Mới đây, hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách pháp luật về bình đẳng giới và dân số − phát triển” đã diễn ra với một trong những vấn đề nan giải hiện nay: Việt Nam đang trong tình trạng mất cân bằng giới tính đáng báo động, đứng trước nguy cơ thừa hơn 4 triệu nam giới vào năm 2050.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số − Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết: Nếu như vào năm 2000, tỷ số giới tính ở Việt Nam là 106,2 bé trai/ 100 bé gái thì giờ đây con số đó đã tăng lên 112,8 bé trai/ 100 bé gái vào năm 2015. Đáng lo ngại hơn là tỷ lệ ấy có xu hướng tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo.
“Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng từ nông thôn đến thành thị”, ông Tân nói thêm.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số − Kế hoạch hóa gia đình, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục gia tăng ở cả thành thị và nông thôn, 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao với trên 108 bé trai/100 bé gái. Theo thống kê, số lượng tỉnh có tỷ lệ giới tính nam khi sinh từ 115 trở lên tăng từ 10 tỉnh, thành vào năm 2009 lên 16 tỉnh, thành vào năm 2014.
Các chuyên gia còn cho rằng, tỷ số mất cân bằng giới tính sẽ tăng lên khoảng 125 bé trai/ 100 bé gái vào năm 2020, và duy trì ở mức này đến năm 2050. Như vậy, nước ta sẽ thiếu khoảng từ 2,3 triệu − 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050 nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Điều này, sẽ dẫn đến nhiều tệ nạn khác trong xã hội kèm theo những hệ luỵ không lường.
Hệ luỵ từ việc mất cân bằng giới tính khi sinh
Tình trạng thiếu hụt nữ giới sẽ gây ra các hậu quả về lâu dài và các tệ nạn xã hội khác như:
— Làm tăng áp lực buộc trẻ em gái phải kết hôn sớm, bỏ học để lập gia đình.
— Làm tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, bạo hành và xâm phạm tình dục trẻ em và phụ nữ v.v…
— Đẩy nhanh quá trình già hoá dân số khi sự thiếu hụt phụ nữ có thể làm giảm tỷ lệ sinh, giảm dân số trong nhóm người ở độ tuổi lao động.
— Một bộ phận nam giới có thể sẽ phải kết hôn muộn hoặc không có khả năng kết hôn.
Biện pháp khắc phục
Để nhằm đạt được mục tiêu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, nghĩa là tỷ số này sẽ dưới mức 115 vào năm 2020 và giảm tỷ số giới tính khi sinh ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016−2020 ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115 trở lên, phải cần thực hiện một số biện pháp khắc phục như:
— Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức người dân, không còn nạn phân biệt và lựa chọn giới tính, mê tính dị đoan mà trọng nam khinh nữ.
— Kiểm soát việc lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định pháp luật về việc siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi.
— Đề ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
— Đề ra các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
— Nghiên cứu và xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo v.v…
Tuy nhiên,trên thực tế, việc kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh lại không hề dễ dàng khi đa số các trường hợp phân biệt giới tính đều xuất phát từ nhận thức của người dân.
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội thừa nhận:
“Bà mẹ, ông bố nào cũng muốn biết con mình là trai hay gái ngay từ lúc mang thai. Do đó, họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích và để xử lý họ rất khó. Với các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi cũng vậy, rất khó để phát hiện được vi phạm của họ, bởi không bác sĩ nào nói thẳng rằng thai nhi là trai hay gái hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm mà có thể là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu chỉ người nhà sản phụ hiểu được. Trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ, biên lai… rõ ràng.”
Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tổng cục Dân số − Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, muốn kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ vì đây là vấn đề liên quan đến văn hóa, nhận thức của mỗi người dân.
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình