Mang thai sau tuổi 35, cần chú ý những gì?

Mang thai sau tuổi 35 cần chú ý những gì để tránh những rủi ro có thể xảy ra cho bà mẹ và thai nhi?

Mang thai sau tuổi 35 đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có thể gây nguy hiểm cho cả bà mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, rất nhiều phụ nữ mang thai sau tuổi 35 vì họ còn phải theo đuổi công danh, sự nghiệp.

Vậy để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra cho cả mẹ và bé, các bà bầu ngoài 35 tuổi cần phải làm gì? Và cần hiểu biết trước những rủi ro nào có thể xảy đến?

Khám sức khỏe trước khi mang thai

Trước khi mang thai, bạn nên đến bác sĩ để khám kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe và cho bạn biết cơ thể bạn có đủ khả năng để có một thai nhi khỏe mạnh hay không? Thông qua kết quả khám sức khỏe, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên điều chỉnh thói quen, lối ăn uống sinh hoạt như thế nào để cơ thể sẵn sàng chào đón một đứa bé.

Bổ sung axit folic ngay từ 3 tháng trước khi mang thai

Axit folic là một trong những vi chất rất cần thiết đối với việc sản xuất các tế bào mới. Bổ sung sớm axit folic trước khi mang thai có thể giúp phòng tránh các bệnh có liên quan đến dị tật ống thần kinh.

Các chuyên gia khuyến cáo những phụ nữ đang mang thai cần phải bổ sung thêm axit folic trong suốt thai kỳ với hàm lượng từ 400 – 800 microgram mỗi ngày. Đối với những phụ nữ có ý định mang thai, nên bổ sung 400 microgram mỗi ngày trong suốt 3 tháng trước mang thai.

Tăng cân thông minh trong suốt thai kỳ

Đối với các bà bầu ngoài 35 tuổi, việc tăng cân trong thai kỳ cũng cần được theo dõi và điều chỉnh cho hợp lý. Nếu bà bầu bị béo phì hoặc tăng cân quá mức sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường…

Các chuyên gia khuyên chị em phụ nữ chỉ nên tăng trung bình từ 12 – 15kg trong suốt quá trình mang thai. Nếu người mẹ thiếu cân trước khi mang thai nên tăng 12-18kg. Trường hợp mẹ dư thừa cân trước khi mang thai, nên tăng từ 7-11kg. Nếu mẹ có song thai thì nên tăng 16-20kg.

Ngoài ra, bà bầu cũng nên để ý đến cân nặng của em bé để xem mức tăng cân của bé có tỉ lệ với mẹ hay không. Một chế độ tập luyện và ăn uống lành mạnh hằng ngày cũng sẽ giúp các bà bầu phòng tránh được rất nhiều nguy cơ rủi ro trong suốt thai kỳ.

Tìm hiểu về các xét nghiệm chẩn đoán tiền sản

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, những thai phụ ngoài 35 tuổi nên làm một số các xét nghiệm cần thiết:

Sinh thiết gai nhau (CVS)
Thời điểm: Từ tuần thứ 11-13 của thai kỳ.
Đối tượng: Những phụ nữ có xét nghiệm double test nguy cơ cao hay kết quả xét nghiệm độ mờ da gáy dày > 3mm hoặc có tiền căn bản thân, gia đình có sinh con dị tật nhiễm sắc thể.

Chọc ối
Thời điểm: Giữa tuần thứ 15-20 của thai kỳ.
Đối tượng: Phụ nữ trên 40 tuổi, xét nghiệm double test, tripple test nguy cơ cao, hoặc siêu âm có những dấu hiệu nghi ngờ như bất sản xương mũi.

Tripple test
Thời điểm: Giữa tuần 15-20 của thai kỳ.
Đối tượng: Đây là xét nghiệm tầm soát tính nguy cơ dị tật nhiễm sắc thể và dị tật ống thần kinh cho thai nhi.

Xét nghiệm dung nạp đường
Thời điểm: Từ tuần lễ thứ 24 đến 28
Đối tượng: Nên tầm soát mọi phụ nữ mang thai vì 20% phụ nữ mang thai Việt Nam mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ.

Những rủi ro có thể gặp phải

Những trường hợp mang thai ngoài 35 tuổi, ngoài nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down thì thai phụ cũng có thể gặp phải một số các nguy cơ khác như: nguy cơ cao huyết áp tăng khoảng 10-20%; nguy cơ tiểu đường tăng 2 – 3 lần; tỉ lệ sẩy thai cũng tăng lên đến 18% so với những phụ nữ trẻ. Ngoài ra tỉ lệ thai chết lưu cũng tăng gấp 2 lần. Tỉ lệ buộc phải mổ đẻ cũng tăng lên gấp 2 lần so với những người mang thai dưới 30 tuổi.

Mang thai sau tuổi 35 các bà mẹ cần chú ý những điều gì?

• Khám sức khỏe trước khi mang thai để xác định cơ thể mình có đủ khả năng để có một thai nhi khỏe mạnh hay không?

• Bổ sung 400 microgram axit folic mỗi ngày trong suốt 3 tháng trước mang thai và 400 – 800 microgram mỗi ngày từ khi mang thai đến khi sinh.

• Tìm hiểu về những xét nghiệm tiền sản quan trọng dành cho thai phụ ngoài 35 tuổi.

• Tăng cân hợp lý trong thai kỳ: tăng từ 12 – 15kg trong suốt quá trình mang thai, trường hợp mẹ dư thừa cân trước khi mang thai, nên tăng từ 7-11kg.

• Hiểu những rủi ro bạn có thể gặp phải như: sẩy thai, sinh khó, tiền sản giật, thai nhi bị dị tật bẩm sinh…

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua