Người bị thiệt hại trong vụ máy bay làm tốc mái nhà dân là ông Lê Văn Tiến, ngụ xóm 21, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Theo lời ông Tiến thuật lại, vào khoảng 13 giờ ngày 27−5, trong lúc cả nhà đang nghỉ trưa, ông nghe tiếng động cơ máy bay trên đường hạ cánh ở rất gần mái nhà. Đúng lúc đó, con dâu ông hét lên vì ngói rơi xuống. Lo sợ sẽ xảy ra sự cố, ông và cả nhà vội vàng lao ra ngoài. Cùng thời điểm, có khoảng 200 viên ngói đổ xuống.
Nghĩ rằng việc này có liên quan đến chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Vinh ở cách đó không xa, ông Lê Văn Tiến đã liên hệ với Cảng vụ hàng không sân bay Vinh và công an xã Nghi Trung để yêu cầu giải quyết vụ việc.
Buổi chiều cùng ngày, ông Hồ Sỹ Nam, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc tại Cảng hàng không Vinh, phối hợp với công an xã Nghi Trung đã đến tận nơi xác minh vụ máy bay làm tốc mái nhà dân.
Qua kiểm tra tại đài không lưu, ông Nam cho biết, vào lúc 12 giờ 58 phút ngày 27−5, một máy bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từ TP. HCM đã hạ cánh xuống sân bay Vinh trong chuyến bay thông thường. Đồng thời cũng khẳng định máy bay này hạ cánh đúng quy định.
Theo ông Hồ Sỹ Nam, nhà của ông Tiến nằm trong dải bay, ở đầu đường cất và hạ cánh của đường băng sân bay Vinh, cách mép đường băng 1,7 km. Chiều cao của ngôi nhà tầm 4−5m, không vi phạm quy định tĩnh không trong phạm vi xung quanh sân bay.
Liên quan đến việc nhà ông Tiến bị tốc mái, có rất nhiều giả thuyết được đưa ra như do máy bay và thời tiết. Trong đó với nguyên nhân về thời tiết, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ sau khi kiểm tra các thiết bị quan trắc đã xác nhận không có hiện tượng gió mạnh bất thường, cũng không có giông, gió lốc tại thời điểm xảy ra vụ tốc mái nhà.
Theo thông tin người dân cung cấp, cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 5 vụ máy bay làm tốc mái nhà dân, làm lúa, ngô bị đổ.
Vụ việc đang được Cục hàng không Việt Nam khẩn trương làm rõ và xác định trách nhiệm của các bên có liên quan.
QUY ĐỊNH VỀ CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG
Theo Luật hàng không dân dụng Việt Nam và Nghị định 20/2009 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, cấm hành vi: “Xây dựng công trình kiến trúc, lắp đặt trang bị, thiết bị, trồng cây có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động bay và hoạt động của các trang bị, thiết bị quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay” và phải cảnh báo hàng không với những chướng ngại vật sau đây:
– Có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay;
– Nằm trong phạm vi vùng trời lân cận của sân bay, có độ cao trên 45 mét so với mức cao sân bay;
– Có độ cao trên 45 mét so với mặt đất tự nhiên;
– Các chướng ngại vật quy định tại Phụ lục IV Nghị định này (Nghị định 20/2009)
– Những trường hợp đặc biệt được miễn trừ cảnh báo hàng không do Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình