ trước khi bạn đi ngủ, vì vậy để tăng nồng độ melatonin, hãy uống melatonin khoảng 2 giờ trước khi muốn đi ngủ.
– Bạn cũng có thể tăng melatonin cho cơ thể bằng cách thêm một vài loại thực phẩm quan trọng vào chế độ ăn uống của mình. Nước ép anh đào, các thực phẩm giàu tryptophan như cá, thịt gia cầm, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, chuối, sữa và các loại đậu là những lựa chọn lý tưởng.
– Mặc dù gây tác dụng phụ ít hơn so với các loại thuốc ngủ khác, bạn vẫn có thể gặp các vấn đề như: Buồn ngủ vào ban ngày, đau đầu, chóng mặt, cảm giác khó chịu ở dạ dày, lo lắng. Nếu gặp tác dụng phụ; hãy nói với bác sĩ để giảm liều.
– Melatonin có thể tương tác bất lợi với một số loại thuốc, gồm: Thuốc chống đông máu, thuốc ức chế hệ miễn dịch; thuốc tiểu đường, thuốc tránh thai.
– Không lái xe hoặc sử dụng máy móc dễ gây tổn thương trong 4-5 giờ sau khi uống melatonin.
– Không bổ sung melatonin khi mang thai. Melatonin cũng có thể gây trở ngại cho sự rụng trứng, khiến việc mang thai khó khăn hơn. Bởi thế, bạn đừng uống nếu đang mong có em bé.
– Melatonin có ảnh hưởng tới các kích thích tố khác trong cơ thể; gây trở ngại cho sự phát triển trong thời niên thiếu. Đó là lý do bác sĩ khuyên không dùng melatonin cho người dưới 18 tuổi.
– Không uống các thức uống có chứa caffeine khi sử dụng melatonin.
– Đừng lạm dụng bổ sung mà hãy tạo điều kiện cho cơ thể sản xuất melatonin tự nhiên tốt nhất. Cách đơn giản là trong khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ; bạn tránh xa màn hình kỹ thuật số như điện thoại, máy tính, tivi. Khi ngủ, hãy tắt hết đèn, kéo rèm kín để ngăn các loại ánh sáng cản trở việc sản xuất melatonin của cơ thể.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình