Nóng trong người, dễ bị bệnh viêm nhiệt như ngứa, dị ứng, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, đau họng, trằn trọc khó ngủ… Đó là những điều mà chúng ta vẫn hay nghe thấy khi ăn nhiều vải. Theo các chuyên gia, mỗi ngày bạn chỉ nên ăn khoảng 190g trái vải là đủ, không nên ăn nhiều hơn.
Vải tốt cho sức khoẻ
Đâu chỉ ngọt thơm nịnh miệng, vải còn là loại quả chứa nhiều vitamin và dưỡng chất. 100g vải đã cung cấp 95% lượng vitamin C cần hàng ngày cho phụ nữ.
Ngoài ra, vải còn chứa nhiều chất xơ, vitamin B và một ít khoáng chất như magie và kali.
Cùi vải rất giàu hợp chất thực vật proanthocyanidin. Theo nghiên cứu, chất này mang đặc tính chống oxy hoá. Nó có khả năng ngăn ngừa khối u phát triển, ức chế hoặc ngăn ngừa ung thư, chống viêm và bảo vệ tim mạch. Cùi vải, đặc biệt là loại sấy khô có đặc tính chống khối u.
Những mẹo ăn vải lành mạnh
Ngâm trái vải trong nước muối pha loãng
Trước khi ăn, hãy loại bỏ lớp vỏ cứng của trái vải, chỉ để lại lớp màng trắng bao lấy cùi vải và ngâm chúng vào nước muối trong khoảng 30 phút. Cách này sẽ giúp phân hủy bớt axit trong trái vải, ngăn ngừa nhiễm toan chuyển hoá trong cơ thể. Mẹo này còn giúp loại bỏ bớt vi khuẩn bám bên ngoài quả vải.
Súc miệng bằng nước muối sau khi ăn vải
Vì hàm lượng đường trong trái vải rất cao nên sau khi ăn dễ bị đọng lại trong miệng. Bạn nên súc miệng với nước muối ấm sau khi ăn trái vải để làm sạch miệng và giảm tình trạng nhiệt miệng.
Không ăn trái vải khi đói
Ăn trái vải khi đói rất nguy hiểm. Nghiên cứu chỉ ra rằng trái vải chứa hypoglycin A – độc tố ngăn cơ thể tạo ra glucose. Ăn nhiều vải khi bụng đói sẽ dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết. Điều này có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ thậm chí tử vong.
Uống nước bí đao trước khi ăn trái vải
Theo Đông y, ta có thể uống nước bí đao hoặc ăn canh bí đao để giúp cơ thể không bị nóng trước lúc thưởng thức trái vải. Bởi bí đao là một loại quả tốt cho sức khỏe. Nó có công dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể. Không những thế, nó còn giúp lợi tiểu, hạ huyết áp rất hiệu quả.
Tiếp Thị Gia Đình