Người mắc chứng máu khó đông cân nhắc gì khi tiêm vaccine ngừa Covid-19?

Người mắc chứng máu khó đông cần có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định tiêm vaccine

Người mắc chứng máu khó đông cân nhắc gì khi tiêm vaccine ngừa Covid-19? Ảnh: Shutterstock

Người mắc chứng máu khó đông được liệt vào một trong những đối tượng cần thận trọng khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chính vì thế trước khi quyết định tiêm vaccine cần khám sàng lọc cũng như nhận sự tư vấn từ bác sĩ.

Người mắc chứng máu khó đông nên tiêm vaccine Pfizer

Theo ý kiến của PGS.TS.BS Trần Quang Bính (Giám đốc chuyên môn – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) với trường hợp mắc bệnh lý về máu, gây ra tình trạng dễ xuất huyết thì trước khi tiêm vaccine, bệnh nhân cần điều trị ở tình trạng ổn định. Trường hợp này nên tiêm vaccine Pfizer.

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên tiến hành thử máu để đo lại số tiểu cầu. Theo tư liệu tiêm chủng ngừa COVID-19 đề cập, nếu tiểu tiểu cầu giảm dưới 20.000/microlit máu thì không đủ điều kiện chích ngừa. Tiểu cầu bình thường từ 250.000 đến 400.000/microlit máu.

Với bệnh nhân tiểu cầu từ 20.000 – 50.000/microlit máu, khi tiêm vaccine bác sĩ sẽ khuyên lấy tay ấn vào chỗ tiêm 5 phút để không chảy máu. Sau đó có thể băng lại rồi đi về.

>>Xem thêm: Đâu là những bệnh nền có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19?

Bệnh lý nền đã điều trị ổn định từ 3 tháng thì có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay

Người có bệnh lý nền, đã điều trị ổn định từ 3 tháng thì có thể tiến hành tiêm vaccine ngay. Song đối với nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền chưa ổn định, cần thăm khám bác sĩ để sàng lọc, kiểm tra trước khi chích ngừa.

Bệnh nhân nên lựa chọn các bệnh viện uy tín để thăm khám, khẳng định lại tình trạng bệnh. Khi chích ngừa xong được tư vấn và theo dõi phản ứng sau tiêm. Nếu xuất hiện bất kì triệu chứng nào kéo dài hơn một vài ngày hoặc các triệu chứng nghiêm trọng thì cần sự can thiệp y tế kịp thời.

>>Xem thêm: Làm gì để tránh nhiễm Covid-19 khi đi tiêm vaccine?

Người mắc chứng máu khó đông cần cẩn thận hơn trong sinh hoạt sau khi tiêm. Chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng, tránh để chảy máu chân răng hoặc tai nạn rách da. Lưu ý tuyệt đối không châm cứu hay massage ở giai đoạn này. Bên cạnh đó cần có thói quen ngủ nghỉ lành mạnh, tránh căng thẳng. Không dùng các thuốc gây chảy máu như Aspirin.

Trong giai đoạn hiện nay, vaccine phòng bệnh tốt nhất là loại được tiêm ngừa sớm nhất. Vì thế người dân nên cố gắng để được tiêm sớm và tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Khi đi tiêm phòng cần tuân thủ quy tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) để giữ an toàn cho bản thân.

(Theo VnExpress)

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua