Mâm ngũ quả ngày Tết: Vẹn tươi ngon, tròn ý nghĩa

Trong mỗi gia đình người Việt ngày Tết luôn có sự hiện diện mâm ngũ quả. Bạn đã biết sự khác biệt vùng miền của mâm ngũ quả cùng ý nghĩa của các loại trái cây trong đó chưa?

mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền có sự khác biệt về số lượng lẫn loại trái cây. Ảnh: Shutterstock

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc

Ở miền Bắc, hầu hết mọi người đều bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Vì vậy, mâm phải có đủ 5 màu tương ứng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Năm loại quả được lựa chọn là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.

Chuối trong mâm ngũ quả miền Bắc phải là chuối và nguyên vẹn một nải. Điều này tượng trưng cho sự sum vầy, đầm ấm.

Bưởi có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn. Một số gia đình thay bưởi bằng quả phật thủ. Quả này mang ý nghĩa lưu giữ thần linh, Phật và gia tiên ở lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ cùng các thành viên khác.

Quả quýt, hồng, đào hay ớt đỏ được xếp xen kẽ xung quanh mâm ngũ quả. Màu đỏ, vàng rực rỡ đẹp mắt cũng biểu tượng cho sự may mắn, thành đạt. Đôi lúc cũng có thêm quả dứa. Mùi hương của dứa dễ chịu, thể hiện mong ước về một năm mới thơm tho và nhiều phúc lộc.

Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả kiểu truyền thống là đặt nải chuối xanh ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại. Chính giữa đặt bưởi, phật thử. Các loại quả khác nhau đặt đều xung quanh.

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung

Là vùng đất nối liền hai miền Bắc Nam nên mâm ngũ quả của miền Trung có sự giao thoa và thường chia làm hai loại.

Loại thứ nhất khá giống với mâm ngũ quả miền Bắc, gồm một nải chuối làm bệ ở phía dưới. Bốn loại quả còn lại được lựa chọn dựa trên tiêu chí tên gọi của chúng. Chẳng hạn như sung (sung túc), mãng cầu (cầu mong bình an), đu đủ (đủ đầy)…

Loại thứ hai là các mâm quả mang hơi hướm miền Nam. Về cách chọn quả vẫn áp dụng tiêu chí giống loại thứ nhất.

Tuy nhiên, nải chuối sẽ không được sử dụng. Cách sắp xếp thường tùy thuộc vào sở thích của gia chủ. Nhưng thông thường, các loại quả nhỏ được xếp xen kẽ vào những khoảng trống, tạo cho mâm ngũ quả vẻ tròn đầy, sung túc.

Một điều đặc biệt ở miền Trung là người dân nơi đây không quá câu nệ hình thức hay số lượng quả cho mâm ngũ quả ngày Tết. Mọi người chủ yếu là có gì cúng nấy và thành tâm dâng kính tổ tiên. Thế nên, mâm ngũ quả mỗi nhà mỗi khác. Quả gì cũng được trưng lên, đặc biệt là phải tươi ngon.

Bạn sẽ thấy mâm ngũ quả có thêm lê (hay mật phụ) ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ. Hay là lựu – nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống. Ngoài ra còn có thanh long mang ý nghĩa rồng mây gặp hội.

Cau Dua Du Xoai. Plate with fruits on red background for celebrating Vietnamese Lunar New Year “Tet”

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam

Đối với người miền Nam, năm loại quả cơ bản thường có trên mâm là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Chúng được đọc gần giống với ước nguyện “cầu vừa đủ xài sung”.
Để mâm ngũ quả được đẹp mắt, người ta chọn ba loại quả to nhất là đu đủ, dừa, xoài để dưới cùng, sau đó xếp các quả còn lại lên trên để tạo thành hình chóp.
Ngoài ra, mâm ngũ quả còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn may mắn, thơm tho cả nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Họ không thờ cúng một số loại trái cây có cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối (chúi nhủi, làm ăn đi xuống không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại), có quýt nhưng không có cam (quýt làm cam chịu)…

Bạn có biết?

Mâm ngũ quả truyền thống chỉ có 5 loại. Số quả lẻ tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Ngày nay, để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, tổ tiên cộng với tính thẩm mỹ, người ta không quá cứng nhắc việc phải trưng đúng 5 quả nữa, mà có thể nhiều hơn. Ở miền Bắc vẫn chọn số lẻ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết. Ngược lại, miền Trung và miền Nam thoải mái hơn khi không quan trọng số lượng quả lẻ hay chẵn, mà chủ yếu chọn quả theo ý nghĩa của chúng và sở thích của mỗi nhà.

Tuy không quá quan trọng số lượng lẻ hay chẵn nhưng mâm ngũ quả ngày nay vẫn giữ nguyên những quy ước dân gian như chỉ bày quả, không có hoa hay thức ăn mặn. Số lượng trên mâm ngũ quả chỉ tính loại quả, không tính riêng từng quả.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua