Tết Trung thu năm nay, bạn hãy “đổi gió” cho mâm cỗ trung thu nhà mình bằng các món ngon tốt cho sức khoẻ sau đây nhé. Những món ăn này đều rất dễ làm và còn là đặc sản trứ danh của các quốc gia cùng đón Tết Trung thu với chúng ta. Đó là ngày lễ Chuseok ở Hàn Quốc, lễ hội ngắm trăng Otsukimi ở Nhật Bản; và Tết Trung thu ở Trung Quốc và Việt Nam.
Gỏi bưởi tôm thịt
Tết Trung thu không thể thiếu quả bưởi bởi nó mang ý nghĩa đoàn viên. Vì vậy, bạn không thể bỏ lỡ món ngon này trong mâm cỗ trung thu nhà mình. Ngoài ra, ăn và cúng bưởi vào ngày rằm tháng 8 còn mang ước nguyện sớm sinh quý tử.
Nguyên liệu:
200g tôm thẻ
150g thịt heo
200g cà rốt
200g dưa leo
100g hành tây
20g rau mùi
20g lá bạc hà
Hành tím, tỏi, ớt
50g đậu phộng
1/2 trái bưởi hồng (nên chọn trái hơi chua)
50ml nước cốt chanh
50ml nước mắm
15ml giấm gạo
60g đường
Sơ chế:
– Thịt rửa sạch, để ráo. Tôm bỏ đầu, rút chỉ, rửa sạch và để ráo.
– Hành tây lột vỏ, thái múi cau. Ngâm với nước đá lạnh cùng 10g đường và 15ml giấm khoảng 20 phút để hành bớt mùi hăng.
– Cà rốt bào sợi. Dưa leo thái mỏng.
– Rau mùi, bạc hà rửa sạch.
– Bưởi lột vỏ, tách thành miếng nhỏ vừa miệng.
– Đậu phộng rang chín, bóc vỏ và giã nát.
– Hành tím bóc vỏ thái lát mỏng. Sau đó phi vàng.
– Tỏi bỏ vỏ, băm nhuyễn.
– Ớt rửa sạch, bỏ hạt, băm nhỏ.
– Nước trộn gỏi: cho 50ml nước cốt chanh, 50ml nước mắm và 50g đường vào khuấy đều cho đến khi đường tan. Sau đó, cho thêm ớt và tỏi băm vào.
Thực hiện:
– Cho thịt vào nồi luộc cùng 1 chút muối và 1 – 2 củ hành khô. Khi thịt chín, vớt ra để nguội và thái thành lát mỏng. Để ngon hơn, bạn có thể chọn loại thịt ba chỉ ít mỡ.
– Tôm áp chảo trên lửa vừa cùng 1 chút muối. Khi tôm chín, vớt ra để nguội rồi bóc vỏ và bổ đôi tôm theo chiều dọc.
– Cho hành tây, cà rốt, dưa leo, thịt, tôm, bưởi, rau mùi và lá bạc hà vào 1 tô lớn rồi đổ nước trộn gỏi đã pha từ trước vào và trộn đều.
– Trang trí cùng hành phi và đậu phộng lên trên cùng.
Japchae
Miến trộn japchae thường xuất hiện trong bữa ăn ngày lễ Chuseok, tức Tết Trung thu ở Hàn Quốc. Món ăn này thường gồm rau củ, thịt được xào với miến. Để tạo nên sự mới lạ cho mâm cỗ trung thu năm nay, bạn hãy chế biến ngay món ăn thơm ngon và dễ làm này nhé!
Nguyên liệu:
300g miến
100g thịt bò
2 – 3 quả trứng gà
100g cải bó xôi
100g nấm đông cô
100g nấm kim châm
1 củ cà rốt, 1 trái ớt chuông đỏ, 1 trái ớt chuông xanh
Gia vị: dầu ăn, dầu mè, nước tương, tiêu, muối, mè rang
Sơ chế:
– Ngâm miến vào thau nước lạnh khoảng 5 phút để miến mềm. Sau đó luộc sơ với nước nóng trong vài phút rồi vớt ra, ướp miến cùng chút nước tương, dầu mè, tiêu xay.
– Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng rồi ướp với nước tương, tỏi băm, dầu mè và chút muối trong khoảng 15 phút.
– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi nhỏ. Ớt chuông xanh, đỏ thái sợi. Cải bó xôi bỏ gốc, rửa sạch, cắt khúc dài 3 – 4cm. Sau đó, chần sơ các loại rau củ này với nước sôi. Kế đến, đem ướp chúng với dầu mè, muối.
– Nấm đông cô làm sạch, thái lát mỏng. Nấm kim châm rửa sạch, để ráo nước. Ướp nấm với nước tương, dầu mè.
Thực hiện:
– Đập trứng vào tô, thêm chút muối rồi khuấy đều, đem tráng thật mỏng trên chảo lớn. Khi trứng nguội, bạn dùng dao thái thành những sợi nhỏ vừa ăn.
– Phi thơm tỏi với chút dầu ăn, cho phần nấm đã ướp vào đảo đều rồi cho cà rốt, ớt chuông, cải bó xôi vào. Lưu ý phải để lửa lớn, đảo đều tay để rau củ không bị ra nước. Sau khi rau củ chín tới và thấm gia vị thì tắt bếp, đổ ra đĩa.
– Bắc tiếp chảo lên bếp, phi thơm tỏi với dầu ăn rồi cho thịt bò vào xào nhanh.
– Cho miến ra đĩa, đổ hỗn hợp rau củ và nấm lên trên và cho thịt bò lên trên cùng. Trước khi ăn, rắc một chút mè rang, trộn đều rồi thưởng thức.
Tsukimi dango
Vào ngày rằm Trung thu, người Nhật thường ăn bánh Tsukimi Dango. Mục đích chính là để dâng lên thần linh, cầu mong cho mùa màng được bội thu và người dân sẽ có một cuộc sống sung túc, bình an. Nếu những chiếc bánh Trung thu không hấp dẫn bạn, hãy cùng bổ sung ngay món bánh đặc trưng ở Nhật Bản này vào mâm cỗ trung thu nhà mình.
Nguyên liệu
100g bột nếp
100g bột gạo
150ml nước
35g đường
4 muỗng cà phê sữa đặc
4 muỗng cà phê mật ong
Màu sắc: bột matcha hoặc phẩm màu tự nhiên
Thực hiện
– Trộn đường, bột nếp và bột gạo với nhau. Nếu muốn pha màu, bạn có thể cho vào bước này.
– Đổ nước và mật ong vào bát bột trộn ở trên. Sau đó tiếp tục trộn đều và từ từ nhào bột bằng tay cho đến khi bột thật mịn. Nếu cảm thấy bột bị nhão, cho thêm bột vào và nhào tiếp.
– Chia bột và vê tròn bột thành những viên bánh nhỏ như bánh trôi.
– Đổ nước vào nồi, bật bếp để vừa lửa và thả những viên bánh vào nồi nước đang sôi.
– Khi các viên bột nổi lên, nấu thêm khoảng 1 phút thì tắt bếp. Sau đó, vớt bánh ra và cho ngay vào tô nước lạnh. Khi ăn xếp bánh thành hình tháp hoặc tam giác.
– Thưởng thức bánh cùng mật ong hoặc nhấm nháp cùng nước trà xanh tùy sở thích.
Rượu quế hoa
Rượu quế hoa hay còn gọi là quế hoa tửu. Đây là thức uống truyền thống của người Trung Hoa từ 2.000 năm trước. Người ta quan niệm, rượu quế hoa tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình và mang đến một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, viên mãn. Do đó loại rượu này thường được dùng trong mâm cỗ trung thu của mọi gia đình.
Nguyên liệu
500g hoa quế tươi
2 lít rượu trắng
500g đường cát trắng
Thực hiện
– Hoa quế rửa sạch, loại bỏ tạp chất.
– Cho hoa quế và đường vào bình thủy tinh theo từng lớp với tỉ lệ 1:1. Sau đó, bọc kín miệng bình bằng vải và đậy chặt nắp. Để mẻ rượu thơm ngon hơn, bạn nên ủ hỗn hợp này ít nhất 1 tuần.
– Sau hơn 1 tuần, mở nắp bình hoa quế rồi cho thêm 2 lít rượu vào ủ trong vòng 40 – 60 ngày là có thể dùng được.
– Lưu ý: Khi ủ rượu, bạn nên cất giữ chúng ở nơi thoáng mát và không có nắng rọi vào.
Tiếp Thị Gia Đình