Malala Yousafzai: Cô gái dũng cảm nhất thế gian

Thời báo Parade và AbcNews nổi danh thế giới đồng lòng xưng tụng Malala Yousafzai là cô gái dũng cảm nhất trái đất. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ hiểu lý do vì sao

Vào buổi chiều ngày 9 tháng 10 năm 2012, trên một chiếc xe buýt từ trường về nhà; cô bé 15 tuổi Malala Yousafzai đang vui vẻ trò chuyện cùng bạn bè. Chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora, Pakistan; thì bị hai kẻ cầm súng chặn giữa đường. Chúng ngang tàng bước lên xe, hỏi: “Đứa nào là Malala Yousafzai?”

Cả chiếc xe lặng ngắt như tờ. Nhưng một số em, bằng bản năng, ngoái nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai gã đàn ông nhận diện ra cô bé. Ngay trong tích tắc, chúng giơ súng lên. “Đoàng! Đoàng!”. Hai phát súng vang lên, nhắm vào cô bé. Một phát trúng đầu. Một phát trúng cổ. Xong, chúng xuống xe; tẩu thoát. Sự việc kéo dài chưa đến 5 phút.

Cuộc thanh trừng trắng trợn, nhắm vào cô bé thường dân dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Malala Yousafzai hinh anh 1

Câu chuyện của Malala Yousafzai

Sẽ có người thắc mắc, tại sao chúng lại ra tay tàn nhẫn như vậy với một bé gái? Hai tên sát thủ ấy thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban, hoạt động rất mạnh tại Mingaro, Pakistan. Taliban cấm phụ nữ đến trường và tham gia các hoạt động xã hội. Tất nhiên, cô bé Malala Yousafzai không chấp nhận điều đó. Em kiên trì đến trường mỗi ngày. Tinh thần khát khao theo đuổi tri thức ấy đã đưa Malala đến với thế giới.

Năm 2009, lúc mới 12 tuổi, Malala nhận viết blog cho hãng thông tấn BBC. Trong các bài viết, Malala mô tả cuộc sống tại quê nhà Swat Valley, nơi Taliban chiếm đóng. Cô bé luôn đề cao việc phải phổ cập giáo dục cho phụ nữ. Những bài viết sắc bén của blogger Gul Makai – Hoa bắp (bút danh BBC đặt để bảo vệ danh tính Malala) khiến thế giới phải chú ý.

Malala Yousafzai hinh anh 2

Malala Yousafzai gặp gia đình tổng thống Mỹ Barack Obama tại nhà Trắng.

Bị tuyên bố xử tử vắng mặt

Từ những bài viết trên BBC, thế giới biết rõ hơn thực trạng của người dân dưới ách Taliban. Một năm sau, The New York Times đã sang tận Pakistan để làm phim tài liệu về cuộc đời cô bé. Từ đó, Malala Yousafzai được thế giới biết đến như một nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền trong các quốc gia Hồi giáo. Khi Malala càng được thế giới ca ngợi vì tinh thần đấu tranh bền bỉ cho phụ nữ, em càng trở thành cái gai trong mắt Taliban. Taliban xem cô bé là kẻ thù và ra lệnh hạ sát em.

Bản án tử hình Malala Yousafzai được đăng tải rộng rãi trên báo chí địa phương. Thậm chí, chúng còn được nhét dưới cửa nhà em. Nhưng Malala không hề sợ hãi. Mặc cho tử thần treo lơ lửng trên đầu, mặc tinh thần bị khủng bố; Malala vẫn tiếp tục đến trường và vận động các bạn gái đi học. Hậu quả là em bị bắn trên chuyến xe buýt từ trường về nhà.

Thật may, hai phát súng không hạ gục được cô bé 15 tuổi. Sau nhiều tháng liền hôn mê, em tỉnh giấc. Nhiều bệnh viện lớn ở Tây phương hứa sẽ điều trị cho em. Gia đình Malala chọn bệnh viện Queen Elisabeth Hospital ở Birmingham, Anh, nơi nổi tiếng điều trị các quân nhân bị thương tật. Sau mấy tháng nằm viện, sức khỏe của em hồi phục.

Malala Yousafzai hinh anh 3

Giáo dục là ưu tiên hàng đầu

Đầu năm 2013, Malala Yousafzai tiếp tục đến trường tại Birmingham. Khi đã đến được xứ tự do, Malala càng tích cực vận động cho quyền được đi học của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đạo Hồi. Tháng 7– 2013, chỉ 9 tháng sau khi bị bắn, Malala Yousafzai đã có cuộc phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, kêu gọi quyền đi học cho phụ nữ.

Em bảo: “Những kẻ khủng bố tưởng rằng họ sẽ thay đổi định hướng và hoài bão của tôi, nhưng chẳng có điều gì của cuộc đời tôi thay đổi cả ngoại trừ: sự mềm yếu, sợ hãi và tuyệt vọng đã mất đi. Sức mạnh, năng lực và sự can đảm được sinh ra. Tôi không chống ai cả. Tôi cũng chẳng đứng đây để nói lên sự trả thù cho cá nhân tôi đối với Taliban hay bất kỳ nhóm khủng bố nào. Tôi chỉ muốn lên tiếng về quyền được học cho mọi đứa trẻ. Tôi muốn giáo dục cho những đứa con trai, con gái của Taliban và tất cả những nhóm khủng bố và những nhóm cực đoan”.

Bạn có tưởng tượng được không, đó là những lời nói từ một cô bé 17 tuổi. Cô bé ấy đã chiến đấu từ năm 11 tuổi trong một xã hội bị Taliban cai trị. Lòng dũng cảm vô biên của em đã chinh phục cả thế giới, như lời cô bé hóm hỉnh tự nhận; “Thật sự em có sợ ma một chút. Nhưng em không sợ Taliban. Không hề!”. Từ sau bài phát biểu chấn động ấy; Liên Hiệp Quốc chọn sinh nhật của em (12–7 thường niên) làm ngày Malala.

Malala Yousafzai hinh anh 5

Nobel hòa bình trẻ nhất thế giới

Một buổi chiều cuối hạ; người ta gọi cô bé 17 tuổi ra khỏi lớp học khi cô đang chăm chú nghe giảng môn Hóa học và thông báo rằng: vài hôm nữa, cô sẽ chính thức trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử từng được nhận giải thưởng Nobel hòa bình cho những nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em của mình. Cô gái nhỏ kỳ diệu ấy mang tên Malala Yousafzai, một người Pakistan từng bị phiến quân Taliban bắn hai phát vào đầu 2 năm về trước. Ở tuổi 17, em là người nhận giải Nobel trẻ nhất trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng có uy tín nhất thế giới này. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã gọi Malala là “niềm kiêu hãnh” của đất nước Pakistan.

Đấu tranh vì nữ quyền

Nhưng danh hiệu, giải thưởng cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến Malala Yousafzai. Em bảo: “Đây không phải là kết thúc, đây chính là mở đầu cho những hoạt động của tôi. Giải thưởng này, tôi xin dành cho tất cả trẻ em”. Và Malala đã làm đúng như vậy: hoạt động không mệt mỏi cho nhân quyền và nữ quyền trong thế giới Hồi giáo. Trong cuộc phỏng vấn với nữ nhà báo Christiane Amanpour của CNN (mà TTGĐ từng có dịp đề cập), Malala hy vọng một ngày nào đó, em sẽ trở thành thủ tướng Pakistan. “Thông qua chính trị, tôi có thể phục vụ đất nước mình”. Một tháng trước, Malala đã chính thức tốt nghiệp cấp 3.

Hiện nay, em đang có chuyến đi đến Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latin để vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục. Tuổi trẻ tài cao, nhiều chính trị gia và nhà cầm quyền cho rằng, trong thế hệ Milleniums này, Malala Yousafzai sẽ là cánh chim đầu đàn, đưa thế giới trở thành một nơi tốt đẹp, đáng sống hơn.

Bài: HÀ ANH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua